Sign In

Kỷ niệm 55 năm Di chúc Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh: Ngời sáng tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

00:00 30/08/2024
Tháng 9/2024, toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 55 năm Di chúc Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh. 55 năm Bác đi xa nhưng di sản to lớn và quý giá mà Người để lại luôn ngời sáng một biểu tượng mẫu mực, cao quý về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sáng ngời về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng.

5-6.jpg

Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, để Đảng “là đạo đức, là văn minh”, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo nhân dân và dân tộc. Trong quá trình đó, Người rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”, trung thành, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là công bộc, người đày tớ “thật trung thành của nhân dân”, phấn đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng, không màng danh lợi cá nhân, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết.

1.1.-bac-ho-tham-lop-mau-giao-tai-chien-khu-viet-bac-ngay-19.5.1953.-anh-ttxvn..png

Bác Hồ và các cháu mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc (ngày 19/5/1953). Ảnh: TTXVN.

Sức mạnh, uy tín của Đảng được cấu thành từ sức mạnh, uy tín của cán bộ, đảng viên và chỉ có được khi Đảng xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất (…) Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”1.

Bác Hồ thăm nông dân hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: TTXVN

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo”, vừa là người “đày tớ trung thành của nhân dân”. Do vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu rất cao ở học sự tự giác và ý thức nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ở tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước nhân dân.

Người chỉ dẫn: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm (…) Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ2. Cả cuộc đời chỉ theo đuổi một mục đích “là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”3.

Trước lúc đi xa, Người không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc rằng "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

"Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc rằng "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Đảng ta là “con nòi” xuất thân từ nhân dân lao động. Bởi vậy, từ trong bản chất của mình, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân đã được xác lập như một lẽ tự nhiên, tất yếu, trở thành quan hệ máu thịt. Gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và phục vụ, đã trở thành vấn đề có tính quy luật trong sự tồn tại, phát triển của Đảng.

Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức rõ bổn phận và trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với nhân dân. Người cán bộ cách mạng phải luôn “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”4.

Phân tích mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, người cán bộ, đảng viên với nhân dân, Hồ Chí Minh nêu rõ: “phải toàn tâm toàn lực phụng sự quần chúng; luôn luôn nghe ngóng những yêu cầu và ý kiến của quần chúng và báo cáo cho Đảng rõ; phải tuyên truyền giải thích cho quần chúng rõ chính sách và nghị quyết của Đảng, làm cho quần chúng nhận chính sách và nghị quyết ấy là của họ, để quần chúng vui vẻ và ra sức thi hành; phải phụ trách trước quần chúng; phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng; phải học hỏi quần chúng; phải đi đúng đường lối quần chúng để lãnh đạo quần chúng”5.

moi-3.-chu-tich-ho-chi-minh-tham-mot-lop-hoc-binh-dan-hoc-vu-cua-ba-con-lao-dong-khu-lao-dong-luong-yen-ha-noi-ngay-27.5.1956.-anh-ttxvn.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học bình dân học vụ của bà con lao động khu lao động Lương Yên, Hà Nội (ngày 27/5/1956). Ảnh: TTXVN

Thực tiễn lịch sử cầm quyền của các đảng chính trị trên thế giới đã chứng tỏ, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền nếu tha hóa, biến chất, mất bản chất đảng.

Cho nên Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân đòi hỏi phải phát huy dân chủ rộng rãi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đi liền với đấu tranh phòng chống bệnh quan liêu, xa dân, “vác mặt quan cách mạng” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta phải quan tâm đấu tranh phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Người nói, có một bộ phận cán bộ “Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”6. Người còn chỉ rõ: “Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”7.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã cảnh báo những biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng: có những người “muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”8.

Căn nguyên của bệnh này được Hồ Chí Minh chỉ ra là: hễ thấy “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm"9. Đây cũng là nguồn gốc của nhiều căn bệnh chứ không chỉ riêng căn bệnh sợ trách nhiệm. Vì thế, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Mỗi tổ chức, từng cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tỉnh táo phòng chống căn bệnh quan liêu, xa dân; kiên quyết phê phán và đấu tranh phòng ngừa cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh.

Cách thức làm việc, lãnh đạo đúng đắn, khoa học chính là tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Trong hoạt động hằng ngày, muốn được dân yêu, dân tin, dân phục, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân (…) Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”10.

Theo Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, cũng như rèn luyện đạo đức cách mạng đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện mình như “rửa mặt hàng ngày”, trở thành nhu cầu nội tại, tự giác, tự thân, thường xuyên. Điều đó tưởng chừng khó khăn, nhưng kỳ thực khi đã kiên quyết và kiên trì, nỗ lực phấn đấu, đặt sự nghiệp chung lên trên hết, trước hết, thì “không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”11. Người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thực hành suốt đời các nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện văn hóa đạo đức phục vụ nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân chính là sự xác định nhiệm vụ cao quý nhất của họ trong phụng sự Đảng, phục vụ cách mạng.

Phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên hiện nay theo quan điểm của Hồ Chí Minh

Những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân đã và đang truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguồn năng lượng tích cực, ý chí và nhiệt tình cách mạng to lớn để thống nhất tư tưởng và hành động, vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước.

"Muốn được dân yêu, dân tin, dân phục, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."

Tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã đúc kết một trong những bài học lớn: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Ðảng.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, vấn đề rất quan trọng là nâng cao đạo đức phục vụ nhân dân của người cán bộ cách mạng, đó là lý tưởng, lẽ sống: Sống cho ai, sống vì cái gì? Bởi vì “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần.

Vì vậy, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời, vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”12.

"Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu dân, học hỏi dân; phải thật thà thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc, coi đó là thứ vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện."

Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhưng thực tế còn có hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thiếu tinh thần trách nhiệm, “sợ trách nhiệm”. Như sinh thời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra: “Căn bệnh “sợ trách nhiệm” này biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ”13; “Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động (…) Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể (…) Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới”14.

Điều đó đòi hỏi, Đảng, mỗi tổ chức đảng phải luôn tỉnh táo phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh để đẩy lùi căn bệnh thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, khiến cho việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi còn nhiều điểm nghẽn, “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, thiếu hiệu quả thiết thực, gây băn khoăn, lo lắng trong nhân dân, làm giảm sút uy tín, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Bởi vậy, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu dân, học hỏi dân; phải thật thà thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc, coi đó là thứ vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đó luôn là hành động thiết thực nhất để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, một yêu cầu khách quan và đòi hỏi ngày càng cao, cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.603.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.248-249

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.272.

(4), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.326, 291.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.283

(6), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333, 69.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr. 432.

(8), (9), Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr. 605, 467.

(12) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, ngày 19 -11-2020.

(13), (14) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.466, 467.

PGS, TS Đỗ Xuân Tuất - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

Nguồn: Báo TN&MT

 

Tag:

File đính kèm