Sign In

Tập huấn về các văn bản mới ban hành trong lĩnh vực bảo hiểm: Hiểu đúng để làm đúng

14:00 28/11/2023
Trong 2 ngày (28-29/11/2023), tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tập huấn về Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hướng đến hoàn thiện khung khổ pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục QLGSBH phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị do ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH) chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, các cán bộ công chức, viên chức của Cục QLGSBH và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục QLGSBH cho rằng đây là cơ hội để cơ quan quản lý và các doanh nghiệp dành thời gian chia sẻ, trao đổi những vấn đề các bên quan tâm trong quá trình thực thi chính sách bảo hiểm và những vấn đề chung của thị trường bảo hiểm.

Theo Lãnh đạo Cục QLGSBH, công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm luôn được Bộ Tài chính, Cục QLGSBH quan tâm thực hiện. Sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, Cục QLGSBH đã phối hợp với cơ quan liên quan, Hiệp hội bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, hoàn thiện gần như toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gồm 3 Nghị định, 02 Thông tư. Từ giờ đến cuối năm, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Cũng trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra tính tuân thủ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Về phía Cục QLGSBH, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn được tiến hành đầy đủ, nghiêm túc. Cũng theo ông Ngô Việt Trung, khi các DNBH cùng hiểu thống nhất và thực hiện đúng quy định của pháp luật sẽ góp phần cùng cơ quan quản lý xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, lành mạnh, tập trung hơn vào chất lượng.

Bà Trần Thanh Hà, Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục QLGSBH trình bày các nội dung đáng chú ý của các quy định mới về bảo hiểm

Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, các đơn vị chuyên môn của Cục QLGSBH sẽ phân loại, giải đáp các nhóm câu hỏi, nhóm vấn đề cơ bản, trọng yếu phát sinh từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực thi chính sách, đặc biệt là đối với các chính sách mới ban hành về lĩnh vực bảo hiểm.

“Chúng tôi mong muốn các đại biểu tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các buổi tập huấn cũng như việc rà soát, tuân thủ các quy định trong suốt quá trình hoạt động của mình. Sau hai ngày tập huấn, có những nội dung chưa đủ thời lượng để giải đáp, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi riêng, cần thiết sẽ tổ chức tập huấn theo khối, thậm chí từng doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là để chúng ta hiểu đúng và làm đúng.”- ông Ngô Việt Trung nhấn mạnh.

Trong buổi sáng ngày 28/11, bà Trần Thanh Hà, Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục QLGSBH đã trình bày một số điểm lưu ý quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chung liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Nghị định số 46/2023/NĐ-CP); Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP; Thông tư số 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.

Bà Lý Thị Thu Thủy, Trưởng phòng QLGSBH nhân thọ (ở giữa) giải đáp các câu hỏi của DNBH tại Hội nghị

Giải đáp vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách của DNBH

Đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cục QLGSBH cũng đã dành thời lượng lớn để giải đáp trực tiếp các các nhóm câu hỏi, nhóm vấn đề cơ bản, trọng yếu phát sinh từ phía các DNBH trong quá trình thực thi chính sách, đặc biệt là đối với các chính sách mới ban hành về lĩnh vực bảo hiểm như: việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm; thay đổi trong cơ sở; phương pháp tính phí bảo hiểm; quy định về giảm phí bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm bán trực tiếp không qua đại lý bảo hiểm; làm rõ về các sản phẩm liên kết đầu tư; liên kết đơn vị; quy định về việc thành lập quỹ liên kết đơn vị; việc xây dựng quy tắc, điều khoản hợp đồng theo quy định mới; hình thức thiết kế tài liệu tóm tắt, quy tắc, tài liệu hợp đồng; tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ;…

Liên quan đến việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm, đại diện Cục QLGSBH cho biết, theo quy định tại Nghị định 46/2023NĐ-CP, không còn khái niệm sản phẩm bổ trợ. Do đó, các sản phẩm sẽ được phân loại theo đúng bản chất sản phẩm và phải thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ và chi trả hoa hồng theo đúng nghiệp vụ đó. Mỗi sản phẩm khi đăng ký với Bộ Tài chính sẽ được coi là sản phẩm độc lập. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, DNBH chủ động trong việc thiết kế thành các gói sản phẩm bảo hiểm bán kèm với nhau. Trong quá trình tính phí, DNBH cũng sẽ được linh hoạt trong việc thiết kế mức phí khi bán độc lập khác với mức phí khi bán kèm một sản phẩm bảo hiểm khác.

Toàn cảnh Hội nghị

Về các sản phẩm liên kết đầu tư, theo quy định, tên gọi của sản phẩm liên kết đầu tư, liên kết đơn vị phải có thành tố “sản phẩm liên kết chung, sản phẩm liên kết đơn vị, DNBH đề nghị làm rõ tên gọi này phải thể hiện trên các tài liệu nào? Doanh nghiệp có thể sử dụng tên thương mại của sản phẩm bảo hiểm trong quá trình bán hàng không? Đại diện Cục QLGSBH cho hay, trước đây, khi DN đăng ký phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính, thường đăng ký tên kỹ thuật. Trong tên kỹ thuật lúc nào cũng phải có đầy đủ thành tố “sản phẩm bảo hiểm liên kết chung abc”, “sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị abc”. Tuy nhiên, khi triển khai sản phẩm trên thị trường, doanh nghiệp thường dùng các tên thương mại cho sản phẩm bảo hiểm của mình và thực tế đã xảy ra một số câu chuyện, đặc biệt là khi doanh nghiệp thực hiện phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng gây hiểu nhầm cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tài chính của ngân hàng hoặc sản phẩm khác. Vì vậy, với những quy định mới tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP, kể cả khi doanh nghiệp sử dụng tên thương mại cho sản phẩm bảo hiểm của mình thì vẫn phải gắn tiền tố “sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị” hoặc “sản phẩm bảo hiểm liên kết chung” để khách hàng có thể nhận biết được họ đang tham gia một sản phẩm bảo hiểm và tên này phải thể hiện đồng nhất tại tất cả các tài liệu của bộ hợp đồng bảo hiểm….

* Chiều cùng ngày, Cục QLGSBH và các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngày 29/11, các nội dung về Nghị định số 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô; Thông tư số 69/2022/TT-BTC quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm sẽ được tiếp tục trao đổi tại Hội nghị.

HP

Tag:

File đính kèm