Thuốc lá điện tử có chứa nicotine- một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác...
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong 10 năm qua, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, Bộ Y tế với vai trò là đơn vị đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh thảnh thành phố triển khai công tác Phòng, chống tác hại của thuốc lá, và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Ở lứa tuổi 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Ngoài nicotine thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về việc không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói: Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường và cũng không phải sản phẩm ít hại, ít nguy cơ đối với sức khoẻ.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
"Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin.
Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, bao gồm cả việc thí điểm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Cùng đó Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, để kêu gọi các quốc gia chung tay và đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 31/5 là Ngày Thế giới không thuốc lá.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/ 5/ 2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ để "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá" nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm
Tại Việt Nam, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá được tổ chức từ ngày 25- 31/ 5 hằng năm. Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Bộ Y tế trân trọng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về một số nội dung cụ thể như:
1. Bên cạnh việc tiếp tục truyền thông về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, cần kịp thời tuyên truyền các thông tin chính xác về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nguồn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức y tế công cộng.
2. Tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động nhằm ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này.
3. Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/ 5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5 theo chủ đề của Tổ chức Y tế thế giới./.
Theo: Suckhoedoisong.vn