Sign In

Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Phát triển kinh tế biển: Phát triển kinh tế biển, thực hiện phương châm “Đột phá - năng động - sáng tạo - bền vững”

05:44 29/08/2023
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, với quyết tâm, trách nhiệm và tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung phát triển kinh tế biển bền vững, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đây là tiền đề để tỉnh thực hiện phương châm “Đột phá-năng động-sáng tạo-bền vững”, phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có huyện đảo Côn Đảo và 4 huyện, thành phố ven biển, gồm: Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Long Điền, Vũng Tàu; có bờ biển dài hơn 300km và vùng biển rộng hơn 100.000km2. Những đặc điểm và lợi thế này đã được Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác hiệu quả để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là kinh tế biển. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, toàn tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế-xã hội, đó là: Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh thu ngân sách đạt 112.093 tỷ đồng, tăng 27,83% so cùng kỳ năm 2021, là một trong 3 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 10 năm gần đây, với 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15% so với cùng kỳ, nằm trong tốp đầu cả nước. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các ngành kinh tế biển, như: Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; du lịch biển; hậu cần, kỹ thuật, cảng và dịch vụ logistics... Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: "Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, tỉnh xác định mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác tài nguyên biển có chiều sâu, bảo đảm ổn định lâu dài, không xâm phạm, xâm hại đến các giá trị của biển, hải đảo; đồng thời, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh ưu tiên nâng cấp các dự án mở rộng bến cảng, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu trung tâm, ven biển".

Khai thác hải sản là một trong những ngành nghề góp phần không nhỏ phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Với chủ trương đó, Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm, cảng tàu du lịch Côn Đảo và các dự án bảo tồn khác... Cuối tháng 7-2023, tỉnh đã khánh thành cảng tàu khách Côn Đảo và hiện đang triển khai dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, một khu thương mại tự do gắn với cảng biển.

Đối với ngành nghề khai thác hải sản, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII đã xác định phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Hiện tại, tỉnh có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản khoảng 16.153ha. Sản lượng nuôi thương phẩm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm. Toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP, Halal..., đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., kim ngạch hằng năm đạt khoảng 342 triệu USD, tăng cao so với nhiệm kỳ trước.

Về du lịch biển, trên địa bàn tỉnh có 3 khu du lịch biển nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có hệ sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, đang được tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng góp ngân sách lớn cho kinh tế-xã hội của tỉnh...

Những kết quả phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển là một trong những điểm nhấn nổi bật nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xác định 4 vùng chức năng, 3 trục động lực phát triển

Nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành. Với phương châm “Đột phá-năng động-sáng tạo-bền vững” để xây dựng địa phương phát triển toàn diện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định những mục tiêu cụ thể như: Tổ chức không gian phát triển theo 4 vùng chức năng (công nghiệp-cảng biển, du lịch, nông nghiệp, vùng biển-hải đảo), bám sát 3 trục động lực phát triển gồm: Trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục động lực dọc đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường vành đai 4; trục động lực dọc ĐT994 và đường trục kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phấn đấu trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách cao nhất cả nước...

Để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nửa cuối nhiệm kỳ lần thứ VII và những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra 4 phương hướng đột phá: Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ với các chuẩn mực hàng đầu thế giới; hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực với công nghệ hiện đại.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, bao gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin tuyên truyền về biển, đảo, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; phát triển văn hóa-xã hội vùng biển, đảo và ven biển; phát triển các ngành kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế biển là ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ trong nhiệm kỳ lần thứ VII. Đây là một trong những thành quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần tạo thêm thế và lực mới, mở ra thời cơ mới để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển bứt phá trong giai đoạn mới, khẳng định vị trí, vai trò của tỉnh trong tứ giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan. 

Tag:

File đính kèm