Sign In

Tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư làm công việc chăm sóc

14:26 07/11/2024
Với 2,2 triệu lao động di cư, giúp việc gia đình là nhóm lao động di cư làm công việc chăm sóc lớn nhất trong khu vực ASEAN. Nhóm này chiếm 19% trong tổng số 11,7 triệu lao động di cư trong khu vực ASEAN. 83% trong số họ là phụ nữ.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) chủ trì Hội thảo

Ngày 08/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì tổ chức Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 17: Hội thảo quốc gia nhằm trao đổi, thảo luận về các nội dung chuẩn bị cho AFML lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Lào vào ngày 13-14/11/2024 với chủ đề “Công việc chăm sóc và di cư lao động ở ASEAN”.

Hội thảo quốc gia có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Bộ LĐTBXH; Văn phòng ILO tại Việt Nam; các Cơ quan Chính phủ phụ trách lao động; tổ chức của người sử dụng lao động; đại diện người lao động; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí. Hội thảo được kết nối trực tuyến với sự tham gia của các tổ chức quốc tế trong khu vực và Ban Thư ký ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo thống kê, tỉ lệ người cao tuổi trong ASEAN dự kiến sẽ tăng lên 15, 49% vào năm 2030 và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ gia nhập nhóm dân số đang già hóa hoặc dân số già vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề như thiếu hụt lao động và tăng nhu cầu công việc chăm sóc.

Nhấn mạnh bài học từ các quốc gia đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Hà Thị Minh Đức khẳng định, ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu và thu hút người cao tuổi quay trở lại thị trường lao động, lao động di cư cũng sẽ là một chìa khóa để giải quyết những vấn đề mang lại bởi già hóa dân số và tăng nhu cầu của công việc chăm sóc.

Nền kinh tế chăm sóc là một lĩnh vực đang tăng trưởng

Bà Anna Engblom – Cố vấn kỹ thuật chính Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Theo bà Anna Engblom – Cố vấn kỹ thuật chính Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trên toàn thế giới, lĩnh vực chăm sóc hiện đang sử dụng 285 triệu người lao động làm công việc chăm sóc. Con số này chiếm 11,5% tổng số việc làm toàn cầu.

“Nền kinh tế chăm sóc đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững và việc làm thỏa đáng. Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến năm 2050, dự kiến cần số lượng lao động làm công việc chăm sóc dài hạn ở Châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp đôi, lên tới 90 triệu người” – bà Anna Engblom thông tin

Với 2,2 triệu lao động di cư, giúp việc gia đình là nhóm lao động di cư làm công việc chăm sóc lớn nhất trong khu vực ASEAN. Nhóm này chiếm 19% trong tổng số 11,7 triệu lao động di cư trong khu vực ASEAN. 83% trong số họ là phụ nữ.

Theo ILO, lao động giúp việc gia đình nằm trong số những lao động làm công việc chăm sóc được bảo vệ ít nhất với mức lương thấp do không có dịch vụ chăm sóc công; làm việc trong thời gian dài, điều kiện làm việc kém…

Làm thế nào để thu hút lao động di cư làm công việc chăm sóc ASEAN ở lại trong khu vực? Bà Anna Engblom cho rằng, các nước ASEAN có thể làm nhiều hơn nữa để thu hút và giữ chân lao động làm công việc chăm sóc trong lĩnh vực chăm sóc của họ như: chính thức hóa lĩnh vực chăm sóc, bao gồm cả công việc giúp việc gia đình và tình nguyện viên cộng đồng; cải thiện tiền lương, an sinh xã hội và điều kiện làm việc để thu hút người lao động di cư làm công việc chăm sóc; tạo điều kiện cho việc gia hạn giấy phép dễ dàng; tạo điều kiện cho lao động di cư làm công việc chăm sóc được quyền tiếp cận hiệu quả với việc phát triển và công nhận kỹ năng; ngăn ngừa và giải quyết tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử đối với lao động di cư làm công việc chăm sóc.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các hoạt động quốc gia trong việc thực hiện khuyến nghị của Diễn đàn AFML lần thứ 16 diễn ra vào năm 2023 với chủ đề “Công việc chăm sóc và di cư lao động ở ASEAN”, đồng thời cập nhật tình hình lao động trong nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài, đánh giá chung về các doanh nghiệp cũng như định hướng về bảo vệ lao động trong tương lai, giảm phí tuyển dụng mà người lao động phải trả.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho AFML lần thứ 17, Hội thảo đã có phiên chia nhóm thảo luận tập trung vào 02 nội dung chính, cụ thể: (1) Đáp ứng nhu cầu chăm sóc thông qua di cư lao động: Tập trung vào việc đánh giá tình hình và cấu trúc dân số của các quốc gia thành viên ASEAN, vấn đề già hóa dân số của các quốc gia phát triển trong khu vực để từ đó nhận định được những thách thức và cơ hội mà việc gia tăng nhu cầu cho công việc chăm sóc sẽ mang tới ; và (2) Tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư làm công việc chăm sóc trao đổi về vai trò của người lao động di cư trong việc giải quyết thiết hụt lao động do những biến đổi về cấu trúc nhân khẩu học cũng như những biện pháp hiệu quả để lao động làm công việc chăm sóc có thể đi làm việc ở nước ngoài một cách hiệu quả và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Cuối cùng, trên cơ sở các kết quả thảo luận, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một khuyến nghị chung của Việt Nam để gửi đến AFML lần thứ 17 xem xét.

Tag:

File đính kèm