Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cùng hơn 200 cử tri đại diện cử tri quận Ô Môn, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.
Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thực hiện 03 chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội sẽ thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh năm 2024; cho ý kiến với 11 dự án luật, thông qua 10 dự án luật.
Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Thủ tướng chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả
Phát biểu với cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham gia cuộc tiếp xúc cử tri trong không khí phấn khởi của cả nước kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, đúng, trúng vấn đề của cử tri, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
Trao đổi, chia sẻ một số nội dung, vấn đề được đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng đã thông báo cập nhật về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, thành phố Cần Thơ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, rủi ro gia tăng; cạnh tranh địa chính trị, xung đột leo thang; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi.
Cử tri TP. Cần Thơ nêu câu hỏi tại buổi tiếp xúc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII và Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, trong 4 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).
Theo đó, chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật (đã tổ chức 8 phiên họp Chính phủ với 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đã ban hành 44 nghị định, 6 quyết định quy phạm và 11 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ); ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chú trọng phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Điểm lại một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 6,0% (cùng kỳ giảm 2,5%). Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,5%; khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023 (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 trước dịch COVID-19).
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường trả lời các câu hỏi của cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Trong đó, thu đủ chi, thu ngân sách 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ; chuẩn bị nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Xuất đủ nhập, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,2%, xuất siêu 8,4 tỷ USD). Làm đủ ăn, xuất khẩu gạo đạt trên 3,2 triệu tấn, tăng 11,7%; kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD, tăng 36,5%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm, trong đó cung ứng đủ điện trong bối cảnh tháng 4 nóng nhất từ trước tới nay, tiêu thụ điện cao kỷ lục.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%), thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực.
Hạ tầng chiến lược được thúc đẩy với khí thế "cả nước như một công trường", nhất là các dự án cao tốc; công tác quy hoạch được đẩy mạnh, hoàn thành toàn bộ 6 quy hoạch vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị; tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong 4 tháng, đã hỗ trợ gần 18,5 nghìn tấn gạo; có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam… được tổ chức trang trọng, ý nghĩa.
Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng lên.
Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ Đào Chí Nghĩa thông báo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc. Chỉ số hạnh phúc xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023…
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế-xã hội còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều địa phương, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…
Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có cấp cơ sở; sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Về nguyên nhân hạn chế, tồn tại, ngoài các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu có lúc, có nơi chưa được phát huy; việc nắm tình hình, tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, bất ngờ, chưa kịp thời, hiệu quả…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm: (1) Phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; (2) Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; (3) Điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương; (4) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật; đồng thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, kịp thời, hiệu quả; (5) Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, chú trọng đưa thông tin tích cực, tạo sự phấn khởi, tích cực và đồng thuận xã hội.
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
Thủ tướng chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; bảo đảm hài hoà giữa tỉ giá và lãi suất; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, liên kết vùng, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ). Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, thị trường vàng…, chống sai phạm, tiêu cực, nhất là găm hàng, đội giá, lũng đoạn thị trường, buôn lậu…
Thứ năm, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.
Thứ sáu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi xanh.
Thứ bảy, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; trấn áp tội phạm; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng.
Thứ tám, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thứ chín, tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Cần Thơ tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh"
Đối với TP. Cần Thơ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước.
Ngoài các nhiệm vụ chung với cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng mang tính đặc thù đối với Cần Thơ. Theo đó, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch TP. Cần Thơ, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng lưu ý Cần Thơ tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
"1 trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới ở một thành phố đầy tiềm năng như Cần Thơ.
"2 tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế, nhất là về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi giá trị.
"3 đẩy mạnh" gồm:
- Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm (hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa...).
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo phục vụ cho chuỗi sản xuất, cung ứng cho khu vực, thế giới; đặc biệt lưu ý những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cần Thơ.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo UBND thành phố đã giải trình, tiếp thu, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành sau hội nghị tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của đồng bào, cử tri, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng đã có ý kiến trả lời về các kiến nghị cụ thể của cử tri về: Giải pháp để người dân thực hiện phân loại rác thải nhằm bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 45 năm 2022 của Chính phủ; triển khai đầu tư dự án tuyến đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng (kết nối Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp) là 1 trong 3 trục dọc để phát triển kinh tế-xã hội cho TP. Cần Thơ; thực hiện dự án đường khí dẫn lô B để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 được vận hành đúng tiến độ theo kế hoạch (năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ lô B và 3 nhà máy sẽ vận hành vào năm 2026-2028); đầu tư hạ tầng, bố trí thêm cây ATM tại các địa điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó những người yếu thế tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; các giải giáp đồng bộ, hiệu quả để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có TP. Cần Thơ.
Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, úng ngập tại ĐBSCL; năm ngoái ngân sách đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng và năm nay sẽ tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ này. Năm nay, ĐBSCL có khoảng 73.900 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, thấp hơn so với năm 2019 - 2020 (96.000 hộ) và 2015-2016 (210.000 hộ).