Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các Sở VHTTDL; Đài PT&TH địa phương, các cơ quan, đơn vị tại TP. Cần Thơ cùng các hiệp hội, tổ chức, chủ sở hữu, đơn vị khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, những năm qua, Việt Nam đã tích cực chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan thể hiện qua việc tham gia vào nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng, hiệp định thương mại tự do và liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay hành lang pháp lý mang tính quốc tế về bản quyền của Việt Nam gần như đã đáp ứng đầy đủ các cam kết trên thế giới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong nước cũng đã được hoàn thiện cụ thể như, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2023. Song song với đó, ngày 26/4/2023, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ, Hội nghị là cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần đưa pháp Luật về sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cam kết quốc tế thực sự đi vào cuộc sống, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
"Thông qua Hội nghị, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam và Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước"- bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan được tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan như: Tổng quan về hệ thống pháp luật - quản lý - thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Quản lý khai thác quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Thực thi, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Giám định quyền tác giả, quyền liên quan.
Đây là các cơ chế giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, từ đó góp phần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh, hiện nay ở nước ta các hành lang pháp lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã ngày càng hoàn thiện, vì vậy quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền từng bước được bảo hộ.
Song, nhìn nhận từ thực tế, bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, thời gian qua dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong một số lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình... đặc biệt là trên môi trường số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Theo bà Kim Oanh, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là việc đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên qua chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Hội nghị cũng đã cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng về hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, xác định cụ thể các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành và xử lý hành vi này. Từ đó đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.
Tai Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc các quyền tác giả, quyền liên quan chưa thể đi sâu vào thực tiễn, thi hành trong đời sống chủ yếu là do nhận thức của cá nhân, tổ chức về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Nhiều đối tượng còn vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền.
Cùng với đó một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa.
Để nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc thực thi xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng sự phát triển công nghệ và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như các đòi hỏi từ các cam kết quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và có những hình thức xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
Cùng với đó, các chủ sở hữu quyền phải phải nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền để bảo vệ các quyền của mình và chủ động trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.
Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xây dựng các chương trình phối hợp giữa các cơ quan thực thi nhằm tạo ra cơ chế phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức viên chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi trong đấu tranh, phòng chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Song song với đó, cần đẩy mạnh các chính sách ưu tiên đầu tư vào công nghệ, xây dựng hệ thống tự động phát hiện nhanh và hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời các trang web, cũng như các nội dung vi phạm bản quyền.