VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu của
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Hoà Lạc (Hà Nội) ngày 25/10/2023.
Định hướng của Bộ TT&TT về hạ tầng số là như sau. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế.
Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Cứ mỗi 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam chúng ta đang có 29 trung tâm dữ liệu thương mại loại vừa và nhỏ, tương đương với 10 trung tâm dữ liệu của VNPT tại Hoà Lạc mà hôm nay chúng ta khai trương. Như vậy, mỗi năm chúng ta phải khánh thành được ít nhất 3 trung tâm như thế này thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam.
Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm dữ liệu lớn nào. Trung tâm dữ liệu của VNPT tại Hoà Lạc có dung lượng 2.000 racks, là thuộc loại vừa. Một trung tâm loại lớn thì ít nhất là 5.000 racks. Các nhà mạng của chúng ta vẫn chưa có tầm nhìn đủ lớn về dữ liệu.
Tháng 12/2021, khi anh Tô Dũng Thái được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn VNPT, tôi có nói rằng: “Một doanh nghiệp nhỏ thì ngày mai là quan trọng. Một doanh nghiệp lớn như VNPT thì 3 năm - 5 năm - 10 năm tới mới là quan trọng. Phải suy nghĩ, phải chuẩn bị, phải đầu tư cho 3 năm - 5 năm - 10 năm tới”. VNPT là một tập đoàn hàng đầu về hạ tầng số của Việt Nam thì phải có những đầu tư đi trước như VNPT IDC Hòa Lạc, hoặc lớn hơn nữa.
Dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế số. Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. VNPT cũng như các nhà mạng viễn thông khác của Việt Nam phải có một tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của một quốc gia.
Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Hôm nay, chúng ta lại có mặt tại đây để chứng kiến sự ra mắt của VNPT IDC Hòa Lạc, chứng kiến sự hiện thực hóa cam kết của VNPT trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự kết hợp sức mạnh của thị trường và sức mạnh của Nhà nước, là sự kết hợp của thị trường mạnh và Nhà nước mạnh. Và doanh nghiệp Nhà nước là một đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nó là lực lượng vật chất quan trọng để đi đầu trong thực hiện các chiến lược quốc gia, là chỗ dựa và trụ cột quan trọng để Đảng và Nhà nước chấn hưng đất nước. Chiến lược quốc gia thường là dài hạn, nhưng thị trường thì lại thường mạnh ở ngắn hạn, vì vậy, Nhà nước phải mạnh trong dài hạn. Doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất để Nhà nước thực hiện các chiến lược dài hạn. VNPT là một doanh nghiệp viễn thông Nhà nước quan trọng và vì vậy phải thực hiện các định hướng chiến lược của Nhà nước về hạ tầng số.
Thay mặt Bộ TT&TT, tôi chúc mừng VNPT, và yêu cầu trong thời gian tới, VNPT tiếp tục xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn ngang tầm quốc tế, là nhà cung cấp hạ tầng số đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở nước ta, để các doanh nghiệp Việt Nam không còn lo lắng tìm kiếm nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu bên ngoài Việt Nam, cũng như thu hút được các khách hàng trên toàn cầu.
Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy trở về nhà mình, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt khi hàng Việt Nam lại đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và giá cả cạnh tranh.
Các doanh nghiệp Việt Nam hãy trở về nhà mình, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ TT&TT khuyến nghị các bộ ngành, các địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp, khuyến nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước định hướng các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý, thay vì tự đầu tư và vận hành các trung tâm dữ liệu, các hệ thống CNTT thì hãy chuyển sang sử dụng các dịch vụ của các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp. Như vậy sẽ hiệu quả hơn về chi phí, tối ưu hơn về hiệu suất, an toàn và linh hoạt hơn. Và hơn thế nữa là góp phần phát triển các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.