Dự Hội nghị có các đồng chí: PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý,Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện; cùng toàn thể lãnh đạo, cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức Vụ Quản lý khoa học.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học trình bày báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Học viện đến nay và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí cho biết, giai đoạn năm 2021-2025 là giai đoạn Học viện tập trung cao độ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ các mặt công tác, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ III, Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng.
Về hoạt động khoa học, Học viện tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm tích cực triển khai các chương trình khoa học lớn, chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các luận cứ khoa học phục vụ cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức triển khai Chương trình cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2021-2022; 2023-2024; triển khai Chương trình KX.02/21-25.
PGS,TS Đinh Ngọc Giang cho biết, từ đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ Học viện đến nay, tập thể cán bộ, chuyên viên của Vụ luôn tích cực, chủ động tham mưu xây dựng tốt kế hoạch hằng năm và tổ chức tốt kế hoạch được Giám đốc phê duyệt, tham mưu chuyển đổi hình thức tổ chức nhiều hoạt động khoa học thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp năm 2020-2021; các nhiệm vụ về cơ bản đã hoàn thành tốt theo kế hoạch đề ra, chất lượng ngày càng được nâng lên.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị
Đối với công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, Vụ Quản lý khoa học đã chủ trì, phối hợp tốt với các đơn vị xây dựng và bảo vệ thành công Kế hoạch hoạt động khoa học hàng năm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Học viện. Công tác xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học của toàn hệ thống Học viện được tổ chức triển khai chủ động, phát huy trí tuệ của đông đảo đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Học viện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khoa học đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về công tác quản lý nhiệm vụ khoa học, Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện đề nghị Văn phòng Trung ương và Bộ Tài chính điều chỉnh dự toán kinh phí triển khai các nhiệm vụ: năm 2021, năm 2022, tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả gần 700 đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, bao gồm: Chương trình, đề án cấp bộ trọng điểm; các đề tài cấp bộ, dự án khảo sát...; chương trình “Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam“ vào năm 2023 và 2024. Hàng năm, tham mưu tổ chức họp phiên toàn thể và chuẩn bị nhiều cuộc họp, tọa đàm lấy ý kiến góp ý, tư vấn các đề án, chương trình góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Về công tác tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học. Trong 2 năm 2021 và 2022, Học viện tổ chức tổng số 77 Hội thảo cấp bộ, liên bộ, cấp quốc gia, quốc tế, trong đó có 04 hội thảo khoa học quốc tế, 07 hội thảo cấp quốc gia, 13 Hội thảo với phối hợp với các trường chính trị, 29 hội thảo cấp bộ, liên bộ. Tham mưu thực hiện tốt hơn việc chuẩn bị dự thảo bài phát biểu, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dự thảo các bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham mưu thành lập Tiểu ban xây dựng các bản dự thảo, bước đầu có những chuyển biến tích cực về chất lượng và tiến độ của các bài viết.
PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học báo cáo tại Hội nghị
Về công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo 35, Vụ đã tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo, điều phối các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong toàn hệ thống Học viện bảo đảm thông suốt, hiệu quả; Tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong 02 năm 2021-2022, tham mưu tổ chức thành công 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho gần 700 học viên là giảng viên Học viện, các Trường Chính trị và cán bộ Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, góp phần từng bước mở rộng đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này; Tham mưu Ban Chỉ đạo 35 Học viện tổ chức thành công 02 cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 1, lần thứ 2 và các Lễ trao giải; các Cuộc thi được đánh giá là điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo sức lan tỏa lớn trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện đang giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức Cuộc thi lần thứ 3, với sự hưởng ứng, quan tâm chỉ đạo của các tỉnh ủy/thành ủy/đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động khoa học, đồng thời chỉ ra nguyên nhân và đề xuất một số phương hướng, giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Hội nghị được nghe nhiều ý kiến trao đổi về công tác khoa học của Học viện. Các đại biểu tập trung phân tích những khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Học viện trong thời kỳ mới.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, thành tích trong hoạt động khoa học mà Học viện đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.
Đối với các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các hoạt động khoa học tại Học viện luôn bám sát và quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của Đảng về khoa học, công nghệ và về công tác lý luận.
Chủ động tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, chuẩn bị tiền đề giúp Trung ương có luận cứ khoa học để tổng kết 40 năm đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước; tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm chuẩn bị cho việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; Tập trung hội thảo kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt – Úc, chú trọng các nội dung tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, giáo dục về con người,...
Đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, tiếp tục đưa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào chiều sâu nhằm tạo động lực cho cán bộ khoa học tích cực nghiên cứu, say mê tìm tòi, sáng tạo ra các công trình khoa học có chất lượng, có giá trị về mặt khoa học, góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý khoa học với các đơn vị khoa học và các đơn vị chức năng trong triển khai nhiệm vụ; Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học theo hướng coi trọng chất lượng.
Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học thông qua tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phương án quy đổi giờ nghiên cứu và giờ giảng dạy để điều tiết giữa hai nhiệm vụ. Tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích xã hội hoá sản phẩm khoa học, công bố quốc tế và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; đóng góp hiệu quả vào việc phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.