Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cùng đoàn công tác vừa tới thăm Di tích lịch sử Quốc gia, nơi tổ chức Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Cùng tham gia đoàn có đại diện một số Ban, cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo huyện Đại Từ và xã Phú Xuyên.
Tại Di tích, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã cùng các đại biểu tham dự ôn lại bối cảnh lịch sử diễn ra 3 đại hội gồm Đại hội lần thứ I của Tổng LĐLĐ, Đoàn thanh niên cứu quốc và liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tại địa điểm hội trường 8 mái dưới chân núi Điệng thuộc xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
“Có lẽ thành công của Đại hội lần thứ I Công Đoàn Việt Nam là 1 trong những nhân tố góp phần chung cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu.
Những hình ảnh lịch sử để lại hôm nay mà chúng ta được chứng kiến rất là xúc động. Hội trường 8 mái rất đơn sơ nhưng lại là nơi đưa ra những quyết định lịch sử hết sức quan trọng. Thế hệ các bác các anh đã vượt qua rất nhiều những cái khó khăn vừa đại hội vừa làm những nhiệm vụ kháng chiến cho nên phải kéo dài đến mười lăm ngày. Tổ chức Công đoàn được coi là ra đời từ năm 1929 nhưng đến 1950 mới tổ chức đại hội. Nói như vậy để thấy, đây là một đại hội có ý nghĩa lịch sử quyết định những vấn đề vô cùng quan trọng của tổ chức, trong đó có nhiệm vụ tham gia kháng chiến cứu quốc”, đồng chí Ngọ Duy Hiển nhấn mạnh.
|
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (người mang caravat) cùng đoàn công tác đã tới thăm Di tích lịch sử Quốc gia, nơi tổ chức Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: T.Y |
Theo sử lliệu, sau nửa tháng làm việc, ngày 15/1/1950, Đại hội đại biểu công đoàn Việt Nam lần thứ I đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu một bước trưởng thành to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Nghị quyết được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I thông qua là sự vận dụng đúng đắn, cụ thể và sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Đông Dương vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn, là điều kiện rất thuận lợi cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Từ sau Đại hội, Tổng Liên đoàn Lao động đã tích cực vận động giai cấp công nhân cùng với giai cấp nông dân xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân.
Đại hội rất vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên và căn dặn.
Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Điều lệ của công đoàn: Về công tác đối ngoại, Đại hội khẳng định giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam phải chung sức với lao động và các lực lượng dân chủ trên thế giới đấu tranh chống bọn phản động quốc tế, nhất là phản động Mỹ đề ra nhiệm vụ của giai cấp công nhân và công đoàn trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cùng phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia
Năm 2016, địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.
Phát biểu tại di tích, đồng chí Phạm Duy Hùng, UVBCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tại di tích, kết hợp giữa nhà trường với bảo tàng và di tích gắn việc học tập tại trường với việc đi thực tế di tích cho học sinh qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đối với thế hệ trẻ.
“Chúng tôi coi các di tích lịch sử là tài nguyên gắn với phát triển du lịch. Do đó, nhân dân Đại Từ sẵn sàng đón nhận mọi sự hỗ trợ và sẽ làm hết sức mình để bảo tồn tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử nhằm phát huy giá trị di tích, cùng mang lại sự ấm no cho nhân dân.”, đồng chí Phạm Duy Hùng nói.
|
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (người mang caravat) đề xuất việc tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương để đưa được nhiều nhất đoàn viên công đoàn tới thăm di tích. Ảnh: T.Y |
Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề xuất việc tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương để đưa được nhiều nhất đoàn viên công đoàn tới thăm di tích. Qua đó hiểu và tự hào về truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.
|
Nhân dịp này, đoàn công tác đã tặng quà cho nhân dân địa phương. Ảnh: T.Y |
“Chúng tôi cũng rất mong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân, những đồng chí được phân công tham gia công việc quản lý phát huy di tích để tiếp tục tuyên truyền vận động để đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong ba tổ chức là công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ ở địa phương đã từng tổ chức đại hội lần thứ nhất nơi đây, sẽ đến đây nhiều hơn để chúng ta cùng tự hào, cùng suy nghĩ về trách nhiệm, tiếp tục vun đắp để có được một di tích bề thế hơn, xứng đáng với vị trí của di tích trong dòng chảy chung của lịch sử.”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nêu.