Sign In

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2023

18:21 05/10/2023
Chiều ngày 5/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2023. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Người phát ngôn của Bộ Tài chính chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi họp báo có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại Trung ương và Hà Nội.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được dư luận, người dân quan tâm trong thời gian gần đây như: việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh công dân có ảnh hưởng thế nào tới người dân? Công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cách thức vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất… đã được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cùng Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thông tin và giải đáp một cách thấu đáo.


Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp

Đảm bảo mã số thuế cá nhân đúng với mã định danh công dân

Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuế. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các phóng viên đó là việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh công dân.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, việc này được thực hiện theo Đề án 06 của Chính phủ. Trên cơ sở quy chế phối hợp, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang tiến hành đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư để sau khi thông tư hướng dẫn có hiệu lực, sẽ chuyển đổi hoàn toàn mã số thuế theo mã định danh. Kết quả chuyển đổi sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa thuế với Nhà nước.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn

trả lời các nội dung liên quan đến công tác quản lý thuế

Liên quan đến mã số thuế của người chưa có căn cước công dân và người phụ thuộc, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thêm, theo quy định tất cả công dân khi sinh ra đều được cấp mã định danh và đây sẽ là mã số thuế cá nhân. Còn người trưởng thành khi được cấp căn cước công dân, có nghĩa là đã có mã định danh. Điều này sẽ giải quyết được việc công dân Việt Nam có mã định danh là có mã số thuế cá nhân. Đối với trường hợp thực tiễn có nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa khai báo, cập nhật lại căn cước công dân, ngành Thuế đang có nhiều giải pháp, trong đó bao gồm cả việc thực hiện gửi tin nhắn tới công dân trước khi đối chiếu với mã định danh của công an đang quản lý.

Được giao nhiệm vụ hoàn thành thực hiện theo Đề án 06 trong năm nay, hiện Tổng cục Thuế cũng đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Quá trình chuyển đối nếu có vấn đề phát sinh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo mã số thuế cá nhân đúng với mã định danh trong dữ liệu dân cư.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT

Nội dung được nhiều phóng viên quan tâm tại cuộc họp báo đó là các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Thông tin về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thành lập các đoàn công tác để rà soát, tháo gỡ khó khăn, nhờ đó kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua đã được đẩy mạnh.

Trong quá trình thực hiện đã phát hiện một số sai phạm, Tổng cục Thuế đã tổng hợp kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi một số quy định; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tiêu chí hoàn thuế tích hợp tự động để tiếp nhận hồ sơ tự động. Mặt khác, sự thay đổi về kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua còn đến từ chính vấn đề giám sát thực hiện. Theo đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế chỉ đạo một đồng chí Phó Cục trưởng trực tiếp giải quyết hồ sơ hoàn thuế, nên không có độ trễ giữa việc trình và duyệt hồ sơ.

Toàn cảnh

Làm rõ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, hoàn thuế GTGT phải đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản đó là đúng quy định pháp luật và phải đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) được hoàn thuế sớm nhận được tiền. Các giải pháp đó bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ thuế. Nhờ triển khai mạnh mẽ các giải pháp này nên công tác hoàn thuế GTGT đã đem lại kết quả khá tốt trong thời gian qua.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định hoàn thuế cho DN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi DN còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho DN giảm bớt khó khăn, thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Đức chi khẳng định.

Sẽ sửa đổi bổ sung quy định liên quan đến quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề Quỹ BOG, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, theo các quy định đã ban hành thì thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm trước pháp luật về lựa chọn ngân hàng quản lý và bảo toàn số dư Quỹ BOG theo đúng quy định. Hơn nữa, các DN đầu mối cũng phải thực hiện quy định về báo cáo số tài khoản về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đồng thời hàng tháng có báo cáo về kết chuyển số dư Quỹ BOG.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình trả lời các

vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Thông tin thêm về vụ việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà bị Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Long Biên tự động trích thu gần 270 tỷ đồng mà báo chí đã phản ánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước; đồng thời có văn bản gửi BIDV để đề cập và phối hợp xử lý vấn đề này. Các đơn vị trong Bộ Tài chính cũng kết hợp với cơ quan liên quan để làm rõ trách nhiệm cụ thể.

“Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để có giải pháp, cách thức vận hành Quỹ phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, việc trích lập, hình thành và quản lý Quỹ BOG đã triển khai một cách đầy đủ, từ khung khổ pháp lý đến công tác quản lý, giám sát…

“Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BOG của các DN trong thời gian gần đây đặt ra cho các cơ quan quản lý vấn đề là làm sao để làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn và minh bạch hơn. Vì thế, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để có rà soát, xem xét các quy định hiện hành, các diễn biến trên thực tế để đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoặc giải quyết trong thẩm quyền những vấn đề còn tồn tại. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xăng dầu, trong đó có nội dung về quản lý Quỹ, Bộ Tài chính cũng tham gia vào quá trình sửa đổi pháp luật trên” - Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi kỳ vọng qua đánh giá thực tế sẽ xem xét vấn đề nào còn bất cập thì sẽ là bài học kinh nghiệm để sửa đổi trong các quyết định sắp tới, để việc điều hành giá, Quỹ BOG được chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch hơn.

Liên quan đến câu chuyện "giữ hay bỏ" Quỹ BOG, Thứ trưởng khẳng định, trong Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 vẫn có quy định về Quỹ BOG. Trước khi thông qua thì Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì Quỹ hay không?  

Theo Thứ trưởng, Quỹ BOG là một biện pháp bình ổn giá, nên việc sử dụng quỹ như thế nào là một quá trình triển khai trên thực tế theo từng giai đoạn, từng mặt hàng. Đây cũng là khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua và thấy rằng là cần thiết về bình ổn giá.

Cùng với Quỹ BOG, một giải pháp quan trọng là dự trữ nhà nước. Hiện Bộ Công Thương đã thực hiện dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu. Nhưng trong đề xuất xây dựng chiến lược ngành Dự trữ Nhà nước thì Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để nâng cao vai trò của Tổng cục Dự trữ nhà nước trong dự trữ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu trong tình huống cấp bách, thậm chí là nếu đủ tiềm lực thì can thiệp vào bình ổn giá.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cùng Lãnh đạo một số đơn vị đã trao đổi thông tin liên quan tới các lĩnh vực quản lý khác của Bộ Tài chính như vấn đề tiền ảo; công tác giải ngân của Kho bạc Nhà nước; công tác thanh tra bảo hiểm; các chính sách thuế và tiến độ sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân.../.

Kim Chung

Tag:

File đính kèm