Sign In

Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

15:12 25/09/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc", do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 24/9/2024, TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, nguồn lực tôn giáo góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện qua ba nội dung chính, đó là: 1) Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội, phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện; 2) Chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng cách mạng, lực lượng quần chúng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc; 3) Nguồn lực tôn giáo đóng góp vào các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội.

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: C.Vân

Thứ nhất, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội, phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện.

Bản chất các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Các tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, tương đồng với giá trị truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam,... Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần vào đồng thuận, tiến bộ xã hội. Một số cơ sở thờ tự của tôn giáo với kiến trúc độc đáo không chỉ chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh mà còn góp phần vào hệ thống công trình kiến trúc văn hóa của Việt Nam.

Thứ hai, chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng cách mạng, lực lượng quần chúng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam chiếm 27% dân số. Họ vừa là công dân vừa là tín đồ, có tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo, có niềm tin tôn giáo sâu sắc, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc. Đây là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và lực lượng quần chúng đông đảo, là nguồn nhân lực quan trọng đã và đang có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về chức sắc tôn giáo, theo thống kê đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 54 nghìn chức sắc, nhà tu hành và 135 nghìn chức việc thuộc 16 tôn giáo; là những trí thức tôn giáo với đa dạng các trình độ thế học và đạo học, có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và quản lý tín đồ trong các sinh hoạt tôn giáo; hướng dẫn tín đồ thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân,…

Thứ ba, nguồn lực tôn giáo đóng góp vào các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội.

Việc tham gia vào hoạt động an sinh xã hội vừa là chức năng xã hội vừa là thế mạnh của nhiều tôn giáo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện với hệ thống các cơ sở rộng khắp, hoạt động đa dạng, góp phần giải quyết được một số vấn đề bất cập trong xã hội.

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, nguồn lực tinh thần của tôn giáo chính là nguồn lực mạnh mẽ, bền vững đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; các cá nhân, tổ chức tôn giáo đưa các hoạt động tôn giáo đúng với bản chất thiện lành xây dựng, gìn giữ, thúc đẩy giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo để hội nhập và làm phong phú đạo đức, văn hóa - xã hội, lan tỏa tinh thần từ bi, hỷ xả, chân - thiện - mỹ của tôn giáo trong cộng động tín đồ và xã hội. Đồng thời nhấn mạnh, pháp luật luôn là mấu chốt quan trọng trong quản lý và phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội. Do đó, cần tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội của tôn giáo đang thực hiện; phân loại các cơ sở đã được cấp phép và các cơ sở chưa được cấp phép; hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định và nâng cao hiệu quả; tách bạch sử dụng đất vào mục đích an sinh xã hội và đất sử dụng vào mục đích tôn giáo.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: C.Vân

Hội thảo đã góp phần mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; đồng thời, khẳng định vai trò và nguồn lực tích cực của các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Duy Thái

Tag: