Tham gia buổi làm việc có TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Về phía Bộ Y tế có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Về phía Tổ chức RTSL có: TS.Reena Gupta, Giám đốc Y tế; TS.Bolanle Banigbe, Giám đốc Kỹ thuật toàn cầu, kiểm soát tăng huyết áp; Ông Vivek Eluri, chuyên gia Chương trình cao cấp, Sức khỏe kỹ thuật số cùng các cộng sự.
TS.BS.Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức chào đón TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; TS. Reena Gupta, Giám đốc Y tế Tổ chức RTSL cùng các thành viên của đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đánh giá cao những hợp tác y tế giữa WHO phối hợp với tổ chức RTSL đầu tư y tế tại Việt Nam thời gian qua...
Tại buổi tiếp, TS.Reena Gupta, Giám đốc Y tế Tổ chức RTSL trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức và đại diện các đơn vị Bộ Y tế đã dành thời gian tiếp và làm việc cùng các thành viên đoàn.
TS.Reena Gupta cho biết: RTSL là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh thực hiện các giải pháp đã được kiểm chứng nhằm dự phòng và kiểm soát bệnh tim mạch và đột quỵ, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Sự hỗ trợ từ Tổ chức RTSL cho Việt Nam chủ yếu thông qua WHO và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế là đầu mối hợp tác.
Từ năm 2018 đến nay, thông qua WHO, RTSL hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu USD để thực hiện chiến dịch truyền thông ở cấp độ quốc gia về giảm lượng muối, các khuyến nghị về mức muối tối đa trong một số thực phẩm đóng gói sẵn và hỗ trợ các tỉnh triển khai quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại các trạm y tế xã. Đến tháng 4/2024, hơn 4.500 trạm y tế ở 52 tỉnh đã được hỗ trợ thực hiện quản lý tăng huyết áp áp dụng phương pháp tiếp cận y tế công cộng...
TS.Reena Gupta, Giám đốc Y tế Tổ chức RTSL phát biểu.
TS.Reena Gupta cũng cho biết thêm: Đoàn công tác của RTSL phối hợp với các đơn vị đã đi làm việc, tìm hiểu hoạt động quản lý tăng huyết áp tại y tế cơ sở tại các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại mỗi địa phương, Đoàn đi thăm và làm việc tại trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện, họp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế, đồng thời cũng làm việc với Viện Y tế Công cộng TP.Hồ Chí Minh.
Đoàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai quản lý tăng huyết áp tại trạm y tế xã của Việt Nam, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ phần mềm quản lý tăng huyết áp thì hiện đang có khoảng 1.700.000 bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý danh sách và 516.000 bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại 5.000 trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, Đoàn có phát hiện một số trạm y tế không đủ 3 thuốc tăng huyết áp theo khuyến nghị; một số trạm y tế đôi khi không kê đơn đầy đủ như phác đồ; số lượng bệnh nhân đến trạm y tế còn ít so với nhu cầu thực tế, tỷ lệ bệnh nhân không thường xuyên đến khám lĩnh thuốc tại trạm y tế còn cao; việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh tăng huyết áp rất cần thiết để quản lý theo dõi bệnh nhân và để tổng hợp báo cáo, tuy nhiên các trạm y tế mới chủ yếu sử dụng phần mềm để báo cáo lên tuyến trên, chưa sử dụng số liệu phục vụ cho công việc chuyên môn tại trạm y tế...
TS.Reena Gupta đề xuất dự kiến RTSL sẽ tiếp tục phối hợp với WHO hỗ trợ Việt Nam thời gian tới (kế hoạch là 2 năm 2025-2026) trong nâng cao chất lượng dự phòng, quản lý tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
TS.Reena Gupta nhấn mạnh: “Các hỗ trợ cụ thể được tập trung vào: Hoàn thiện, cập nhật phác đồ điều trị và các hướng dẫn chuyên môn liên quan đến quản lý tăng huyết áp; nâng cao năng lực cho các đơn vị, địa phương dự phòng, sàng lọc, quản lý điều trị bệnh; hỗ trợ phát triển hệ thống quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm, hoàn thiện, cập nhật phần mềm quản lý thông tin đảo đảm kết nối, liên thông với các phần mềm, các tuyến, bổ sung các chỉ số, chỉnh sửa để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi...”
Toàn cảnh buổi tiếp.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế đề xuất WHO, RTSL tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động sàng lọc, dự phòng, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến y tế cơ sở như: Xây dựng công cụ sàng lọc và tài liệu chuyên môn, nâng cao năng lực cho hệ thống, phát triển hệ thống quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm...
TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.
Theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Hệ thống y tế của Việt Nam đang ở trong thời điểm quan trọng, khi dân số già hóa nhanh chóng, gánh nặng bệnh tật thay đổi – bao gồm cả làn sóng gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Tất cả đều tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế có chất lượng.
“Việc tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ hơn, tích hợp hơn để giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho tất cả người dân là vô cùng quan trọng. WHO rất tự hào được hợp tác với Bộ Y tế, các cơ quan và đối tác y tế địa phương, cùng với sự đồng hành của Tổ chức RTSL, trong tăng cường quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe ban đầu để người dân có thể được sàng lọc, phát hiện và điều trị kịp thời”- TS.Angela Pratt phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, TS.Angela Pratt, TS.Reena Gupta cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Sau khi nghe đề xuất từ WHO, Tổ chức RTSL và các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: Bệnh không lây nhiễm đã trở thành một vấn đề cấp bách khi tỷ lệ mắc các bệnh này tăng mạnh ở Việt Nam. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để quản lý hiệu quả các ca bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh đã trở nặng. Một cách để đối phó với thách thức này là chủ động khám phát hiện tại cộng đồng để điều trị sớm...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, đầu tư phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu..."Qua trao đổi thông tin hôm nay, tôi hy vọng WHO và Tổ chức RTSL có góc nhìn tổng quan về định hướng phát triển y tế cơ sở của Việt Nam để hợp tác đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển trong thời gian tới”./.