Sign In

Kết hợp sức mạnh văn hóa và thể chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

14:24 31/10/2024
Văn hóa và thể chế là hai vũ khí cực kỳ quan trọng, có liên hệ mật thiết, tương hỗ với nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Một nền văn hóa liêm chính sẽ hỗ trợ cho các thể chế hoạt động hiệu quả, trong khi thể chế mạnh mẽ sẽ củng cố các giá trị văn hóa tích cực, cao đẹp, để cho việc tham nhũng trở nên “không thể, không dám, không muốn, không cần”.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo quan điểm của Người, tham nhũng là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm” không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà nghiêm trọng hơn là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây suy yếu bộ máy của Đảng, nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân vào chế độ và cuối cùng là xóa bỏ chế độ ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc tệ nhất là tham ô. Tham ô tức là gián tiếp giết chết đồng bào bị đói và bị nạn” (1).

Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, do đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban, nay là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, có sức ảnh hưởng lớn; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo khí thế phấn khởi và lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa, đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng tham nhũng và tiêu cực vẫn diễn biến với mức độ phức tạp, tinh vi, khó lường như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, 4 nguy cơ thách thức đối với sự tồn vong của Đảng vẫn còn tồn tại, một số mặt diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã được phát hiện, xử lý, nhiều bản án nghiêm khắc đã được thi hành nhưng dường như tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa có dấu hiệu dừng lại. Những yếu tố cho sự tồn tại và phát triển của bệnh tham nhũng vẫn còn mạnh mẽ, thậm chí đang lan sâu, bám chắc vào nhận thức của những cán bộ, đảng viên suy thoái, phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khi cơ hội đến sẵn sàng làm mọi việc, bất chấp pháp luật, vi phạm pháp luật để đạt được mục đích.

Quan điểm của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm khắc, xử thật nặng tham nhũng mà còn chú trọng phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, không để những vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, không để những “vết sẹo nhỏ trở thành khuyết tật bẩm sinh” với phương châm “phòng” là chính, là cơ bản, “chống” là quan trọng, cấp bách. Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, trong bối cảnh hiện nay, cần kết hợp, phát huy sức mạnh văn hóa với sức mạnh thể chế để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Điều đó thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, cần xử lý triệt để nguyên nhân của tham nhũng, chú trọng tổng kết các hiện tượng có tính quy luật để khái quát bản chất của đối tượng tham nhũng làm cơ sở để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Có nhiều nguyên nhân tham nhũng và cũng có nhiều nguyên cớ, cách thức biện minh cho hành vi tham nhũng của đối tượng vi phạm. Dưới góc độ lý luận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân của tham nhũng là do: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa” (2), “bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở” (3). Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh mẹ, là mầm mống của trăm thứ bệnh nguy hiểm khác như: bệnh quan liêu, bệnh xa dân, bệnh kiêu ngạo cộng sản, bệnh lười nhác, bệnh xu nịnh... Vì là căn bệnh nguy hiểm, sức tàn phá lớn nhưng thường được ngụy trang hết sức tinh vi, khó phát hiện. Cùng là đoàn kết nhưng đoàn kết thực sự khác xa đoàn kết xuôi chiều về mặt bản chất, cùng là sự đồng lòng, nhất trí nhưng đoàn kết xuôi chiều là sự giả hiệu, sự thỏa hiệp, sự thống nhất với trong nhóm lợi ích để mưu cầu danh lợi, địa vụ, tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Chống chủ nghĩa cá nhân là yếu tố quan trọng bậc nhất trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu diệt và loại bỏ tham nhũng khi còn trong “trứng nước".

Để chống chủ nghĩa cá nhân phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị mà còn có ý nghĩa đối với từng cá nhân. Thực tế qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cho thấy nơi nào mất dân chủ, tùy tiện, vô nguyên tắc thì thường dễ mắc sai lầm, rơi vào suy thoái, tiêu cực, vi phạm phát luật, nội bộ mất đoàn kết hoặc đoàn kết xuôi chiều. Việc trao quyền có dân chủ và dân chủ có kiểm soát là vô cùng quan trọng, mỗi cá nhân được tôn trọng, được phát triển nhưng đồng thời cũng có sự kiểm soát cá nhân, kiểm soát quyền lực, hạn chế các tình huống thuận lợi để chủ nghĩa cá nhân phát triển. Do đó, trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần rà soát thận trọng, khoa học để vừa đảm bảo dân chủ, vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Hạn chế việc các đối tượng lợi dụng cơ chế xin cho để vi phạm, lách luật. Trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực cần thường xuyên rà soát, tổng kết thực tiễn thực hiện quy định, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh các quy định của pháp luật để hạn chế các hành vi tư lợi, dễ phát sinh tiêu cực, tham ô, tham nhũng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các quy định về thủ tục (thẩm quyền, thủ tục rõ ràng, chính xác, minh bạch, công khai, chủ nghĩa cá nhân không có cơ hội tồn tại và phát triển).

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, tăng cường cơ chế kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên nhà nước có biểu hiện giàu nhanh, tài sản không minh bạch. Hiện nay, tuy đã có hệ thống các quy định về kiểm soát quyền lực, kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy cơ chế kiểm soát vẫn chưa thực sự chặt chẽ, đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe, thức tỉnh đối với các phần tử thoái hóa, biến chất. Thực tế, dù dưới bất kỳ hình thức nào thì mục tiêu cuối cùng của tham nhũng là chiếm được tài sản bất minh. Do đó, kiểm soát tài sản tăng thêm hằng năm rất quan trọng. Dựa trên kê khai thu nhập lần đầu và thu nhập hằng năm để xác định số lượng tài sản tăng lên và xem xét tính hợp lý trong giải trình biến động tài sản sẽ phát hiện ra những trường hợp có biến động bất thường. Có chế tài mạnh hơn để người có nghĩa vụ kê khai tài sản thực hiện nghiêm túc, gương mẫu trong việc kê khai tài sản, tránh việc “quên”, “sót” nhằm mục đích loại bỏ các yếu tố bất lợi, dễ phát hiện trong bản kê khai khi nộp về các cơ quan kiểm soát. Kiểm soát tài sản, thu nhập là cách giám sát, điều tra, theo dõi, đánh giá, phát hiện cán bộ vi phạm và đồng thời phòng ngừa tham nhũng khi mới xuất hiện.

Thứ ba, tăng cường cơ chế điều chỉnh của văn hóa, đạo đức đối với phòng, chống tham nhũng. Từ góc độ pháp lý và lý luận phương pháp thì có thể khẳng định không có một công cụ nào toàn năng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi của con người. Nếu chỉ tập trung xử lý vấn đề tham nhũng về mặt thể chế thì chưa toàn diện, xử lý ở chỗ này lại phát sinh ở chỗ khác với hình thức tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, bởi suy đến cùng tham nhũng không phải do cơ chế mà do con người. Bên cạnh cơ chế điều chỉnh của pháp luật, quy định của tổ chức đảng thì cơ chế điều chỉnh bởi văn hóa, đạo đức, sức mạnh cộng đồng, dư luận xã hội cũng là một công cụ quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trích dẫn quan điểm của Stalin trong xử phạt tội tham ô để khẳng định vai trò của văn hóa, đạo đức và cơ chế điều chỉnh của 2 hình thái ý thức xã hội này đối với việc phòng, chống tham nhũng: “Stalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn… Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài?... điều quan trọng nhất - như Stalin đã nói - vẫn là phải “gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức” (4).

Khi vẫn còn tư duy bị phát hiện tham nhũng là một điều không may mắn, xui mới dính, không phải người này sẽ là kẻ khác thì tham nhũng, tiêu cực vẫn có cơ hội phát sinh, phát triển. Kẻ tham nhũng, tiêu cực thường luận điệu hóa sai phạm của mình là do cơ chế, do chính sách. Kẻ ăn theo, kẻ mua chuộc, kẻ hưởng lợi sẽ âm thầm, lặng lẽ truyền bá vào quần chúng tư tưởng tham nhũng, tiêu cực là bản chất, là lẽ dĩ nhiên, có ăn mới có làm, tham nhũng là thuộc tính cố hữu không thay đổi được. Mục tiêu của chúng là làm hệ thống chính trị lũng đoạn, rối ren, tê liệt, dễ bề thâu tóm kinh tế và cuối cùng là thâu tóm chính trị. Điển hình như vụ án Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn. Khi nội ứng ngoại hợp, trong phá ra, ngoài tấn công vào, sức mạnh phá hủy vô cùng lớn làm xói mòn, suy thoái và đảo lộn những nguyên tắc, giá trị đạo đức cơ bản của xã hội và cuối cùng là đưa xã hội đến sự thoái bộ.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm rõ, sâu sắc và lý lẽ không thể chối cãi được về bản chất suy thoái về đạo đức trong hành vi tham nhũng. Đó là sự ăn cướp, ăn cắp, kẻ tội đồ, “Người mà không Liêm, không bằng súc vật” (5). Trong chiến tranh, đồng bào không tiếc máu xương, thậm chí hy sinh cả bản thân và gia đình cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc, họ tham gia cách mạng, gia nhập Đảng không phải vì tiền tài, danh vọng, địa vị, không phải để làm ông quan cách mạng bóc lột nhân dân. Sự mất mát, đau thương trong chiến tranh là rất lớn, hiếm một dân tộc nào trên thế giới phải chịu nỗi đau chiến tranh lớn như Việt Nam và cũng không nơi nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như Việt Nam. Những người con được sinh ra trong vòng tay yêu thương của cả dân tộc, được học hành và giáo dục, được nuôi dưỡng và làm việc trong môi trường hòa bình, ổn định thì càng phải ghi nhớ điều đó, thấy rõ trách nhiệm và bổn phận của mình ở mỗi cương vị, công việc khác nhau, ra sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Một không khí tẩy chay, một sự khinh thường về nhân cách kẻ tham nhũng là phương pháp giáo dục, cảnh tỉnh tốt nhất để giáo dục, răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Thứ tư, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống và giáo dục của gia đình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Gia đình vừa là khởi nguồn, nơi nuôi dưỡng, vừa là tổ ấm, nơi trở về của mỗi con người. Là không gian sinh hoạt gần gũi, thân thương gắn với cả cuộc đời con người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, lối sống của mỗi thành viên. Giáo dục trong gia đình là yếu tố quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, cũng là “lá chắn” để cán bộ, đảng viên miễn nhiễm với tham nhũng. Gia đình là nơi bồi dưỡng, che chở, giúp đỡ, tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong đó phát triển nhưng đồng thời cũng là nơi giáo dục nghiêm khắc và sâu sắc.

Việc nhận thức và răn dạy trong gia đình về của cải, vật chất do tham nhũng mà có là của ăn cắp, là thứ đê tiện, vô liêm sỉ, đề cao lối sống “đói cho sạch, rách cho thơm” có tác động lớn đến nhận thức và hành động của từng thành viên. Một gia đình sống có văn hóa, đạo đức tạo tiền đề tốt để các thành viên trong gia đình hoàn thiện nhân cách, chống lại các văn hóa ngoại lai, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đây cũng là hướng tấn công chính của các lực lượng phản động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, hàng ngàn binh sĩ vì muốn cuộc sống sung túc, hưởng thụ mà theo chân chính quyền ngụy quân, phục tùng đế quốc đàn áp, tàn sát quần chúng nhân dân, đồng bào ta để có được tiền tài, danh vọng. Nhưng khi đem những đồng tiền, tài sản ấy về nhà thì bị chính những tư tưởng yêu nước chống lại, khinh rẻ, phỉ nhổ, bị cô lập, chính sự nghiêm khắc ấy đã khiến nhiều người nhận thức và từ bỏ con đường phi nghĩa. Giáo dục gia đình là vũ khí quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đến nay, trong công tác phòng, chống tham nhũng phải càng được quan tâm hơn nữa.

Thứ năm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong chính bản thân mình một cách nghiêm khắc, tự giác, thường xuyên. Việc tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đối với cá nhân dù đọc nhiều, học nhiều, nghe nhiều, nói nhiều nhưng không thực hành thì cũng vô ích. Mỗi người cần sống, học tập, lao động, rèn luyện bản thân mình theo những lý tưởng cao đẹp: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người khác, sống đâu chỉ cho riêng mình mà còn phải vì mọi người, đấu tranh và chiến thắng sự nhỏ nhen, ti tiện trong chính bản thân mình; ham học, ham làm, ham tiến bộ phấn đấu phát triển, làm giàu theo con đường chính nghĩa, hợp pháp, thượng tôn pháp luật.

Trong cuộc sống, luôn luôn nhìn nhận lại bản thân để sửa mình, lấy gương sáng của các bậc hiền nhân làm khuôn mẫu, mực thước để noi theo. Cần nhận thức rõ tiền bạc là công cụ để phục vụ cuộc sống, để tận hưởng hạnh phúc chứ không phải là cái gông xiềng xích cuộc đời, càng không phải thứ để hơn thua. Trong đó, những cán bộ, đảng viên càng phải nhận thức rõ hơn ai hết trách nhiệm và bổn phận của mình trước đất nước và nhân dân, phải sống sao cho như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Khi mỗi con người thực sự trở thành chủ thể văn hóa thì có khả năng miễn nhiễm với thứ phi văn hóa và lan tỏa những giá trị tích cực đến người khác, tham nhũng không thể tồn tại.

----------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 9, tr.439.

(2) (3) Sđd, tập 7, tr.217, tr.345.

(4) Sđd, t.12, tr.469.

(5) Sđd, t.6, tr.127.

 

Ths Nguyễn Đức Bảo (Ban Công tác đại biểu Quốc hội) - Trần Nhật Minh (Học viện An ninh nhân dân)

Theo XDĐ

Tag:

File đính kèm