Sign In

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

02:04 04/05/2024

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực là một trong những nguyên nhân khiến bản chất giai cấp công nhân trong một số cán bộ, đảng viên bị mai một, gây ra nhiều hệ lụy. Chỉnh Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao làm nguồn bổ sung cho Đảng và tăng cường cho xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa là đòi hỏi khách quan vừa là vấn đề nổi cộm, bức thiết.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) tựa đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng”.

Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay Đảng ta luôn kiên định lập trường tư tưởng, giai cấp công nhân là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội; là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất, ngày 16/8/1956. Ảnh Tư liệu.

Như đã biết, sự ra đời của Đảng Cộng sản ở các nước trên thế giới đều xuất phát từ sự thống nhất giữa 2 thành tố lớn là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản ra đời được xuất phát từ công lao truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, thông qua Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.

Trong các tài liệu, văn kiện của Đảng từ xưa đến nay đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó mật thiết với nhân dân lao động và dân tộc, hòa mình cùng dân tộc, gắn bó với sứ mệnh của dân tộc; kết hợp giữa giai cấp công nhân và dân tộc, dân tộc với thời đại, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Gần 40 năm đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho thấy: Đảng luôn chú trọng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đều bắt nguồn từ việc Đảng đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa giai cấp và dân tộc trong giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết nhân Kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, mà là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, vì giai cấp công nhân là giai cấp có lợi ích thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc”.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bởi lẽ, Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, đặt lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Bởi lẽ, việc giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với bản chất của chế độ kinh tế - xã hội và hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Than Vàng Danh. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu.

Bản chất giai cấp công nhân của Đảng không chỉ thể hiện ở số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân mà chủ yếu được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng, ở cương lĩnh, đường lối chính trị, ở nền tảng tư tưởng của Đảng, ở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; ở mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, ở sự kết hợp và giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề quốc tế, ở tiêu chuẩn, tư cách, yêu cầu phẩm chất, năng lực của đảng viên, ở vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Nói một cách gọn hơn, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng là một bộ phận của giai cấp công nhân, Đảng không tách rời giai cấp, nhưng Đảng là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp, Đảng bao gồm những phần tử ưu tú có giác ngộ cách mạng nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động.

Tăng cường bản chất giai cấp công nhân, trước hết, với tư cách là đội tiên phong, là lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng phải tiên phong về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để đạt được mục đích ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết: “Đảng ta kiên trì, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.

Điều đó thể hiện rõ nhất Đảng cần thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn để trở thành tiên phong về đạo đức và hành động văn minh. Muốn vậy, trước hết Đảng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường tổng kết thực tiễn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; tổ chức thực hiện sáng tạo, có hiệu quả đường lối, chính sách trong thực tiễn.

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất - Ảnh: Trần Lưu

Để tăng cường bản chất giai cấp công nhân thì vấn đề tiên quyết hiện nay của Đảng là phải tự chỉnh đốn có hiệu quả, loại bỏ được những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, thiếu gương mẫu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Tổng Bí thư cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng là tăng cường dân chủ, đẩy mạnh việc thực hành pháp luật.

Từ lâu Đảng ta đã chủ trương không ngừng phát huy dân chủ. Nhiều hoạt động dân chủ được các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng thực hiện thông qua xây dựng hệ thống quy chế chặt chẽ, có chất lượng và thực hiện theo đúng quy chế. Việc này đã góp phần xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy nguyên tắc tự phê bình và phê bình, làm cơ sở để tập trung dân chủ được giữ vững và tập trung trí tuệ trong lãnh đạo.

Tuy nhiên, việc thực hành dân chủ trong Đảng ở một số nơi còn hời hợt, hình thức và thiếu tính hiệu quả. Tình trạng vi phạm quy định tổ chức dân chủ hoặc tổ chức dân chủ chưa tới nơi vẫn còn lỏng lẻo và mang biểu hiện cửa quyền, nhất là một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, đánh giá cán bộ và bổ nhiệm cán bộ. Một số cán bộ chưa đủ tiêu chí nhưng vẫn được cất nhắc.

Ví dụ, lên cấp trưởng nhưng chưa qua chuyên viên chính. Từ đây hình thành “cán bộ nhúng”. Đặc điểm ở đội ngũ cán bộ này là làm ít, chỉ tay 5 ngón là chính và luôn tìm cách để chấm mút, bòn rút kinh phí nhà nước thông qua kê khống, hóa đơn khống; thông qua đấu thầu dự án mua sắm tài sản, đất đai… thiếu minh bạch. Đặc biệt, có một số cán bộ cố tình làm ngơ để cấp dưới làm sai, qua đó “hưởng lộc”.

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp khiến cho bản chất giai cấp công nhân trong Đảng bị ảnh hưởng, gây mất niềm tin cho quần chúng nhân dân, cho giai cấp công nhân.

Chỉ tính trong thời gian ngắn của 3 tháng đầu năm 2024, nhiều cán bộ, đảng viên nguyên là bí thư, phó bí thư tỉnh ủy hoặc đang đương chức đã bị kỷ luật và cá biệt có người bị khởi tố về nhiều tội danh, trong đó có tội nhận hối lộ. Điều này khiến cho bản chất giai cấp công nhân trong Đảng có phần còn yếu kém.

Bên cạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân thì yêu cầu tiên quyết là cần xây dựng đội ngũ công nhân phát triển về số lượng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển, xây dựng Đảng vững mạnh.

Trước mắt, cần quan tâm, chăm lo lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của công nhân thông qua có nhiều chủ trương, giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tránh gây bức xúc. Cần xây dựng và phát triển hệ thống công đoàn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế và các lợi ích hợp pháp của công nhân.

Cần nhiều giải pháp phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật.

Đẩy mạnh việc phát triển đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, góp phần tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân; đồng thời khắc phục tình trạng một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội.

Bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ.

Xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về giai cấp công nhân và với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Đưa vào chương trình đào tạo nghề nội dung học tập pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp,...

Phát triển đội ngũ công nhân, Đảng chỉ đạo Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các chương trình, dự án lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Đầu tư ngân vào dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng miền núi, dân tộc thiểu số và những ngành nghề đặc thù mà các đơn vị ngoài công lập không đầu tư.

Chú trọng đào tạo đồng bộ, cả ở trong và ngoài nước, đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý và những công nhân có trình độ cao, để đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp mới, hiện đại. Củng cố và mở rộng các trường đào tạo giáo viên dạy nghề theo khu vực trên phạm vi cả nước.

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hằng năm dành kinh phí thích đáng và thời gian cho đào tạo, đào tạo lại công nhân; được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần tăng cường đào tạo đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo có đủ điều kiện về tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động; quy hoạch và phát triển đa dạng các hình thức, các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Tạp chí LĐ và CĐ

Tag:

File đính kèm