Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Nghị định số 82/NĐ-CP là một nghị định khó, trong quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp ý kiến của nhiều Bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) bằng ngân sách Nhà nước đang tăng trưởng mạnh, Nghị định 82/NĐ-CP đã được sửa đổi, ban hành kịp thời cùng với Nghị định của Bộ Tài chính quy định về vốn đầu tư cho CNTT. Hai nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra thể chế thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cho ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước.
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia đã giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 82, góp phần tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn" trong công tác đầu tư ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số (CĐS). Cụ thể: Quản lý phần mềm phổ biến, Sửa đổi bỏ quy định công khai về giá đối với phần mềm thương mại, dịch vụ CNTT có sẵn trên thị trường, Quy định về trang thiết bị CNTT, Quy định về phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, Quy trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ CNTT; Quản lý dự án hỗn hợp, dự án nhiều thành phần.
Theo bà Quốc Hiền, quy định về phương án thiết kế được coi là sửa đổi lớn nhất trong Nghị định. Nếu như Nghị định 73 quy định đối với hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, thì phải lập đề cương và dự toán chi tiết đối với các hệ thống có giá trị từ 200 triệu đến 15 tỷ đồng. Đối với hệ thống có giá trị trên 15 tỷ đồng thì phải lập dự án. Nghị định 82 mới ban hành đã bỏ hạn mức 200 triệu đồng và 15 tỷ đồng, bỏ hình thức lập đề cương và dự toán chi tiết. Theo đó, các hoạt động xây dựng, nâng cấp, mở rộng cho hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu hình thành hệ thống đều phải thực hiện tương tự quy trình quản lý dự án sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển. Nghị định 82 quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện các dự án vốn chi thường xuyên
Nghị định 82 cũng quy định xác định dự toán đối với phần mềm được phát triển trên phần mềm thương mại, mã nguồn mở, AI,…
Tại Hội nghị, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, hỏi thêm một số nội dung liên quan đến Nghị định 82, bao gồm: Thủ tục và thẩm định các dự án ứng dụng CNTT, thiết kế kỹ thuật, sử dụng kinh phí cho các hoạt động đầu tư và vận hành hệ thống, xử lý hợp đồng thuê dịch vụ và chi phí vận hành sau khi dự án kết thúc, xác định nguồn vốn duy trì hệ thống liên thông từ Trung ương đến địa phương. Thứ trưởng Phạm Đức Long và đại diện lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia đã trực tiếp giải đáp, làm rõ, cung cấp thêm thông tin về các nội dung mà các đại biểu quan tâm.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá cao sự có mặt đông đủ của đại diện các Bộ ngành địa phương tại Hội nghị hôm nay.
Thứ trưởng cho biết, đây là vấn đề khó, sắp tới phải sửa Luật Công nghệ thông tin mới có thể tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng hơn, giúp giải quyết các vướng mắc hiện tại. Hội nghị hôm nay đã trả lời được nhiều vướng mắc của các đại biểu. Bộ mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các Bộ ngành địa phương để có thể tháo gỡ các khó khăn trong khả năng, phạm vi cho phép.
Sắp tới, Bộ sẽ triển khai 2 Thông tư quy định chi tiết Nghị định này, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất để Bộ TT&TT đồng hành, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục có ý kiến, nếu còn băn khoăn hoặc chưa rõ, gửi về Cục Chuyển đổi số quốc gia tổng hợp và giải đáp./.