Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: TTXVN
Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương giao.
Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại phải quan tâm, có giải pháp khắc phục, như việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược, chất lượng của một bộ phận cán bộ chưa đảm bảo. Một số cán bộ năng lực hạn chế, có cán bộ đạo đức, phẩm chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, dĩ hòa vi quý. Một bộ phận tổ chức cơ sở đảng còn yếu, sức chiến đấu hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu chấp hành chưa nghiêm, còn vi phạm quy định của Đảng…
Về những nhiệm vụ triển khai trong năm 2024, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đây không phải là vấn đề mới, mà là nhiệm vụ thường xuyên của công tác tổ chức xây dựng Đảng. Vấn đề là quá trình tổ chức phải tiếp tục đổi mới, sâu sát hơn, chất lượng phải tốt hơn.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ, tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương ban hành 11 văn bản, chủ yếu là các nghị quyết.
Bộ Chính trị ban hành 32 văn bản và Ban Bí thư là 22 văn bản, trong đó có những văn bản rất quan trọng, như: Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng; Nghị quyết số 21-NQ/TW về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên... Các văn bản liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế do Bộ Chính trị ban hành, như: Kết luận số 50-KL/TW để sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận 28-KL/TW về tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Đồng thời, Ban Bí thư đã chỉ đạo sửa đổi, ban hành mới nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức Đảng, của các cấp ủy, của Đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở.
"Các văn bản, nghị quyết của Đảng phải được quán triệt sâu sắc, phải được cụ thể hóa sát với thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm. Đây là trách nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tổ chức xây dựng Đảng", Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Về công tác cán bộ, Thường trực Ban Bí thư cho biết, nhiệm kỳ Đại hội XIII, các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện và Bộ Chính trị, Ban Bí thư dành sự quan tâm cho vấn đề này.
Cụ thể, tuổi bổ nhiệm cán bộ đã có Kết luận số 08-KL/TW để đồng bộ với Bộ luật Lao động được ban hành, sửa đổi năm 2019; Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Hệ thống văn bản về công tác cán bộ cơ bản đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức thực hiện và phải đảm bảo thực hiện tốt. Mỗi quy định đều yêu cầu rất cao và các cấp ủy, tổ chức đảng phải đảm bảo để các quy định này đi vào cuộc sống.
Việc thực hiện Nghị quyết 26 về bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị tiếp tục phân công để tăng số bí thư không phải là người địa phương.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng theo hướng thiết thực, sát hợp để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đối với công tác phát triển đảng viên, mục tiêu 3-4% phát triển đảng viên mới là yêu cầu tương đối cao. Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức 2 hội nghị chuyên đề ở 6 khu vực về phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên; trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Với sự nỗ lực lớn, đến nay, 34/67 tỉnh, thành phố, đơn vị đã đạt được mục tiêu 3-4% phát triển đảng.
Hiện nay, cả nước có trên 5 triệu đảng viên và hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng. Để đạt được mục tiêu khoảng 6 triệu đảng viên cuối nhiệm kỳ này, phải có sự nỗ lực tất cả các địa phương. Chia sẻ với một số địa phương khó khăn do nguồn phát triển đảng viên không còn nhiều dư địa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các địa phương tính toán xây dựng mục tiêu sát hợp và quan trọng nhất phải nỗ lực để đạt mức cao nhất phù hợp với thực tiễn của mình. Đồng thời, phát triển số lượng phải gắn với chất lượng, không thể chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng. Tất cả đều trông chờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của các cấp ủy nhất là các địa phương.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, năm 2024 phải hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để có thể giảm được 140 đơn vị và tiếp tục sắp xếp vị trí việc làm. Đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh, đổi mới chính sách tiền lương và thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường cải cách, không để cho vì tầng nấc quy trình, quy định mà cuối cùng cán bộ lại không đủ chất lượng. Tổ chức đảng phải vững mạnh, cán bộ đảng viên có chất lượng. Ban Tổ chức Trung ương đang tiến hành nghiên cứu và cải cách về lý lịch đảng viên, bảo đảm đơn giản nhưng phải rõ ràng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, thời gian còn lại không dài, phải tăng tốc, nỗ lực cao để nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao nhất. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là yêu cầu, là sức mạnh của Đảng, trong đó có công tác tổ chức xây dựng Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu toàn tâm toàn ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Ngành tổ chức xây dựng Đảng phải nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với yêu cầu của Đảng, của nhân dân.
Theo TTXVN