Chiềng On (huyện Yên Châu) là xã biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, mạng xã hội đã không còn xa lạ với đồng bào. Điều đáng nói là mặc dù thường xuyên sử dụng nhưng không ít người chưa phân biệt được thông tin nào là đúng và đâu là thông tin xấu độc, gây nguy hại cho chính mình và cộng đồng. Chính vì vậy, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On đã phối hợp với cán bộ địa phương đến từng bản, từng hộ dân tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về bảo đảm an toàn, an ninh mạng nói riêng.
|
Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội. |
Từ ngày sử dụng điện thoại thông minh, internet phủ sóng đến tận bản, ngày nào anh Vì Văn Thanh ở bản Khuông, xã Chiềng On cũng dành vài giờ để vào các trang mạng xã hội. Thế nhưng, khi được hỏi về những quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội thì anh Thanh cho biết: “Mạng xã hội giúp tôi kết nối với nhiều bạn bè và nắm bắt thông tin. Trước đây, tôi xem và thấy tin nào hay thì chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Từ khi được bộ đội tuyên truyền, tôi và bà con dần biết được cái gì thì mình nên xem, theo dõi và được chia sẻ, cái gì thì không nên chia sẻ để không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức...”.
Tại xã Chiềng On, những năm trước, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã có trường hợp sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc về các ca bệnh trên địa bàn, gây hoang mang dư luận. Bản thân người đăng tin cũng không biết đó là hành vi vi phạm quy định trong việc sử dụng mạng xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do nhận thức của người dân còn đơn giản. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng On cho biết: “Đơn vị kịp thời phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng tới quần chúng nhân dân. Lưu ý bà con giữ bí mật thông tin cá nhân, không chia sẻ những hình ảnh, bài viết hay video clip tiêu cực; tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật; không xuyên tạc, lôi kéo, kích động người khác phạm tội trên không gian mạng...”.
Nói về kinh nghiệm thực hiện tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, Đại úy Đỗ Văn Nghiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On chia sẻ: “Đối với đồng bào DTTS, việc tuyên truyền cho bà con hiểu và làm theo cũng phải có cách riêng. Nếu chỉ tuyên truyền chung chung, nói theo tài liệu thì rất "khô" và bà con sẽ khó hiểu, khó nắm bắt. Vì vậy, để thu hút người nghe, chúng tôi thường tổ chức cho bà con xem video, hình ảnh trực quan, sinh động, từ đó giúp bà con biết cách đề phòng trước những thông tin sai sự thật, không vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, chúng tôi còn trực tiếp sử dụng điện thoại phân tích, hướng dẫn để bà con nhận biết thông tin chính thống; không đăng tải, chia sẻ, bình luận những hình ảnh, thông tin xấu độc; giúp bà con cách nhận biết thủ đoạn của các đối tượng xấu để không bị lợi dụng trên không gian mạng”.
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu tích cực, tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On luôn xác định việc tuyên truyền, vận động phải lâu dài, kiên trì và có phương pháp phù hợp để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Mỗi cá nhân khi tham gia không gian mạng đều cần được tuyên truyền, phổ biến các quy tắc, quy định, trang bị những kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Bài và ảnh: NGUYỄN HUYỀN ĐỨC