Một buổi sáng ở thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, người dân đang chuyện trò rôm rả về “cái lợi, cái hay” từ mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản”. Đón chúng tôi, đồng chí Lưu Thị Phương (Trưởng thôn Kiều Mộc từ năm 2020 đến nay) tươi cười giới thiệu: “Từ khi về trực tiếp tham gia cơ sở, tôi chứng kiến sự chuyển mình đáng kể của địa phương nhờ mô hình "Ngõ, xóm liên gia tự quản". Giai đoạn gần đây, khi huyện Ba Vì đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì vai trò của mô hình này lại càng được khẳng định”.
Nói về lợi ích cụ thể, chị Phương kể câu chuyện đặc biệt của xóm Tân Tiến, một xóm Công giáo toàn tòng từng đối mặt với nạn nghiện hút: “Trước kia, người nghiện nhiều do các thế hệ đi làm sông nước, tàu bè khắp nơi. Nhưng nhờ mô hình tự quản an ninh trật tự, chúng tôi cộng tác cùng lực lượng Công an xã, rồi trưởng ngõ, trưởng xóm đi từng nhà thuyết phục mọi người theo chương trình quản lý, hỗ trợ của huyện. Mấy năm gần đây không còn phát sinh thêm người nghiện mới, nhiều người bỏ được hẳn, quyết tâm lao động làm ăn chân chính. Gia đình, xóm làng đều nhẹ gánh”.
 |
Đường thôn La Xuyên, xã Vạn Thắng sáng, xanh, sạch, đẹp nhờ sự chung tay của người dân trong thực hiện mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản”. |
Thôn Kiều Mộc hiện có 9 ngõ. 9 đồng chí trưởng ngõ chính là cánh tay nối dài cho chị Phương, không chỉ trong giải quyết việc chung mà còn lan tỏa tinh thần tình làng nghĩa xóm, nhất là khi có đám hiếu, đám hỷ, có việc là liên gia xúm lại giúp nhau, tinh thần đoàn kết rất rõ.
Tại trụ sở Huyện ủy Ba Vì, chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận. Anh Thịnh là người đã dành nhiều tâm huyết để phát triển mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản”. Theo anh, hiện 208/208 thôn trên địa bàn của huyện đã thành lập mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản”. Sau một năm triển khai bài bản theo hướng dẫn của Huyện ủy đã có hàng nghìn ngõ, xóm chính thức bầu ra ban đại diện, xây dựng quy chế chung, gắn với cuộc thi “Xây dựng, giữ gìn thôn, ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” toàn huyện.
Nhờ có các trưởng ngõ, xóm-là những người do chính bà con bầu chọn, uy tín cao nên chủ trương của Đảng và các chương trình của địa phương đến nhân dân rất sớm. Từ việc thu quỹ, vận động hiến đất làm đường, thu gom rác thải, hay tổ chức tiêm phòng, giúp đỡ gia đình khó khăn... đều “trơn tru”. Chủ trương, chính sách đến dân nhanh hơn, đồng thời ý kiến nhân dân cũng sớm “chảy ngược” lên chính quyền, giúp tháo gỡ vướng mắc một cách sát sao. Quan trọng hơn, người dân nhận thấy tiếng nói của họ được trân trọng. Các xóm, ngõ đã trở thành vệ tinh tích cực hỗ trợ quản lý đất đai, gìn giữ an ninh trật tự.
Không chỉ về hạ tầng, mô hình còn giúp đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, nhất là việc cưới, việc tang văn minh, không linh đình lãng phí. Điển hình ở thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, nơi ông Nguyễn Văn Á (Trưởng ban Công tác Mặt trận, nguyên Bí thư Chi bộ thôn) sinh sống. Ông Á cảm nhận sâu sắc các bước chuyển của địa phương: “Một thời, gia đình nào có việc tang hay mừng thọ cũng làm cả trăm mâm cỗ mời khắp nơi. Giờ nhờ quy ước thôn, sự thống nhất của toàn ngõ, xóm, đa phần chỉ gói gọn ở nội bộ gia đình. Ở thôn Quang Ngọc, chúng tôi đăng ký toàn bộ hỏa táng. Về phần mừng thọ, lễ lạt không nhận phong bì, chỉ làm bữa cơm tri ân. Trong xóm ai cũng tự quản lẫn nhau, thế là nếp sống văn minh được duy trì”.
Qua nhiều năm công tác, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh tâm đắc mô hình này nhất ở điểm là "trao quyền" cho dân, người dân thành những “mắt xích” vững chắc gắn với mục tiêu chung của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Ban đầu, nhiều ngõ, xóm chỉ nghĩ “chắc cũng chỉ như tổ liên gia ngày xưa”, nhưng rồi, chính cách cấp ủy, chính quyền kích hoạt phong trào, khuyến khích những “thủ lĩnh” giàu nhiệt huyết và đề cao sự tự quản đã tạo sức lan tỏa rất lớn. Ngày trước một cán bộ xã quản lý địa bàn nhiều việc không kịp trở tay thì nay chỉ cần nắm các trưởng ngõ, có việc cần là liên lạc, hoặc họ chủ động báo ngay, bí thư xã nắm gọn từng diễn biến. Cuối năm, tổng kết thi đua, những ngõ tiêu biểu được khen thưởng, tạo cạnh tranh lành mạnh, xóm này nhìn xóm kia, làm cho diện mạo huyện thay đổi đáng kể. Khi tình làng nghĩa xóm đã ấm áp, nồng nàn, bền chặt thì những xích mích vặt vãnh cũng tự khắc được giải quyết nhẹ nhàng.
Câu chuyện của bà con trong huyện Ba Vì đều cho thấy mẫu số chung rằng, mô hình tự quản không chỉ dừng ở việc giữ gìn trật tự hay huy động vật chất mà quan trọng nhất, “Ngõ, xóm liên gia tự quản” đã đánh thức tính tự giác, tự chủ của người dân, khơi dậy tình đoàn kết và tôn trọng nhau. Sống trong chính mô hình ấy, họ mới thấy cái hay, ngoài lợi ích cộng đồng, bản thân mỗi hộ dân được tham vấn đầy đủ, nhiều quyền lợi thiết thực hơn. Nhờ thế, người dân càng vững vàng, đồng lòng, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT - NGUYỄN LAN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.