Sign In

Tín hiệu tích cực từ tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA của các Bộ, ngành

16:40 28/06/2023
Sáng nay (28/6), tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 11 Bộ, ngành được giao dự toán nguồn vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài 2023; một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính.

Sáng nay (28/6), tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 11 Bộ, ngành được giao dự toán nguồn vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài 2023; một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị

Tỷ lệ giải ngân đạt 27,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Cục QLN) cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung cũng như giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài nói riêng luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ,ngành quan tâm.

Về phía Bộ Tài chính, trong thời gian qua, đã luôn coi công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài.  Đối với giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các chủ dự án trực thuộc khẩn trương phân bổ, nhập dự toán TABMIS, rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài thuộc kế hoạch vốn 2023.

Bộ Tài chính đã cùng với các Bộ, ngành, các chủ dự án bám sát tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài; tổ chức các đoàn làm việc với 3 Bộ và 5 địa phương có số kế hoạch vốn nước ngoài được giao lớn; hàng tháng đều có làm việc với các chủ dự án để xử lý các vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh toán, các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; đồng thời phối hợp chuẩn bị tài liệu và tham gia toàn bộ các đoàn công tác đôn đốc giải ngân của Thủ tướng Chính phủ tại các Bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023. Rà soát quy trình tiếp nhận hồ sơ và xử lý đơn rút vốn đảm bảo thời hạn ngắn nhất và trả ngay cho các chủ dự án nếu hồ sơ chưa hợp lệ...

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục QLN phát biểu khai mạc

Theo đánh giá của Cục QLN, tỷ lệ giải ngân của các Bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27,2% cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (17%), cao hơn so với mức trung bình của các địa phương (9,06%). Theo đó, năm 2023, tổng dự toán vốn nước ngoài từ nguồn NSTW do Thủ tướng Chính phủ giao cho 11 Bộ, ngành là hơn 11.858 tỷ đồng, trực tiếp cho 57 dự án và tiểu dự án.

Tính đến hết ngày 31/5/2023, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các Bộ, ngành đạt 92,36% (gần 10.954 tỷ đồng).

Ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% dự toán được giao (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% dự toán (tương đương 3.225 tỷ đồng).

Trong 11 Bộ, ngành được giao kế hoạch vốn, có 5 Bộ, ngành có giải ngân, trong đó, số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông Vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%). Nếu tính theo dự án, có 24/57 dự án, tiểu dự án có giải ngân.

Về kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các Bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,5 tỷ đồng. Hiện các Bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

Nguyên nhân cơ bản

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã báo cáo, trao đổi làm rõ thêm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023, chỉ ra các nguyên nhân, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp tăng cường giải ngân trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Bộ Giao thông vận tải, một số nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài còn thấp là do: dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật,…); vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ, các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý; vướng mắc do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng;…

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - một trong ba đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cao trong 6 tháng đầu năm, cho biết, năm 2023, Bộ được giao 1.800 tỷ đồng vốn nước ngoài; 100% số vốn nước ngoài được giao đã được nhập Tabmis. Ước đến 30/6/2023, giải ngân theo kiểm soát chi kho bạc đạt 576 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ cũng gặp khá nhiều vướng mắc do giá vật liệu trong thời gian qua tăng cao dẫn đến dự toán xây dựng tăng mạnh, gây vướng mắc trong triển khai, đặc biệt có dự án vượt tổng mức đầu tư cần phải nghiên cứu kết cấu lại dự án, trình điều chỉnh; vướng mắc trong điều hành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương đối với các dự án có tính chất như dự án Ô (dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dựa án thành phần thuộc dự án); một số dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc có nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư tiếp nhưng thủ tục thực hiện các nội dung này khá phức tạp, mất thời gian…

Một số nguyên nhân khác cũng được chỉ ra tại Hội nghị là: Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai. Ngoài ra, do trong những tháng đầu năm, các Bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ KHV 2022 nên cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân năm 2023.

Sẽ ưu tiên vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt

Ghi nhận những nỗ lực của các Bộ, ngành, chủ dự án trong công tác giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân này còn thấp so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của TTCP tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, đòi hỏi các Bộ, ngành và các chủ dự án cần triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành được nhiệm vụ giải ngân.

Về phía Bộ Tài chính, đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; Tiếp tục triển khai các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Nếu thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Đồng thời, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Các cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay. Trường hợp có vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách, cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý.

Riêng đối với các Bộ là cơ quan chủ quản các dự án Ô, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời cần sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án. 

Đối với các chủ dự án, Bộ Tài chính đề nghị tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề. Đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và các Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị cần thực hiện theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân của các Bộ, ngành, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn năm 2023; Hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các dự án lâu không khắc phục được các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, các dự án khó có khả năng hoàn thành kế hoạch, dự kiến hủy một phần hoặc toàn bộ dự toán, và đã hủy năm trước, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chế tài xử lý và kiến nghị không giao kế hoạch vốn năm tiếp theo khi chưa khắc phục, giải quyết được các vướng mắc.

HP

 

 

Tag:

File đính kèm