Sign In

Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng

16:52 14/06/2024
Sáng ngày 14/6/2024, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở TT&TT Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chuyên ngành TT&TT năm 2024.

Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng Phan Tâm tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Tham dự còn có ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT, đại diện các Sở TT&TT phía Bắc, các doanh nghiệp hạ tầng mạng, các phòng thử nghiệm trong nước, các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị viễn thông.

Trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, trong thời đại CMCN 4.0, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường là yếu tố then chốt để đảm bảo sản phẩm, hàng hóa mới và ứng dụng CNTT đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, an toàn và chất lượng, tạo niềm tin cho thị trường và người tiêu dùng. Trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Bộ TT&TT đặt mục tiêu nâng thứ hạng của Việt Nam về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ CNTT ở top đầu trong khu vực, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm Make in Viet Nam phải có các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu chất lượng tiên tiến.

Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng- Ảnh 2.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Để hoạt động tiêu chuẩn hóa của Bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển, cần thực hiện cách làm mới đó là đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài để kịp thời sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành cho phù hợp với xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ mới và yêu cầu quản lý nhà nước ngày càng cao. Gần đây, Bộ đã triển khai cách làm mới này, viện dẫn áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế trong việc xây dựng 2 QCVN là QCVN về mức hấp thụ riêng (SAR) đối với thiết bị vô tuyến và QCVN về thiết bị trạm gốc (5G mix-mode). Việc này giúp đẩy nhanh tốc độ xây dựng và ban hành QCVN; cho phép thể hiện rõ tính tương thích của QCVN với tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo Hội nghị cần tập trung làm tốt một số vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hóa từ đó đề xuất các giải pháp đột phá, đổi mới tư duy,cách làm để nâng tầm tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng chuyên ngành nhằm thúc đẩy phát triển ngành TT&TT bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ CNTT-TT Make in Viet Nam.

Thứ hai, nhận thức tốt hơn và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa về chức trách, phạm vi quản lý của cơ quan quản lý, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, tập trung vào triển khai công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng và thị trường phát triển lành mạnh.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa năng lực đo kiểm thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành TT&TT, tập trung phát triển, nâng cấp các phòng lab trong nước để đạt tầm khu vực, châu lục thu hút được các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu nước ngoài đến đo kiểm, thử nghiệm, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phòng đo không đủ năng lực, có dấu hiệu vi phạm.

Thứ tư, các Sở TT&TT tăng cường thực hiện tốt hơn công tác giám sát, kiểm tra bảo đảm phục vụ công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, quản lý hạ tầng viễn thông thụ động, xây dựng trạm BTS, ngầm hóa, lắp đặt mạng cáp tại địa phương.

Thứ năm, phát triển, đưa vào sử dụng một số phần mềm ứng dụng hoặc một nền tảng số chung về công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng chuyên ngành TT&TT để thông tin nhanh, đầy đủ, tạo sự liên kết, kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cán bộ, chuyên viên thực hiện công tác này, qua đó cùng nhau giải quyết nhanh hơn, tốt hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ sáu, cùng nhau trao đổi thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay, bài học thành công, xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý các vấn đề tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng vẫn còn đang tồn tại, dự báo các rủi ro và các vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai để chủ động giải quyết theo tinh thần từ sớm, từ xa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành TT&TT.

Thứ bảy, giải quyết, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT thời gian qua như chất lượng dịch vụ viễn thông, internet ở vùng lõm sóng, sóng yếu ở vùng sâu, vùng xa, dùng chung cơ sở hạ tầng trạm BTS trên địa bàn còn hạn chế, tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông vẫn còn thấp.

Thứ tám, Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Cục Viễn thông, các Sở, doanh nghiệp khẩn trương rà soát các quy định quản lý chất lượng, các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin để báo cáo, tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo ban hành QCTC mới, hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản, hướng dẫn.

Thứ chín, Các doanh nghiệp viễn thông, các phòng đo kiểm/thử nghiệm tăng cường công tác đo kiểm thử nghiệm chất lượng dịch vụ phục vụ công bố chất lượng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng hoặc không an toàn, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ xã hội.

Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng- Ảnh 3.

Ông Hoàng Minh Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng

Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Phan Tâm, ông Hoàng Minh Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đối với Hải Phòng, trong quá trình phát triển công nghệ mới, dịch vụ mới chẳng hạn như triển khai dịch vụ 5G cho nhà máy thông minh nhận thấy rằng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần sự điều hành sát sao của Bộ TT&TT để đưa công nghệ mới, dịch vụ mới đi vào thực tế nhanh hơn.

Đổi mới công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Trong bài tham luận "Đổi mới công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật", đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT) đã nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cấp thiết cần đổi mới công tác xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các công nghệ 4.0 và hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (gọi chung là tiêu chuẩn quốc tế) được thường xuyên bổ sung và cập nhật. Mục tiêu của đổi mới xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn là nhằm nâng vị thế của Việt Nam về chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên top đầu khu vực và thế giới, tập trung vào sản phẩm Make in Vietnam và dịch vụ viễn thông, dịch vụ số.

Để đạt được điều này, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tăng cường hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy nhanh tiến trình xây dựng, cập nhật quy chuẩn kỹ thuật thông qua viện dẫn tiêu chuẩn quốc tế tại quy chuẩn kỹ thuật, giảm bớt công tác biên dịch sang tiếng Việt và tập trung nguồn lực vào xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc thù. Bộ TT&TT sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các lĩnh vực chuyên ngành; xây dựng công cụ AI hỗ trợ tra cứu, phân loại và đề xuất các tiêu chuẩn áp dụng phù hợp cho nhiều mục tiêu khác nhau; xây dựng Danh mục nhóm các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài và tiêu chuẩn quốc gia khuyến nghị áp dụng cho các mục tiêu phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra một số hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong đổi mới công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn như tích cực thực hiện các sáng kiến đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và donh nghiệp; tích cực tham gia đề xuất tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và nâng cao hoạt động tiêu chuẩn cơ sở. Các tổ chức thử nghiệm, đánh giá, chứng nhận chủ động đón trước, đầu tư nâng cấp phòng thử nghiệm để sẵn sàng thực hiện thử nghiệm, chứng nhận các quy chuẩn kỹ thuật mới được Bộ TT&TT xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn sản phẩm công nghệ mới, an toàn thông tin, kiểm định thiết bị mạng viễn thông.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận quan trọng, cụ thể: Công nghệ thông tin di động thế hệ 6 (Ericsson Việt Nam); Một số vấn đề can nhiễu diện rộng do thiết bị điện tử, thiết bị công suất thấp (Cục Tần số Vô tuyến điện); Kinh nghiệm quản lý QoS dịch vụ di động (Tập đoàn VNPT); Kinh nghiệm và định hướng quản lý chất lượng dịch vụ theo QoE (Tập đoàn Viettel), Công tác kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện sau ngày 1/7/2023 (Cục Viễn thông, Bộ TT&TT), Công tác đo kiểm an toàn điện./.

PV

Tag:

File đính kèm