Sign In

Hơn 11,6 triệu lượt ý kiến góp ý về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

14:43 06/04/2023
Chiều 6/4, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức...

Page Content

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau đó, các cơ quan hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà Báo cáo tại hội nghị

Các ý kiến góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật

Tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Chính phủ cùng với các cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí đã tổ chức hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy ý kiến Nhân dân.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật…

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.

Toàn cảnh phiên họp

Tính đến hết ngày 02/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9.93%; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến; Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến; Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến; Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã cùng với các cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều hình thức hết sức đa dạng, hết sức khoa học, cụ thể và thiết thực. Qua thống kê cho thấy Nhân dân quan tâm hết sức toàn diện và đồng bộ dự án Luật này.

Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, lắng nghe Nhân dân và bên cạnh đó là trách nhiệm thẩm định, đến nay có thể khẳng định với sự vào cuộc hết sức khẩn trương, kịp thời và đồng hành, sau một thời gian ngắn so với việc xử lý hơn 11 triệu các ý kiến đóng góp của Nhân dân đã được tổng hợp. Bao gồm các ý kiến từ các nhà khoa học, các cơ quan của Quốc hội, các Ủy ban sau khi tổng hợp gửi đến, thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các bộ, ngành lấy ý kiến theo ngành của mình, thông qua việc các địa phương tổ chức lấy ý kiến đến các tổ dân phố, có thể khẳng định là rất nhiều hình thức hết sức đa dạng, hết sức khoa học, cụ thể và thiết thực. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 100% các bộ, ngành đều đã có kế hoạch cụ thể, các tổ chức đoàn thể ở trung ương và các địa phương đều triển khai đồng bộ từ khâu kế hoạch, nội dung, hình thức...

Theo Phó Thủ tướng, các ý kiến góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật từ bố cục, kỹ thuật soạn thảo, rà soát tính thống nhất với các pháp luật liên quan, các chính sách trọng tâm và các quy định cụ thể tại các chương, mục, điều, khoản của dự thảo Luật.

Bố cục của dự thảo Luật sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 246 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị Nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, với tinh thần “từ sớm, từ xa”, sáng ngày 6/4 Thường trực Chính phủ đã thống nhất về một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục tiếp tục hoàn thiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nêu các nội dung lớn cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện về Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Sở hữu đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính đất đai, giá đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất…

Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội. Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…).

Về chế độ sử dụng các loại đất, ý kiến đóng góp tập trung vào thời hạn sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung cho công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo… Ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa đất công do Nhà nước quản lý, trong đó có đất an ninh quốc phòng để có chế độ quản lý đất công đặc thù.

Phó Thủ tướng cũng nêu nội dung cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến phân loại đất, tiếp cận đất của người Việt Nam định cư nước ngoài, thời điểm xác định định giá đất, điều khoản áp dụng pháp luật…

Phát biểu điều hành hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải  Đây là dự án luật khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, quy định của luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và quyền, lợi ích của người dân. Do đó, đề nghị các vị đại biểu tập trung tâm huyết, trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng gợi ý nội dung thảo luận và đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung đại biểu quan tâm.

Cần giải quyết được vướng mắc, điểm nghẽn cơ chế thu hồi đất

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đánh giá cao sự chuẩn bị và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật này, đồng thời bày tỏ cơ bản thống nhất với nhiều điểm mới đã được bổ sung, tiếp thu của dự thảo Luật… đồng thời đề nghị xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất

Theo đại biểu đối với quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nếu áp dụng trong thực tiễn thì quy định như Dự Luật là chưa phù hợp.

Thời gian thông báo 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp là quá dài, trong khi mục đích việc thông báo thu hồi là để người sử dụng đất biết được quyền sử dụng đất của mình sẽ bị thu hồi để thực hiện công trình, dự án. Việc kéo dài thời gian thông báo thu hồi không có tác dụng để người sử dụng đất đồng thuận chủ trương thu hồi. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét để rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này. Dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, đột phá và rất tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và ý kiến tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Dự thảo đã có nhiều chỉnh lý, hoàn thiện hơn nhiều so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV...

 

Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra, đến năm 2045 đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ. Để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành và những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu hecta trở lên.

Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên nên giao để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này. Đại biểu cũng nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

 

 

Cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ cơ sở để xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng tầm nhìn trong sử dụng đất thì còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến chủ quan, không có cơ sở chặt chẽ. Đại biểu cũng cho rằng, tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch cấp tỉnh phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là về đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất xây dựng cơ sở hạ tầng…

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV để chỉnh lý dự thảo Luật. Đây là dự án Luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bao phủ rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến nhiều luật khác nhau nên cần nhiều thời gian tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.

 

 

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quản quản lý nhà nước gồm 13 nhóm hành vi tại Điều 12, theo đại biểu quy định như vậy chưa đủ, chưa đảm bảo được các hành vi xảy ra sai phạm có thể xảy ra trong thực tiễn. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo chặt chẽ, không để kẽ hở, khoảng trống mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất tại khoản 1,2,3 Điều 16 của dự thảo Luật với 13 nhóm trách nhiệm, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, 13 nhóm trách nhiệm như dự thảo quy định là chưa đảm bảo đầy đủ theo chức năng quản lý đất đai của cơ quan nhà nước, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong việc ký, đo đạc, làm thủ tục hồ sơ đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn.

Theo chương trình, sáng ngày 7/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội

Tag:

File đính kèm