Sign In

Công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị

20:56 17/01/2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Nội vụ (kèm theo Quyết định số 1080/QĐ-BNV ngày 29/12/2023).

Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan, ngày 28/11/2023. Ảnh minh họa

Quy chế gồm 03 Chương 28 Điều quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ (gọi chung là cơ quan, đơn vị), bao gồm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ; việc công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; việc bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Ban Thanh tra nhân dân.

Đổi tượng áp dụng

Các Vụ thuộc Bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ, cơ quan chuyên trách Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ, các Ban quản lý dự án của Bộ do Bộ trưởng quyết định thành lập (gọi chung là cơ quan, đơn vị thuộc Bộ).

Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước (gọi chung là cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ).

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.

Nguyên tắc thực hiện dân chủ

Bảo đảm quyền của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng Bộ, Đảng ủy Bộ và sự quản lý của Bộ Nội vụ, vai trò nòng cốt của Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Thực hiện dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Tôn trọng ý kiến đóng góp và kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ

Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa, trù dập cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lợi dựng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động./.

Văn Nguyễn

Tag:

File đính kèm