Sign In

Hội thảo khoa học “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971-1975”

13:19 17/05/2024

(Bqp.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), sáng 17/5, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu) chủ trì, phối hợp với Binh đoàn 12 và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971 đến năm 1975”.

Dự hội thảo có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12; đại biểu lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.


Đoàn Chủ tịch hội thảo - ảnh: Trọng Đức

Với quan điểm khách quan, khoa học, phương pháp luận đúng đắn, tiếp cận những nguồn tư liệu có độ tin cậy và góc nhìn mới, các tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ những đóng góp, cống hiến to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971 - 1975; làm sâu sắc hơn nét đặc sắc của Bộ đội Trường Sơn, vừa là lực lượng đảm bảo cho công tác chi viện các chiến trường và là lực lượng tại chỗ, chiến đấu chống ngăn chặn của địch; là lực lượng tham gia tác chiến, góp phần vào thắng lợi của những chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử vận dụng, phát huy trong tình hình mới.

Những đóng góp, cống hiến to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971 - 1975

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh (nay là Bộ Quốc phòng) quyết định thành lập Đoàn Công tác quân sự đặc biệt (đến ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559; tháng 7/1970, đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc và thực hiện các nhiệm vụ khác. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.


Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo - ảnh: Trọng Đức

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Từ năm 1971 - 1975, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc Việt Nam cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào, Cam-pu-chia, đế quốc Mỹ và tay sai đã tiến hành biện pháp chiến lược “Chiến tranh bóp nghẹt”, ra sức bao vây, đánh phá, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Trên bộ, ngoài lực lượng biệt kích, thám báo, địch còn sử dụng các đơn vị chủ lực, dự bị chiến lược mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá các căn cứ, cơ sở hậu cần chiến lược của ta, hòng thiết lập phòng tuyến tại các khu vực giới tuyến quân sự, Đường 9, ngã ba Đông Dương, ngăn chặn mọi sự xâm nhập của ta qua tuyến đường này. Trên không, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy quyền Sài Gòn sử dụng máy bay trinh sát, máy bay ném bom, kể cả sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 để phát hiện, đánh phá những nơi chúng nghi ngờ ta bố trí căn cứ, kho tàng, bến bãi, cơ sở hậu cần, nhằm làm tê liệt hệ thống vận tải chiến lược, tiêu diệt chủ lực của ta trên tuyến Đường Trường Sơn, chặn đứng việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam, cô lập, bóp nghẹt cách mạng miền Nam.

Vượt qua sự khắc nghiệt của điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình Trường Sơn, đối mặt với “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù, vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh, với nghị lực phi thường cùng ý chí quyết tâm sắt đá “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, Bộ đội Trường Sơn luôn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường, bám trụ trên các cung đường vận chuyển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược, chi viện cho các chiến trường, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ tuyến chi viện, vừa phối hợp với các lực lượng tác chiến trong các chiến dịch (phản công, tiến công, phòng ngự). Theo sự phát triển của cuộc kháng chiến, Bộ đội Trường Sơn không ngừng được bổ sung quân số với chất lượng ngày càng cao, tổ chức ngày càng mở rộng, gồm các binh chủng, thanh niên xung phong, trở thành lực lượng binh chủng hợp thành, thực hiện đa nhiệm vụ, giữ vững mạch máu giao thông chiến lược.


Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định, quán triệt và thực hiện tư tưởng cách mạng tiến công, với phương châm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Bộ đội Trường Sơn anh dũng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, thực sự trở thành lực lượng tác chiến hiệu quả, đánh địch tiến công từ trên không, mặt đất và đường sông, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược, hệ thống các kho, trạm hoạt động thông suốt liên tục; phối hợp với bộ đội chủ lực và các lực lượng trên địa bàn các chiến dịch tác chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), các chiến dịch trong cuộc Tiến công chiến lược năm 1972; Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những đóng góp của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong những năm 1971 - 1975 nói riêng là hết sức to lớn, quan trọng, thực sự là nhân tố trực tiếp góp phần quyết định thắng lợi của các chiến dịch trên các chiến trường.


Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu khai mạc hội thảo - ảnh: Trọng Đức

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, những cống hiến lớn lao, hy sinh cao cả của Bộ đội Trường Sơn thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Tổ quốc Việt Nam ghi công những người lính Trường Sơn đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của Đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh Mỹ. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một “con đường huyền thoại” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX.

Phát huy và vận dụng bài học kinh nghiệm của Bộ đội Trường Sơn trong tình hình mới

Trong 16 năm (1959 - 1975) hoạt động trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, nhất là từ năm 1971 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ đội Trường Sơn thực sự là một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó, cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đường Trường Sơn giữ vai trò là tuyến chi viện chiến lược; là một chiến trường tổng hợp, ác liệt, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa Bộ đội Trường Sơn và đế quốc Mỹ cùng tay sai. Đây cũng là nơi biểu hiện sinh động sức mạnh, niềm tin, ý chí kiên cường không chịu khuất phục trước kẻ thù, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tình đoàn kết quốc tế của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.


Quang cảnh hội thảo.

Sau ngày đất nước thống nhất, là đơn vị tiếp nối truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 12 đã phát huy truyền thống, phát triển cả về tầm vóc, quy mô; tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu Trường Sơn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hạ tầng chiến lược, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Những năm đầu, nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn 12 là xây dựng cơ bản đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn từ Nghệ An đến Bình Phước với tổng chiều dài 1.920 km, góp phần quy hoạch lại dân cư, phát triển kinh tế các địa phương dọc Trường Sơn và Tây Nguyên. Năm 1978, Binh đoàn đưa 5 sư đoàn làm nhiệm vụ xây dựng Quốc lộ 279, đường vành đai chiến lược nối thông các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu dài hơn 1.000 km, qua 7 tỉnh biên giới phía Bắc và nối với các đường trục dọc, góp phần bảo đảm cơ động lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Binh đoàn 12 còn xây dựng 6 tuyến đường sắt; tham gia xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm của Nhà nước.


Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo - ảnh: Trọng Đức

Sau hơn 10 năm kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Binh đoàn 12 đã xây dựng cơ bản 9 tuyến đường của bạn Lào với tổng chiều dài hơn 360 km, 36 cầu; giúp bạn xây dựng một số công trình kinh tế, văn hóa và nhiều trụ sở làm việc của các cấp chính quyền... Ở trong nước, từ năm 1977 - 1988, Binh đoàn 12 đã mở mới, sửa chữa nâng cấp hơn 5.500 km đường (trong đó có trên 500 km đường nhựa); 5.147 m cầu, 31.758 m cống bê tông, đào đắp hàng chục triệu mét khối đất đá. Đầu năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của cả nước, theo quyết định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải và trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ đây, cùng với phiên hiệu Binh đoàn 12, đơn vị còn mang tên Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Trước những khó khăn, thử thách mới trong sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, vận dụng kinh nghiệm tích lũy qua 10 năm làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, đổi mới toàn diện, phát huy hiệu quả trong quản lý, chỉ huy, điều hành, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, từng bước vượt khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định, phát triển.


Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc phát biểu chào mừng hội thảo - ảnh: Trọng Đức

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, với nhiều thành tích trong xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng thời kỳ đổi mới, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và nhiều tập thể, cá nhân thuộc Binh đoàn được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Trong tình hình mới, bản chất, truyền thống tốt đẹp và những chiến công vang dội của Bộ đội Trường Sơn anh hùng trên tuyến chi viện chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh năm xưa sẽ còn được lưu giữ mãi. Đó là niềm tự hào to lớn, động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn kế tục, phát huy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh chung - ảnh: Trọng Đức

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh, kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng là dịp chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” với thắng lợi cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng thời, để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn và các lực lượng, nhân dân trên các địa bàn tuyến vận tải chi viện chiến lược đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên kỳ tích trên Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nêu rõ, hội thảo lần này cũng là dịp để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 nói riêng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung nghiên cứu, vận dụng, phát huy truyền thống anh hùng, những bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong các chiến dịch từ năm 1971 - 1975. Với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng Binh đoàn 12 nói riêng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt “3 tiên phong”: Tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực; Tiên phong trong phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng sản phẩm; Tiên phong xây dựng Đảng bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn tăng cường đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị toàn quân nghiên cứu vận dụng, phát huy những bài học về xây dựng và phát triển, chiến đấu và chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn vào công tác huấn luyện, SSCĐ, nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

File đính kèm:

Nguyễn Bằng

Tag:

File đính kèm