Sign In

Tháo gỡ khó khăn về định mức, vật liệu cho các công trình giao thông trọng điểm

16:11 26/02/2024

Bộ Xây dựng đã ban hành 3 văn bản nhằm triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia…

Ban hành 3 văn bản trong cùng ngày

Trong cùng ngày 19/02/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành 3 văn bản nhằm triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Trong đó, tại Văn bản số 641/BXD-KTXD ngày 19/02/2024 gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cho biết, danh mục các chi phí có liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù đã được Bộ Giao thông vận tải, các chủ đầu tư, nhà thầu nhận diện và liệt kê tương đối chi tiết. Tuy nhiên, việc xác định chi phí của một số khoản mục còn chưa thống nhất giữa các địa phương, giữa các dự án; còn có nhận thức khác nhau trong xác định và phân bổ các chi phí có liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các nội dung đã được Bộ Xây dựng có ý kiến tại Văn bản số 4166/BXD-KTXD theo thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Hội nghị triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Xác định đầy đủ danh mục và làm rõ sự khác nhau giữa các khoản mục chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù (giao mỏ cho nhà thầu khai thác vật liệu) với cơ chế đấu thầu khai thác vật liệu thông thường, trong đó lưu ý các khoản mục chi phí đã có đủ căn cứ, cơ sở xác định, điều kiện để thanh toán cho nhà thầu; Các khoản mục chi phí chưa có hướng dẫn hoặc có vướng mắc trong quá trình xác định; Đề xuất các giải pháp xử lý theo hướng làm rõ cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc xem xét, xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan...

Hướng dẫn xác định các chi phí có liên quan đến khai thác vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù theo hướng, đối với các chi phí khai thác, vận chuyển (gắn với khối lượng khai thác), xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Đối với các chi phí có tính chất chung, như chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường hoa màu, tài sản trên đất; chi phí xây dựng các công trình tạm, phụ trợ phục vụ khai thác vật liệu; chi phí tư vấn có liên quan; các khoản thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác có liên quan; căn cứ các quy định và hướng dẫn của pháp luật có liên quan để xác định.

Hướng dẫn chủ dầu tư và nhà thầu thi công xây dựng thanh toán các chi phí tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký.

Tại Văn bản số 652/BXD-KTXD ngày 19/02/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng đề nghị tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc thực hiện công bố giá VLXD, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo định kỳ, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường.

Cập nhật đầy đủ dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng, định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp và công khai về tình hình thực hiện công bố và cập nhật thông tin nêu trên của các địa phương trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đối với các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động, phối hợp với chủ đầu tư nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về giá VLXD, đơn giá nhân công, giá ca máy thi công và chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung công bố giá kịp thời theo quy định pháp luật.

Hướng dẫn khi chủ đầu tư có yêu cầu cho ý kiến về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng để áp dụng cho công trình và các chi phí có liên quan đến khai thác VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù.

Tại Văn bản số 653/BXD-KTXD ngày 19/02/2024 gửi các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây đựng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, bảo đảm khả thi.

Tổng hợp danh mục các định mức dự toán còn thiếu hoặc có bất cập trong quá trình lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành.

Xác định danh mục các định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù theo chuyên ngành hoặc của địa phương (nếu có); thực hiện rà soát, tổ chức xây dựng, xác định định mức dự toán có công nghệ thi công, điều kiện thi công, VLXD mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành theo đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật; đồng thời gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 10/3/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lấy ý kiến hoàn thiện sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD

Trong cuộc họp lần thứ 2, giữa 2 Tổ công tác của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra ngày 19/02/2024, ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng cho biết, bên cạnh việc ban hành 3 văn bản nêu trên, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về việc ban hành định mức xây dựng trên cơ sở kết quả rà soát của Tổ công tác và thẩm quyền ban hành của 2 Bộ, trong đó trọng tâm ban hành các định mức về cấp phối vữa, định mức dự toán các công tác thi công cầu dây văng, công trình đường sắt, sân bay, cảng biển… Dự thảo phương pháp khảo sát, xác định giá VLXD, thiết bị công trình xây dựng phục vụ việc công bố giá.

Ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng phát biểu tại cuộc họp.

Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí cụ thể để phân định rõ nội hàm định mức chuyên ngành, đặc thù để phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, các địa phương trong việc ban hành định mức chuyên ngành, đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.

Rà soát, đánh giá tình hình xác định và công bố đơn giá nhân công tại các địa phương, đề xuất giải pháp để xử lý các kiến nghị, phản ánh đơn giá nhân công do các địa phương công bố thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra thực tiễn tình hình quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng tại một số BQLDA thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao làm chủ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Tiếp tục nắm bắt tình hình, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất kịp thời các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xác định giá VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép.

Theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, không phù hợp trong các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các VBQPPL nếu có…

Nói riêng về cơ chế đặc thù đối với vật liệu cho các dự án, công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông, thời gian vừa qua Quốc hội cũng đã ban hành 2 Nghị quyết về vấn đề này gồm: Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (quy định tại khoản 2 Điều 5); và Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Theo 2 Nghị quyết này, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong đó, Phụ lục số IV Nghị quyết số 106/2023/QH15 công bố rõ 21 dự án giao thông đường bộ (có 15 dự án đã đủ thủ tục đầu tư, 6 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư), được thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Như vậy, danh sách các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia nằm trong Quyết định số 884/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định số 1316/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định số 347/QĐ-TTg năm 2023 và Quyết định số 817/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; và 21 công trình nằm trong danh mục tại Phụ lục 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15.

Các dự án, công trình này liên quan đến 46 địa phương trên toàn quốc, do đó các địa phương sẽ phải bám sát việc triển khai thực hiện Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng hành cùng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về định mức, đơn giá, vật liệu cho các dự án, công trình.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, chiều 27/10/2023, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tờ trình của Chính phủ đề xuất chính sách về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường theo hướng mở rộng đối tượng với quy định: “nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường...”.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (quy định tại khoản 2 Điều 5), ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thảo luận tại Tổ 4, chiều 27/10/2023, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị phân tích làm rõ việc áp dụng cơ chế cho hai đối tượng khác nhau; sự cần thiết cũng như việc áp dụng cơ chế này đối với nhà đầu tư có gì khác so với các nhà thầu thi công…

Theo đó, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sau khi được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023 (Nghị quyết số 106/2023/QH15), chỉ quy định cơ chế đặc thù đối với nhà thầu trong khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, mà không mở rộng đối tượng là nhà đầu tư được áp dụng cơ chế đặc thù này theo như đề xuất của Chính phủ…

 

Nguồn: tapchixaydung.vn

Tag:

File đính kèm