Toàn cảnh sự kiện
Tại buổi Họp báo, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT đã công bố thông tin “Giới thiệu về không gian Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024”; Cục Tần số Vô tuyến điện công bố thông tin về kết quả các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện diễn ra trong tháng 3/2024. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã trao đổi, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ TT&TT chủ trì buổi Họp báo. Dự buổi Họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ; đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và các nhà báo, phóng viên của hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba nhằm tôn vinh sách và cổ vũ văn hóa đọc
Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã giới thiệu thông tin về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba trên toàn quốc với một chuỗi hoạt động được tổ chức trong suốt tháng 4, trọng tâm từ ngày 17/4 đến hết ngày 1/5/2024.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 17/4/2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội).
Điểm mới của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay là các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”mà Ban tổ chức muốn lan tỏa đến toàn xã hội. Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 63 tỉnh, thành và một số Bộ, ngành với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh Sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc trên cả nước.
Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 17/4/2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội). Đây là một địa điểm gắn với truyền thống hiếu học, yêu chữ của người Việt Nam.
Đồng thời, năm nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại tổ chức Triển lãm, Hội chợ sách Online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn (thời gian từ ngày 15 đến 30/4/2024) với chủ đề “Sách hay tìm bạn đọc” phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên cùng với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản và đơn vị phát hành, sẽ góp phần lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc, phát huy nhu cầu đọc sách và thói quen đọc sách trong thanh niên.
Đấu giá thành công băng tần dành cho 4G/5G
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, trong tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần dành cho 4G/5G thành công. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện: Trong tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần dành cho 4G/5G thành công.
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 01 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Bộ TT&TT đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá khối băng tần B1 và C2. Đây là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Việc đấu giá thành công lần này không chỉ khẳng định Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống mà còn cho thấy sự tham gia nghiêm túc của các doanh nghiệp và tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết.
Các phóng viên cơ quan báo chí đặt câu hỏi cho đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT
Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ gửi đến trước và trong họp báo.
Lĩnh vực an toàn thông tin là lĩnh vực “nóng” nhất, nhận được nhiều câu hỏi từ các cơ quan báo chí nhất trong sự kiện họp báo với các câu hỏi chủ yếu liên quan đến sự cố tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware, lửa đảo trực tuyến…
Cục An toàn thông tin cho biết, mặc dù tấn công mạng, tấn công mã độc không phải vấn đề mới nhưng đây lại là một trong những xu thế nổi bật về an toàn thông tin trong năm 2024 và thời gian tới. Bài học kinh nghiệm theo đánh giá của Cuc An toàn thông tin là: Nếu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ các quy định về pháp luật, có đánh giá định kỳ để khắc phục những sự cố ấy, có thể phát hiện phòng ngừa sớm các sự cố và giảm nhẹ được các thiệt hại.
Ngoài ra, trong buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Bưu chính đã trả lời trực tiếp các câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: Xử lý SIM rác, thu hồi giấy phép bưu chính đối với các doanh nghiệp vi phạm, việc xuất hiện trên TikTok các video livestream mời gọi người dùng vào các đường link và có xuất hiện các dấu hiệu lừa đảo…/.
Tổng quan ngành TT&TT trong 3 tháng đầu năm 2024 - Doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 971.197 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23,3% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). - Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 23.118 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 22,8% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng). |