Sign In

Phát huy sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

17:14 06/05/2024

(Bqp.vn) - Cách đây tròn 70 năm, dân tộc ta, quân đội ta đã ghi vào lịch sử nhân loại một kỳ tích: Một đất nước “đất không rộng, người không đông”; một dân tộc lạc hậu, nghèo đói, vừa thoát ra khỏi bóng đêm nô lệ; một quân đội non trẻ, vũ khí, trang bị hạn chế và hết sức thô sơ, nhưng với đường lối tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc đúng đắn, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân, toàn diện, chính nghĩa đã đánh thắng một đội quân xâm lược nhà nghề, có vũ khí, trang bị hiện đại của một thế lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới lúc đó là thực dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 07/5/1954 đã chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta - nhân tố trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, buộc Pháp và các cường quốc tham dự Hội nghị phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đưa miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm tiền đề và hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất non sông, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Đồng thời, mở ra thời kỳ mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Lịch sử càng lùi xa càng đem lại cái nhìn khách quan, chân thực về nguồn gốc, nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam cũng như thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến này. Mặc dù đâu đó vẫn còn những nhận thức sai lệch, phiến diện, những lời lẽ ngụy biện, cố ý lảng tránh bản chất cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của thực dân Pháp ở Đông Dương; nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ với vai trò là nhân tố trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ tháng 7/1954 về Đông Dương đã chứng minh hùng hồn tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đường lối tiến hành chiến tranh đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là chiến thắng của tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, “dựa vào sức mình là chính đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế”, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế đúng đắn, sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của cách mạng Trung Quốc, Liên Xô, sự kề vai sát cánh chiến đấu vì mục tiêu chung của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một cuộc chiến đấu vĩ đại, thấm đượm tính nhân văn, kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ, được ví “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng” trên con đường phát triển, hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc ta. Giá trị lịch sử và thời đại của nó mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là động lực, nguồn cổ vũ to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hôm nay vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Diện mạo đất nước đã thay đổi căn bản, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; quan hệ quốc tế không ngừng được mở rộng, đi vào thực chất và hiệu quả… tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [1].

Hiện nay, mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng vẫn đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới,... tạo thách thức lớn đối với mọi quốc gia, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định là: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ nền văn hóa và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực, thế giới. Kế thừa và phát huy sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tinh thần đổi mới, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân như là sự kế thừa và phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới.

Lịch sử đã chứng minh, nếu không có Chiến thắng Điện Biên Phủ thì khó có thể có đại diện nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương và chúng ta cũng khó có cơ hội đấu tranh trên bàn đàm phán quốc tế để bảo vệ các quyền cơ bản của quốc gia - dân tộc. Bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự nỗ lực, hy sinh xương máu của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, chúng ta đã đến Hội nghị Giơ-ne-vơ bằng tư thế của người chiến thắng. Bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trực tiếp tại hội nghị là Liên Xô và Trung Quốc, chúng ta cũng đã tự tạo ra thế chủ động cho mình và giành được kết quả quan trọng. Lần đầu tiên các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam được các nước lớn thừa nhận tại một hội nghị đa phương, cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó chính là thắng lợi của ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vốn đã là truyền thống, khí phách của dân tộc Việt Nam, ngày nay cần được tiếp tục phát huy hơn nữa cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là nắm bắt và tận dụng tốt những vận hội tạo ra từ các xu thế khách quan của thời đại, từ những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế toàn diện và sâu rộng, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao khả năng tự chủ và làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, thích ứng với các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến và phương thức tiến hành chiến tranh mới.

Hai là, tập trung thực hiện thắng lợi, đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, làm cho dân thêm giàu, nước thêm mạnh, chính trị luôn ổn định, xã hội thái bình, đồng thuận, tạo tiền đề vững chắc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị nêu trên là nhân tố quyết định xây dựng, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Hiện nay, cùng với phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng để ngày càng xứng đáng là đội tiên phong, là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đồng thời coi trọng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa Việt Nam đã từng là “sức mạnh nội sinh” của đất nước, là nhân tố “sức mạnh mềm” cảm hóa quân xâm lược trong các cuộc chiến tranh, ngày nay cần phát huy hơn nữa trong hợp tác, đối tác để “thêm bạn, bớt thù”, duy trì nền hòa bình bền vững cho phát triển đất nước. Phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị nêu trên cũng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ba là, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trên tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, góp phần đắc lực trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, ngày càng nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời chủ động ngăn ngừa, hóa giải các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Trên cơ sở ưu tiên cao nhất bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược với các đối tác để hợp tác lâu dài, bền vững, tăng đối tác, hạn chế đối tượng. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, làm cho cộng đồng quốc tế ngày càng biết đến hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, nhân nghĩa, không chỉ sáng tạo, anh hùng, bất khuất trong chiến đấu chống ngoại xâm mà còn rất văn minh, thân thiện, thủy chung, son sắt với bạn bè quốc tế.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong tình hình mới.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đang được soi sáng bởi tư duy mới của Đảng phù hợp với thực tiễn tình hình thế giới, trong nước và xu thế khách quan của thời đại. Quan điểm của Đảng ta về đối tác và đối tượng của cách mạng Việt Nam là cơ sở khoa học để hợp tác và đấu tranh có hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; trong tổ chức, xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang. Mục tiêu Đại hội XIII đề ra là: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” [2]. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng là đội quân cách mạng của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, đội quân của hòa bình, chỉ chiến đấu tự vệ, bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh bắt buộc và chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Chúng ta nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; không liên kết với nước này để chống nước kia; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam được bồi đắp qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành suốt 80 năm qua cần được tiếp tục phát huy, lan tỏa trong giai đoạn mới.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta tự hào, biết ơn sâu sắc và mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã dũng cảm chiến đấu hy sinh dưới ngọn cờ đại nghĩa vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đem lại cho đất nước và dân tộc ta vị thế, cơ đồ và tương lai tươi sáng. Phát huy hào khí Chiến thắng Điện Biên, truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu tốt và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.104.

[2] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.158.

File đính kèm:

    Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Học viện Lục quân

    Tag:

    File đính kèm