Chiều ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ‘’Hội thảo quốc tế về Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng’’. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) Lưu Quang Tuấn tham dự và chủ trì Hội thảo; cùng dự có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP Việt Nam, ILO Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH.
Ông Lưu Quang Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn cho biết, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu, nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Việc tham gia JETP thể hiện nhận thức mạnh mẽ của hệ thống chính trị Việt Nam về sự cần thiết phải thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước khí hậu Glasgow,…
Nhằm triển khai Tuyên bố JETP, ngày 31/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nội dung về bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông, nâng cao nhận thức; thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Việc Việt Nam tham gia vào Tuyên bố JETP là cam kết hết sức mạnh mẽ và đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và của từng Bộ, ngành Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển bền vững và cùng với tiến bộ xã hội.
Ông Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiết hụt kỹ năng của người lao động, sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh; đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi năng lượng và các nỗ lực giảm lượng khí thải ví dụ như khả năng chi trả năng lượng xanh, sạch… Chính vì vậy, Hội thảo hôm nay sẽ chia sẻ thông tin về tiến trình chuyển đổi công bằng và những giải pháp nhằm đảm bảo tính bao trùm, công bằng trong quá trình này; đồng thời tạo diễn đàn để Bộ LĐTBXH, các đối tác quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực có cơ hội trao đổi về những cơ hội, thách thức của quá trình đối với việc làm, thị trường lao động và đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, từ đó đề xuất, hoàn thiện được các kế hoạch, chính sách phù hợp.
Quảng cảnh Hội thảo
Tham dự tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe nội dung về chuyên đề Chuyển đổi công bằng tại Việt Nam và những giải pháp nhằm bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi công bằng; Cam kết quốc tế và những điển hình tốt trong tiến trình Chuyển đổi công bằng; Chuyển đổi công bằng - Cơ hội và thách thức cho thị trường thị trường lao động Việt Nam; Vai trò và mục tiêu tiếp cận của Bộ LĐTBXH trong tiến trình hướng tới chuyển đổi công bằng tại Việt Nam; Tác động của quá trình chuyển đổi công bằng tới các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Tag:
File đính kèm