|
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo |
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cho biết: dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ trưởng, các Thứ trưởng cùng với nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, trong Quý III/2023, Bộ Nội vụ đạt được một số kết quả nổi bật đó là: (1) Tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH): cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH14 ngày 12/7/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2030; Nghị quyết thực hiện quy định trình tự việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; (2) trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định; 02 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định; 01 Công điện; (3) Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư và 02 văn bản hợp nhất.
Tập trung đôn đốc các địa phương triển khai các Nghị quyết của UBTVQH, của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; triển khai kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức gắn với vị trí việc làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, lắng nghe; ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, trách nhiệm giải quyết công việc của công chức, viên chức và người lao động của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, như: Tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công tác chuyển đổi số, quản trị hệ thống, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; ban hành Thông tư hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử; Hướng dẫn thu thập và nộp lưu hồ sơ, tài liệu lưu trữ điện tử vào Lưu trữ lịch sử nhằm hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai công tác chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ.
Tổ chức Đoàn làm việc với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về khảo sát hiện trạng, nhu cầu xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành và hệ thống thông tin, phần mềm quản lý nghiệp vụ phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ. Theo đó, đã xác định 10 CSDL thuộc Danh mục CSDL chuyên ngành về lĩnh vực nội vụ.
Kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Nội vụ với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, phục vụ khai thác, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; đồng thời kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện hạ tầng an ninh, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ kết nối CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan nhà nước với CSDLQG về dân cư.
Tổ chức các buổi làm việc với 05 Bộ: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng để tháo gỡ khó khăn trong việc cập nhật và đồng bộ CSDL về CBCCVC.
|
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu |
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Công tác triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời, đặc biệt là tập huấn, hướng dẫn triển khai các chính sách mới đã ban hành; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tuy đã được cải thiện nhưng hiệu quả công việc chưa cao. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ chủ động, nỗ lực, quyết liệt hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2023 và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2024, trong đó tập trung những nội dung cụ thể sau:
Chủ động, hoàn thành công tác xây dựng thể chế chính sách gồm: Trình Quốc hội khoá XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 các văn bản, đề án: (1) Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), (2) Báo cáo công tác quản lý cán bộ, công chức, (3) Báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, (4) Báo cáo sơ kết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 08 Thông tư.
Xây dựng kế hoạch rà soát các quy định, đánh giá tác động của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các luật có liên quan để có cơ sở đề xuất trình UBTVQH xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo quy định.
Tiếp tục giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín dị đoan; tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc; tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Tăng cường công tác đối ngoại các lĩnh vực nội vụ, chuẩn bị các điều kiện phục vụ lãnh đạo Bộ đi công tác nước ngoài theo Kế hoạch. Chủ động phối hợp với các đối tác quốc tế để triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; cải cách công vụ, công chức; nghiên cứu khoa học.
Tập trung hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; khẩn trương xây dựng quy chế vận hành, khai thác CSDLQG về CBCCVC; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng cho đội ngũ công chức, viên chức.../.
Mạnh Quân