Ngày 14.5, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XIII về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2023-2028, tầm nhìn đến năm 2033.
Hội thảo của Tổng LĐLĐVN tại TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn có đoàn viên thì đầu tiên phải có công nhân lao động, vì vậy, công đoàn phải xắn tay vào cùng doanh nghiệp tìm, tuyển dụng và chăm lo cho người lao động.
Công đoàn phải xắn tay chăm lo người lao động
Theo ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An - lâu nay thường có tình trạng đợi ở đâu, doanh nghiệp, công ty nào tuyển được công nhân, lao động và đi vào hoạt động thì các cấp công đoàn mới đến vận động NLĐ ở đó tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập tổ chức Công đoàn.
“Muốn có đoàn viên thì trước hết phải có công nhân lao động đã. Công đoàn cũng phải tích cực tham gia vào giới thiệu việc làm, tuyển dụng công nhân lao động cho các doanh nghiệp, chứ không nên đợi doanh nghiệp đi vào hoạt động rồi mới đến vận động thành lập tổ chức Công đoàn” - ông Tám chia sẻ: “Vừa giúp NLĐ tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển được công nhân sẽ càng làm tăng thêm uy tín của công đoàn và khi đó cả chủ DN và NLĐ đều sẵn sàng ủng hộ, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn”.
Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An, cần phải quan tâm và có giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động hiệu quả của các công đoàn mới được thành lập ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chứ không thành lập để chạy theo thành tích, theo số lượng được giao.
Không quan tâm sẽ không tuyển được lao động
Chia sẻ về việc vận động NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn, ông Phạm Đình Họa - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Tinh Lợi, Hải Dương - cho biết, không dễ gì toàn công công ty có tới hơn 20.000 đoàn viên công đoàn như hiện nay.
“Nếu không quan tâm tới NLĐ thì không tuyển và giữ được họ. Lãnh đạo công ty và đặc biệt là công đoàn công ty luôn đồng hành cùng CN, LĐ, phối hợp với các cấp chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ. Bản thân tôi đã rất nhiều lần đi vận động, làm chứng để NLĐ được vay vốn ngân hàng hay nhiều việc khác” - ông Họa cho biết: “Chúng tôi tham gia ngay từ giai đoạn tuyển dụng vào công ty. Mình phải hiểu hoàn cảnh của từng người, gia đình để khi họ về với mình thì mình lo phần nào cho họ, vợ, con họ về chỗ ở, nơi học. Họ có đến thì mới có nguồn phát triển đoàn viên và làm được như vậy thì mời họ tham gia công đoàn rất dễ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, công đoàn cơ sở có vai trò rất quan trọng, quyết định trong việc phát triển đoàn viên, tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết, các nhiệm vụ, quan điểm… vẫn còn chưa cụ thể và chưa mạnh mẽ.
Theo bà Trịnh Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, chất lượng của tổ chức Công đoàn cơ sở ảnh hưởng đến hệ thống công đoàn, nhất là trong việc thu hút công nhân, lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vì công đoàn có mạnh thì mới thu hút được công nhân lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, hiện, hầu hết ở các công đoàn cơ sở, nhân sự đều ít, có nơi chỉ có 3-4 người, trong đó có 2 lãnh đạo và 1-2 chuyên viên, trong khi nguồn tài chính eo hẹp. Dự thảo Nghị quyết cũng nhắc đến nâng cao nguồn lực tài chính nhưng lại chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, sâu hơn.
Đại diện LĐLĐ TP Hà Nội cũng cho rằng, các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết chưa có tính đột phá, giúp các công đoàn cơ sở ở địa phương thực hiện công việc, nhất là chi cho phát triển đoàn viên chưa tương xứng với thực tế.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-nen-cho-noi-nao-co-lao-dong-moi-vao-van-dong-thanh-lap-cong-doan-1339973.ldo
NGUYỄN HÙNG (BÁO LAO ĐỘNG)