Sign In

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII

04:36 11/07/2023
Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(1). Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII là một bước cụ thể hóa rất quan trọng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, không chỉ với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, mà cả nhiệm vụ chiến lược xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa

Đảng ta kế thừa và phát triển tư tưởng về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử phù hợp với điều kiện mới của đất nước và thời đại 

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Ngay trong thời cổ đại ở châu Âu, tư tưởng về nhà nước pháp quyền thể hiện rõ nét ở các nhà tư tưởng tiêu biểu như Xôcrát, Đêmôcrít, Platôn, Arixtốt, Xixêrôn. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng tư sản thế kỷ XVII, XVIII ở châu Âu, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã phát triển khá phong phú trong hệ thống các quan điểm về triết học, chính trị, pháp luật của J.Lốcơ, Môngtetxkiơ, JJ.Rútxô, I.Kant, G.Heeghen, trong đó thể hiện tập trung ở tác phẩm Tinh thần pháp luật của Môngtetxkiơ và tác phẩm Bàn về khế ước xã hội của JJ.Rútxô.

Nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước tiến bộ phù hợp với kinh tế thị trường và nền dân chủ như là một yếu tố của nền văn minh nhân loại. Nhà nước pháp quyền có một số đặc trưng cơ bản như: cội nguồn quyền lực nhà nước là ở nhân dân, bảo đảm chủ quyền của nhân dân; Nhà nước đề cao pháp luật, bảo đảm tính tối cao của hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội; Nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; Nhà nước chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình, còn công dân phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi của mình; Nhà nước có những hình thức tổ chức quyền lực thích hợp và có cơ chế giám sát sự tuân thủ pháp luật, xử lý các vi phạm pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện. Hình thức tổ chức quyền lực nhà nước phổ biến trong nhà nước pháp quyền là phân chia và chế ước lẫn nhau giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật; bảo đảm tính độc lập của tòa án và tính chất dân chủ, minh bạch của pháp luật.

Cho đến nay, Nhà nước pháp quyền được xem là hình thức nhà nước có khả năng thực hiện tốt nhất nền dân chủ. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức và coi trọng vai trò của Nhà nước và pháp luật trong đời sống xã hội. Ngay từ năm 1919, trong áng thơ dịch “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới với tư tưởng cốt lõi là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho nhà nước, nên hoạt động của Nhà nước phải phụng sự lợi ích của nhân dân, nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp; Nhà nước với tư cách là một chỉnh thể quyền lực để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Có thể nói, Hiến pháp năm 1946 đã bao hàm tư tưởng về nhà nước pháp quyền dù khi đó chưa sử dụng khái niệm “nhà nước pháp quyền".

Trong thời kỳ đổi mới, Văn kiện Hội nghị ĐBTQ giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đây là lần đầu tiên Văn kiện của Đảng chính thức sử dụng khái niệm “nhà nước pháp quyền”. Từ đó đến nay, qua các kỳ Đại hội ĐBTQ, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn những yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, nội dung, giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước”(2). Nghị quyết số 27-NQ/TW là sự cụ thể hóa và phát triển Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; là sự tổng kết sâu sắc về lý luận và thực tiễn vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là Nghị quyết chuyên đề, chuyên sâu về nhà nước pháp quyền, đã đề cập một cách toàn diện, hệ thống về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, từ khái niệm, các đặc trưng cơ bản, quan điểm chỉ đạo, đến các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu lên các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; Tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Về thành tựu: Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá qua 37 năm đổi mới đất nước, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như trong xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn. Bộ máy nhà nước từng bước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ được tăng cường. Mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

- Về hạn chế: một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn bất cập. Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa nghiêm; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ nhất, kết hợp giữa kiên định và sáng tạo trong vận dụng và phát triển lý luận.

Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”(3). Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Vì vậy, phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng đồng thời phải vận dụng và phát triển sáng tạo. Kiên định và sáng tạo là hai mặt của một vấn đề thống nhất biện chứng với nhau; kiên định phải trên cơ sở sáng tạo, nếu không sẽ rơi vào bệnh giáo điều, bảo thủ. Mặt khác, sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội, cực đoan, siêu hình. Vận dụng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn gốc, bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, pháp luật XHCN, của nền dân chủ XHCN, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không theo thể chế tam quyền phân lập.

Đồng thời, chúng ta phải luôn kiên trì, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, là ngọn nguồn sức mạnh của dân tộc ta, là cơ sở để giải quyết đúng đắn mối quan giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế, giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng với những đột phá như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế… mà đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua những năm đổi mới. 

Vì vậy, phải kiên định với đường lối đổi mới, đồng thời không ngừng tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới. Đồng thời, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng yêu cầu phải “nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ XHCN và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ”; coi việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị và phải đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật để quản lý xã hội, phát triển đất nước. Vì vậy, Đảng muốn mạnh thì Nhà nước và hệ thống chính trị cũng phải mạnh. Cho nên, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị cũng chính là xây dựng Đảng, không thể tách rời Đảng với Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý, quản trị của Nhà nước.

Thứ hai, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, dưới sự giám sát của nhân dân”.

Quan điểm trên đây nói lên bản chất của quyền lực nhà nước Việt Nam là thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, quyền lực là thống nhất, không chia sẻ, không có tam quyền phân lập mà chỉ tam quyền phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát, quyền lực nhà nước là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Mặt khác, quan điểm trên vừa nói lên tính chất XHCN, tính chất nhân dân của Nhà nước ta, vừa nói lên tính chất dân chủ và pháp quyền, tính chất nhân văn của Nhà nước, vừa phản ánh một cách tổng thể tổ chức bộ máy của Nhà nước ta.

Thứ ba, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như trong quản lý xã hội.

Quan điểm này thể hiện rõ tính chất pháp quyền của Nhà nước ta, đồng thời coi trọng giáo dục, đạo đức xã hội; chủ trương lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thống nhất giữa pháp trị và đức trị, pháp luật XHCN là pháp luật vì con người, do con người, của con người. Vì vậy, cần đấu tranh, phê phán, bác bỏ quan điểm của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận, xuyên tạc những thành tựu về bảo vệ quyền con người của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ tư, kế thừa và phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ XHCN.

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần phải kế thừa những thành tựu đạt được của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cần phải nắm chắc yêu cầu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ năm, kết hợp biện chứng, hài hòa giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; giữa kế thừa, ổn định và phát triển; giữa tổng thể, đồng bộ, liên thông với trọng tâm, trọng điểm, có bước đi vững chắc trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là vấn đề mới, rất quan trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Vì vậy, các bước tiến hành phải vững chắc, kiên quyết nhưng thận trọng, tránh giáo điều, máy móc hoặc nóng vội, chủ quan; những vấn đề gì đã được tổng kết, làm rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thống nhất cao thì kiên quyết tiến hành. Những vấn đề gì chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm qua đó rút ra kết luận.

Trên cơ sở quan điểm có tính chất phương pháp luận nêu trên, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với ba trọng tâm là: 1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; 2) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; 3) Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW

Một là, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Một đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền là phải thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như trong đời sống xã hội; xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, phải tăng cường phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, xây dựng lối sống và phong cách làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trở thành một chuẩn mực của xã hội. Phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thể chế hóa đầy đủ cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thể chế hóa quy định về quyền con người, quyền công dân.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; hoàn chỉnh cơ chế phản biện trong quá trình xây dựng pháp luật. Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn chặt giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật; hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật, phát triển nguồn nhân lực pháp luật.

Ba là, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đơn giản hóa thủ tục hành chính; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số; cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm…

Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Hoàn thiện thể chế để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.  

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; xung đột địa chính trị, cạnh tranh nước lớn biểu hiện ngày càng gay gắt. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng XHCN vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Vì vậy, phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Chúng ta tin tưởng rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu đó./.  

-----------------

Ghi chú:

(1),(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.174, tr.174-175.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII, Nxb CTQG-ST, H.2022, tr.37-38.

 

GS.TS Lê Hữu Nghĩa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội Triết học

tcnn.vn

Tag:

File đính kèm