Sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây trong một nhân cách lớn
Phóng viên (PV): Trong nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” từ năm 1987, UNESCO khuyến nghị các nước thành viên triển khai các biện pháp thích hợp nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh”. Sự khuyến nghị đó mang ý nghĩa gì, thưa ông?
Ông Michael Croft: Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được trả lời về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là chính khách mang tầm vóc thời đại của nhân loại trong thế kỷ 20.
|
|
Ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) tại Việt Nam |
Chúng ta biết Đại hội đồng UNESCO năm 1987 đã thông qua một nghị quyết nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam (1890-1990). Tôi cho rằng, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, ở đây chính là sự ghi nhận của các quốc gia thành viên UNESCO, đối với vai trò của hệ tư tưởng và những cống hiến cho cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi suốt cuộc đời mình cũng rất gần với những giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay là xây dựng hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Ngày nay, hệ tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Vì vậy, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế từ năm 1987 giúp khơi gợi thêm niềm tự hào của người dân Việt Nam về một nhân vật lịch sử đã có những đóng góp vĩ đại không chỉ cho đất nước mình mà còn cho nền hòa bình trên thế giới.
PV: Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói: “Quan sơn muôn dặm một nhà, vì trong bốn biển đều là anh em”. Điều này cũng phù hợp với tinh thần, ý nghĩa của Ngày Quốc tế Khoan dung 16-11-1995 mà UNESCO đã thông qua với sự đồng thuận của 185 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Michael Croft: Đúng là như vậy, chúng ta nhìn thấy văn hóa khoan dung, lòng yêu thương sâu sắc đối với con người và thiên nhiên được thể hiện rõ ràng trong triết lý, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Văn hóa khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở nhận thức, tư duy, phương pháp cách mạng của ông. Trong hành trình cứu nước và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chọn lọc hầu hết các giá trị tư tưởng lớn của loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây: Từ tư tưởng nhân nghĩa, đề cao sự tu dưỡng cá nhân của Nho giáo; sự từ bi, vị tha của Phật giáo; tư tưởng dân chủ, bình đẳng của phương Tây đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu giá trị tư tưởng tiến bộ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1791.
Tôi cũng được biết, ngay từ những ngày đầu tiên ở cương vị lãnh đạo đất nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ, Việt Nam sẽ luôn thể hiện tinh thần hữu nghị, hợp tác với bất kỳ quốc gia nào coi Việt Nam là một quốc gia tự do và độc lập. Những ví dụ đó cho thấy, Hồ Chí Minh là một trong những chính khách đi tiên phong cổ vũ về giá trị tinh thần khoan dung, đối thoại văn hóa, tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp của các dân tộc khác.
Chúng ta công nhận các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do cơ bản của người khác. Chỉ có lòng khoan dung mới có thể bảo đảm sự tồn tại của những cộng đồng hỗn hợp ở mọi khu vực trên thế giới. Đây chính là giá trị mà Liên hợp quốc và UNESCO mong muốn thúc đẩy và lấy ngày 16-11 hằng năm để khuyến khích mọi quốc gia, dân tộc và mọi người cùng hưởng ứng Ngày Quốc tế Khoan dung.
Ngày nay, Việt Nam đã làm hết sức mình cho cộng đồng quốc tế thấy rằng: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này có nghĩa là văn hóa khoan dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng vẫn được các thế hệ người Việt Nam phát huy hiệu quả.
PV: Việc UNESCO khẳng định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc” chứa đựng thông điệp gì, thưa ông?
Ông Michael Croft: Khẳng định điều này bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của sự tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bôn ba qua các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa làm nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và là một công cụ ngoại giao quan trọng. Di sản Hồ Chí Minh trở thành "sức mạnh mềm" của văn hóa quốc gia.
Tôi được biết, tư duy Hồ Chí Minh rất cởi mở, thể hiện đối thoại văn hóa sâu sắc khi ông cho rằng: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.
Những yếu tố cấu thành di sản văn hóa Hồ Chí Minh là sự chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp với những tinh hoa nhân loại vì sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đây là một lý tưởng nhân văn cao cả, cần thiết cho Việt Nam, cho các nước và cho nhân loại.
PV: Từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra triết lý: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”. Gần nửa thế kỷ sau, năm 1996, UNESCO đưa ra 4 trụ cột là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại”. Đề nghị ông cho biết tầm nhìn văn hóa của Hồ Chí Minh về giáo dục và mối quan hệ của tầm nhìn đó với triết lý giáo dục mà UNESCO đã đưa ra?
Ông Michael Croft: Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của bất kỳ cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc nào. Chúng ta cũng thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà lãnh đạo của Việt Nam coi trọng giáo dục hơn cả, ngay khi ông đang lãnh đạo các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tôi đánh giá rất cao Chủ tịch Hồ Chí Minh ở điểm này, vì việc đề cao vai trò giáo dục của ông chính là hướng tới tương lai, bởi giáo dục là nền tảng của mọi công cuộc xây dựng và phát triển.
UNESCO đã xây dựng 4 trụ cột học tập để thúc đẩy giáo dục, trong đó, tôi muốn chú trọng vào 2 trụ cột là “học để làm” và “học để chung sống”. Các trụ cột này nhấn mạnh vào việc học nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, gắn việc học với những yêu cầu tại môi trường làm việc để đáp ứng được những tình huống ngoài dự kiến trên tinh thần làm việc nhóm. Hơn nữa, học tập còn là để hiểu biết về nhau, về lịch sử, về truyền thống và tín ngưỡng của nhau để góp phần thúc đẩy một giá trị tiến bộ chung.
Tôi cho rằng, những trụ cột này của UNESCO tương đồng với phương châm học tập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến khích người dân. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa của một nhà giáo dục lớn của thế giới.
Giá trị Hồ Chí Minh đã, đang lan tỏa ở nhiều nơi trên thế giới
PV: Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 23-12-1923, nhà thơ, nhà báo Xô viết O.Mandelstam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Ông bình luận gì về nhận định này?
Ông Michael Croft: Đây là điểm mà tôi đánh giá rất cao ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là luôn hướng về tương lai và ông đặt nền móng xây dựng tương lai ngay trong các hành động của mình thời bấy giờ. Chúng ta thấy rất nhiều triết lý, tư tưởng, phương châm sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay các giá trị mà ông đã kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng vẫn rất thiết thực và giá trị với chúng ta ngày nay. Đó là lý tưởng về hòa bình, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn, tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tôi tin rằng, nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới sẽ nhớ mãi về những lý tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Theo góc nhìn của UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp, cống hiến gì cho văn hóa nhân loại?
Ông Michael Croft: Tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 6-9-2022 tại Hà Nội, bà Audrey Azouley, Tổng giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của ông còn vượt ra xa khỏi biên giới đất nước. Trong suốt cuộc đời, ông đã duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ, kết nối với nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới. Với UNESCO, giáo dục, văn hóa chính là trụ cột của một nền độc lập. Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn”.
Chúng ta đều thấy rõ những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho văn hóa của nhân loại, đó là việc đề cao lòng khoan dung, tình nhân ái, yêu thương giữa con người, giữa các dân tộc hay giữa con người với thiên nhiên; đó là việc coi trọng ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các nền văn hóa để có thể tôn trọng những bản sắc văn hóa riêng, tôn trọng sự khác biệt và tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa. UNESCO vui mừng khi thấy các giá trị Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được thúc đẩy không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên toàn thế giới.
PV: Sứ mệnh của UNESCO là bằng nỗ lực không mệt mỏi của mình để góp phần thúc đẩy đối thoại văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Theo ông, Việt Nam cần phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh như thế nào để góp phần vào mục tiêu cao cả trên của UNESCO?
Ông Michael Croft: Để có thể phát huy hơn nữa các giá trị đó, tôi cho rằng, các bạn cần xây dựng một kế hoạch hành động bao trùm và huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội. UNESCO sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các bạn trong hành trình này.
Nhân dịp này, tôi xin được chia sẻ thêm, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động và tích cực, mang đến nhiều bài học thành công của mình cho các quốc gia thành viên của UNESCO kể từ khi gia nhập năm 1976 đến nay. Chúng tôi đánh giá cao kết quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện những cam kết với UNESCO và Liên hợp quốc. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có những mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng từ rất sớm, như: Chấm dứt đói nghèo; bảo đảm cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; thúc đẩy bình đẳng giới; vệ sinh môi trường; xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh...
Tôi cũng hy vọng rằng, thông qua việc tích cực học tập, nghiên cứu, vận dụng những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những thành quả tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của nhân loại. Điều này cũng là mong muốn, khát vọng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam; và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc” (Nghị quyết số 24C/18.65 của UNESCO năm 1987 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990). |
(còn nữa)