Sign In

Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn

21:01 30/01/2024
Ngày 30/01/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực TT&TT và một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản để ghi nhận và tri ân những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của Ngành và Đất nước trong năm 2023.


TA2_1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn"

Dự buổi gặp mặt có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm cùng đại diện Lãnh đạo 23 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực TT&TT và một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản…

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, ngành TT&TT muốn phát triển thì điều đầu tiên là do sự phát triển của các doanh nghiệp và các đơn vị trong ngành. Hơn thế nữa, sự phát triển còn là sự dấn thân của người đứng đầu doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn, phải gắn phát triển của mình với sứ mệnh quốc gia, dân tộc và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình. Công nghiệp quốc phòng dựa trên công nghệ mới là chính. Khi các doanh nghiệp làm chủ công nghệ một cách xuất sắc là đã sẵn sàng cho công nghiệp quốc phòng.

Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 2023 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp. Nhưng khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. 

Bộ trưởng cho rằng, khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Bởi vậy, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển. 

Doanh-nghiepTT.jpg

Bộ trưởng chỉ rõ, Chủ đề năm 2024 của Bộ là: “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phải làm được điều này trước tiên.

Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. 

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, các lĩnh vực. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp. 

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Doanh nghiệp công nghệ số làm các ứng dụng số công nghiệp cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.

20240131-ta1.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Cuối buổi gặp mặt, Người đứng đầu Ngành TT&TT nhấn mạnh: Báo chí, xuất bản, truyền thông phải khơi dậy được, truyền đi được khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường thịnh vượng, truyền đi cảm hứng, cảm hứng tạo ra năng lượng. Muốn lớn được thì đầu tiên phải có khát vọng lớn. Khát vọng lớn phải chuyển được thành sức mạnh tinh thần.

23 Doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực TT&TT năm 2023:

Đài Truyền hình Việt Nam: Năm 2023, Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt nền tảng số VTVGo - mang sứ mệnh là một nền tảng truyền hình số quốc gia.

Đài tiếng nói Việt Nam: Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất các chương trình phát thanh. Điển hình nhất là việc xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện gồm cả bốn loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử, báo in.

Báo Nhân dân: Là “anh cả” trong làng báo Việt Nam và hệ thống các cơ quan báo Đảng, Báo Nhân dân đã trở thành điểm sáng về chuyển đổi số, được các cấp Lãnh đạo, các đồng nghiệp và độc giả, khán, thính giả đánh giá cao.

NXB Chính trị Quốc gia Sự thật: Luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo; tích cực chuyển đổi số đưa nhà xuất bản tiếp tục phát triển trong chặng đường mới và trở thành động lực, thúc đẩy toàn ngành phát triển.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel): Năm 2023 doanh thu tăng trưởng gần 10%, lợi nhuận tăng trưởng gần 20%.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT): Hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone: Năm 2023, được Bộ TT&TT công nhận 02 Nền tảng số tiềm năng trở thành Nền tảng số quốc gia.

Tập đoàn Công nghệ CMC:Năm 2023 đạt doanh thu 8,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng Công ty FPT Telecom: Năm 2023 đạt doanh thu 52,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: Năm 2023 doanh thu đạt 15.725 tỷ đồng, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận đạt 518 tỷ đồng, tăng 39,6% so với năm 2022.

Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC: Là doanh nghiệp đi đầu trong mảng đào tạo số cho ngành game và ứng dụng game trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm: Năm 2023, đã phục vụ trực tiếp hơn 2.1 triệu nhà bán hàng; chuyển phát xấp xỉ 1,5 tỷ gói, kiện hàng hóa thành công tới hơn 80 triệu người mua trên 11.000 xã phường, kể cả những miền biên giới, hải đảo xa xôi nhất.

Công ty Cổ phần Misa: Năm 2023, đã phát triển thành công ứng dụng Trợ lý trí tuệ nhân tạo MISA trong phần mềm MISA AMIS Kế toán giúp chủ động tra cứu cách sử dụng và khai thác thông tin dữ liệu kế toán hiệu quả, kịp thời.

Công ty Cổ phần Rikkeisoft: Là một trong những doanh nghiệp công nghệ Việt mang tầm nhìn trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Thị trường của Rikkeisoft có mặt ở khắp thế giới, như Nhật, Mỹ, Châu Âu, Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2023, công ty đạt mức tăng trường 20%.

Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings: Là doanh nghiệp công nghệ số đã tiên phong cung cấp các dịch vụ CNTT, IT Outsourcing, các giải pháp dựa trên công nghệ mới của CMCN 4.o như AI, IoT, Blockchain cho thị trường nước ngoài như Nhật, Mỹ, Thái, Hàn, Singapore, Malaysia, Việt Nam.

Công ty Cổ phần VNG: Là Công ty công nghệ có hệ sinh thái sản phẩm và người dùng lớn nhất Việt Nam, bao gồm Zalo (ứng dụng nhắn tin với hơn 70 triệu người dùng), ZingMP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với hơn 30 triệu người dùng),

Công ty Cổ phần Tập đoàn MK: Đã tham gia dự án cung cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, hộ chiếu điện tử, đồng hành cùng các ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo chuẩn thẻ chip nội địa Việt Nam VCCS, cung cấp các giải pháp bảo vệ ứng dụng ngân hàng di động.

Công ty Cổ phần NTQ Solution: Là một nhà cung cấp dịch vụ IT toàn cầu, NTQ không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của ngành IT Việt Nam tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu.

Công ty E-CQURITY (ECQ): Là công ty an ninh mạng, đội ngũ nhân sự của ECQ có chất lượng cao và thường xuyên đứng đầu các cuộc thi và bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng quốc tế nổi tiếng.

Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam:Là doanh nghiệp sáng tạo nội dung số đang sở hữu và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của 13 bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng.

Báo VnExpress: Luôn kiên định với sứ mệnh phụng sự độc giả, tập trung tới các bài viết chất lượng cao, có chiều sâu, theo hướng báo chí dữ liệu.

Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long: Năm 2023, tổng doanh thu là 1287 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo đạt 1025 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/tháng.

Báo VietNamNet: Luôn đi đầu trong phân tích, phản biện chính sách, tập hợp trí tuệ xã hội, đề xuất các giải pháp vì Việt Nam hùng cường.

 

Thu Hương - Ảnh Thảo Anh

Tag:

File đính kèm