Sign In

Luận điệu lừa bịp không thể ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

08:24 25/12/2023
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, bảo vệ tư pháp là yêu cầu cấp thiết từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 131-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW cho thấy quyết tâm của Đảng trong chống “giặc nội xâm”, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" bằng “lồng cơ chế” và đáp ứng được mong mỏi của đảng viên, nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ trong bộ máy nhà nước: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ta luôn xác định: “Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”. Đảng ta nhận thức rất rõ, nếu quyền lực của người đứng đầu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến lạm quyền, tha hóa quyền lực của người đứng đầu.

Do đó, việc kiểm soát quyền lực được Đảng ta cụ thể hóa chủ trương bằng các quy chế, quy định khá cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đảng ta đã chú trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phù hợp tình hình thực tế, xác định quyền và trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời từng bước có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm.

Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các hoạt động vốn mang tính nhạy cảm, đòi hỏi tính liêm chính cao như: thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Điều này biểu hiện rõ qua hàng loạt vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã và đang bị phanh phui với không ít cán bộ thoái hóa, biến chất khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Điển hình như năm 2022, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một nữ bị cáo để chuyển 6 tháng tù giam thành 6 tháng tù treo. Tháng 7/2023, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Trì bị khai trừ ra khỏi Đảng do liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra tỉnh và các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh này.

Xung quanh vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác có liên quan đang được dư luận đặc biệt quan tâm, mới đây, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay, tất cả thành viên đoàn thanh tra liên ngành thời điểm thanh tra đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB. Với số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD, đây là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay, tính đến thời điểm hiện tại. Riêng Trưởng Đoàn Thanh tra nhận trên 5 triệu USD.

Nhìn nhận những hạn chế dẫn đến “kẽ hở” trong cơ chế kiểm soát quyền lực, dư luận cho rằng có nhiều nguyên nhân. Nổi lên là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đâu đó còn nặng tính hình thức, không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm…

Cũng chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, biện pháp, cách thức để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự hiệu quả. Các quy định, nghị quyết được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, sẽ "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", dần khắc phục được những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng..

Điển hình là tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Việc ban hành hai quy định này cho thấy, Đảng không chỉ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, đòi hỏi tính liêm chính rất cao, Đảng còn quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền và củng cố niềm tin, sự ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy tố tụng trong sạch, minh bạch; quyền lực luôn đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm.

Thế nhưng các thế lực thù địch ở nước ngoài và phần tử cơ hội chính trị lại lợi dụng việc này để hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hòng tiến tới xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Phải khẳng định dứt khoát rằng, những lập luận này hoàn toàn sai trái!

 Tệ nạn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng, một khi quyền lực bị lạm dụng. Nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; người có quyền lực sẽ “không thể,” “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa.

Không khó để nhận thấy động cơ của những thế lực thù địch đó là lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng để lừa bịp, kích động, gây mơ hồ ảo tưởng, nhận thức sai lệch của nhân dân về Đảng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Dư luận xã hội đang rất trông đợi và kỳ vọng, các quy định mới đây của Đảng ta sẽ giải quyết được những nhức nhối gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và góp phần xóa bỏ những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ sẽ tiếp tục được xử lý nghiêm minh. Như mới đây là việc nghiêm trị các cán bộ cấp cao liên quan đến những vi phạm trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Trong vụ án này, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị phạt 5 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đều nhận mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đặc biệt, tháng 11/2023, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…

Có thể khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Quyết tâm “chống giặc nội xâm”, khắc phục những bất cập bằng “lồng cơ chế” đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

 

Tag:

File đính kèm