Sign In

Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch

14:21 06/05/2024
Ngày 06/5/2024, Bộ Y tế (Bệnh viện Phổi Trung ương) tổ chức lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (07/05/1909 – 07/05/2024) - Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, Viện trưởng đầu tiên...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đến dâng hương tưởng niệm cố Bộ trưởng Bộ Y tế BS.Phạm Ngọc Thạch tại Phòng truyền thống Bệnh viện Phổi Trung ương.

Trước buổi lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến dâng hương tưởng niệm Bộ trưởng Bộ Y tế BS.Phạm Ngọc Thạch tại Phòng truyền thống Bệnh viện Phổi Trung ương.

Tham dự lễ kỷ niệm có GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các Vụ/ Cục và lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương qua các thời kỳ và cán bộ, viên chức của bệnh viện.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng đã ôn lại những cống hiến và hy sinh to lớn của vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Y tế Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc nhất, tưởng nhớ công lao to lớn của vị Bộ trưởng đầu tiên, BS.Phạm Ngọc Thạch- người đã tận hiến cả tâm hồn, sức lực, tài năng, trí tuệ, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là những cống hiến, những tư tưởng định hướng xuyên suốt mọi thời đại đối với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi Việt Nam.

“BS.Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, người có công phát triển nền y học Việt Nam hiện đại. Ông là người Thầy đáng kính của nhiều thế hệ cán bộ y tế Việt Nam, nhà khoa học lỗi lạc trong quản lý ngành Y tế, quản lý sức khỏe cộng đồng, chuyên ngành lao và bệnh phổi” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhắc lại 5 phương châm, nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành của BS.Phạm Ngọc Thạch vẫn còn nguyên giá trị, đó là:

1. Kết hợp chặt chẽ chính trị với chuyên môn;

2. Tư tưởng với tổ chức;

3. Phòng bệnh với chữa bệnh;

 4.  Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, y với dược, đông y với tây y trong công tác phòng và chữa bệnh;

 5. Luôn nêu cao phương châm phòng bệnh, coi phòng bệnh là nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, tiếp nối truyền thông quý báu của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ngành Y tế xác định chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 05 quan điểm:

1. Hệ thống y tế được đổi mới, phát triển bảo đảm công bằng, hiệu quả, chất lượng, có tính giải trình, bền vững và khả năng chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân;

2. Chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu và lấy người dân làm trung tâm; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, dược phẩm và thiết bị y tế có chất lượng với chi phí hợp lý;

3. Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở, bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và đại dịch. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, ưu tiên đầu tư ngân sách và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản;

4. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số;

5. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt; khuyến khích, thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập.

TS.BSCC.Đinh Văn Lượng,  Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại buổi lễ.

Cũng tại buổi lễ, TS.BSCC.Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống Lao quốc gia nhấn mạnh: BS.Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, là người lãnh đạo tài năng về khoa học quản lí ngành Y tế, quản lí sức khỏe cộng đồng, quản lí chuyên ngành lao và bệnh phổi. BS.Phạm Ngọc Thạch đã nêu quan điểm của tư duy lồng ghép có tính xuyên suốt của chuyên ngành, đó là: “Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm” và việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi.

Bệnh viện Phổi Trung ương- Chương trình chống Lao Quốc gia ngày nay hết sức tự hào, biết ơn người Viện trưởng đầu tiên, những thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống quý báu của BS.Phạm Ngọc Thạch trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ phổi cho nhân dân.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế và các thế hệ lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương chụp ảnh kỷ niệm.

Bệnh viện sẽ tiếp tục kiểm soát tốt bệnh phổi bằng việc không ngừng ứng dụng kỹ thuật cao tiên tiến trên thế giới ứng dụng thường quy trong quá trình khám chữa bệnh như: ghép phổi, y học tái tạo, tế bào gốc, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán điều trị ung thư phổi, nấm phổi, bệnh phổi kẽ... đồng thời làm tốt công tác phòng chống lao với các can thiệp toàn diện, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, triển khai các hoạt động phòng chống lao gắn liền với các mạng lưới cơ sở y tế.

“Hơn 19.000 cán bộ phòng, chống lao trên cả nước ngày nay sẽ không ngừng học tập tấm gương đạo đức cũng như những tư tưởng vượt thời gian của người Thầy Tài- Đức lưu quang”- TS.BSCC Đinh Văn Lượng phát biểu./.

 

Tag:

File đính kèm