Dự buổi làm việc có các đồng chí: PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện cùng toàn thể lãnh đạo, cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức Vụ Các trường chính trị.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Báo cáo tình hình hoạt động của Vụ Các trường chính trị từ tháng 9/2020 đến nay và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị khẳng định, công tác trường chính trị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời của Ban Bí thư Trung ương Đảng; của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện. Nhờ đó, thể chế công tác trường chính trị không ngừng được hoàn thiện, trong đó, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng toàn diện công tác trường chính trị.
Thực hiện tốt phương châm "chủ động trong tham mưu; chặt chẽ, kịp thời, linh hoạt trong phối hợp”, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Vụ Các trường chính trị với các đơn vị có liên quan đã có chuyển biến rõ nét, đem lại kết quả, tạo dấu ấn nổi bật trong công tác trường chính trị.
Trong công tác tham mưu ban hành Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn và việc triển khai thực hiện, Vụ đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của các ban Đảng Trung ương trong tham mưu xây dựng Quy định; triển khai hiệu quả Quy định 11 thông qua các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch triển khai, hướng dẫn quy trình công nhận.... Đến nay, 49/63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Đề án trường chính trị chuẩn.
Đại biểu dự hội nghị
Để việc triển khai Quy định 11 được hiệu quả, Vụ đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trangj 63 trường chính trị, từ đó có căn cứ phân loại các nhóm trường (nhóm trường tiệm cận chuẩn mức 1, nhóm trường còn nhiều khó khăn cần hỗ trợ, thúc đẩy) để tập trung hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các trường chính trị xây dựng và triển khai thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn. Đặc biệt, Vụ đã tham mưu lựa chọn các trường tiêu biểu theo khu vực để thúc đẩy đạt chuẩn mức 1 trong các năm 2022, 2023 nhằm tạo sự lan tỏa đến các trường trong khu vực và cả nước[1]. Đồng thời, tham mưu Giám đốc Học viện ban hành văn bản gửi các tỉnh ủy, thành ủy nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường trong triển khai thực hiện trường chính trị chuẩn.
Đối với công tác tham mưu xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng: Vụ đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh[2]. Một số chương trình mới lần đầu tiên Vụ được giao nhiệm vụ xây dựng như: Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ cấp xã; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã… Các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được Vụ chủ trì triển khai bài bản, khoa học, nghiêm túc, đồng bộ, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, cập nhật, thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu đa dạng hóa các chương trình, loại hình đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị trong bối cảnh mới.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện phát biểu tại hội nghị
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại hội nghị
Công tác tham mưu xây dựng thể chế được Vụ tập trung triển khai nhằm tạo thể chế đồng bộ, toàn diện cho các trường triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vụ đã chủ trì tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng gồm 5 quy chế và các quy định, quy chế có liên quan. Các quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn được tham mưu xây dựng công phu, bài bản, khoa học.
Tham mưu đổi mới công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị; gắn quản lý thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng với quản lý cấp phát phôi bằng. Lồng ghép các hoạt động kiểm tra của Vụ với hoạt động kiểm tra, thanh tra của các đơn vị chức năng thông qua thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường làm việc với các trường bằng hình thức trực tuyến, cầu truyền hình, qua đó góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của các trường, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những trường chưa thực hiện nghiêm quy chế, quy định.
Tiếp tục thực hiện đổi mới về nội dung chương trình và cách thức tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Nổi bật là tổ chức 7 lớp tập huấn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị và 1 lớp tập huấn chương trình Đối tượng 4 cho đội ngũ giảng viên. Trong triển khai tổ chức mở lớp, Vụ luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình, chất lượng giảng viên, báo cáo viên; thực hiện tốt việc đánh giá, lấy ý kiến phản hồi từ người học để có cơ sở rút kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, phục vụ, giảng dạy.
Trong công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học và xuất bản bản tin Thông tin công tác trường chính trị: Vụ đã phối hợp với Vụ Quản lý khoa học và các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ trường chính trị cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học (tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, đề tài khoa học, tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học). Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến rõ nét. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị trong các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành; tham mưu lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Hướng dẫn các trường phát triển tuyến bài, mở chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên bản tin, website. Hướng dẫn lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng vào trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, v.v..
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, nhận diện rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất một số phương hướng, giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham luận tại hội nghị
TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị báo cáo tại hội nghị
Hội nghị được nghe nhiều ý kiến trao đổi về công tác trường chính trị trong thời gian qua. Các ý kiến khẳng định rõ những thành tựu, kết quả đạt được; chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong triển khai nhiệm vụ của đơn vị trong bối cảnh mới, tập trung (i) về việc triển khai Quy định 11, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn, như: chỉ tiêu thăng hạng giảng viên chính, tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu khoa học… (ii) các vấn đề trong việc xây dựng chương trình, giáo trình… Từ đó đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Học viện trong thời kỳ mới.
Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của buổi làm việc, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao việc xây dựng báo cáo của Vụ. Báo cáo đã thể hiện một cách bao quát, cụ thể tất cả các lĩnh vực của Vụ, làm rõ các kết quả tích cực, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Biểu dương những kết quả đạt được của tập thể cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ Vụ Các trường chính trị trong thời gian qua, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện yêu cầu trong thời gian tới, Vụ cần nhận thức đúng, đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Vụ. Chủ động, tích cực hơn nữa trong nâng cao chất lượng công tác tham mưu, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh tham mưu thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kỷ cương, thực chất, đi vào chiều sâu. Tiếp tục tham mưu tổ chức các đoàn công tác của Ban Giám đốc Học viện làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy và các trường chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm các trường chính trị còn nhiều khó khăn.
Đối với công tác tham mưu xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; trọng tâm là Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương (đối tượng 4) - đây là nhiệm vụ lớn, do vậy, Vụ Các trường chính trị cần tập trung kiểm tra, giám sát, chỉ đạo khẩn trương, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng; hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm chương trình, giáo trình, các quy chế, quy định do Học viện ban hành; nhất là hướng dẫn các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị trong thời gian tới; đồng thời nghiên cứu, đánh giá việc 11 trường bộ ngành dừng đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị từ ngày 01/01/2024 theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02//2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị và khả năng đảm nhận nội dung này ở các trường chính trị tỉnh, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Thông qua các đề tài, dự án, hội thảo, tọa đàm khoa học trao đổi mô hình, kinh nghiệm, v.v… Vụ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu hướng dẫn các trường chính trị nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách phục vụ việc xây dựng văn kiện đại hội và các chương trình, chính sách phát triển địa phương, qua đó góp phần khẳng định vị thế, vai trò của các trường.
Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trên, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng lưu ý Vụ cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Học viện tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành. Trong phối hợp, Vụ cần phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, phân công, phân nhiệm rõ ràng, đúng vai, tránh sự trùng lặp, và phải xây dựng quy trình hóa trong công tác phối hợp.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự tận tâm, nỗ lực, đoàn kết của tập thể đơn vị, Vụ sẽ phát huy tốt những thành tích đạt được, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
-------------------
[1] Có 10 trường được lựa chọn thúc đẩy xây dựng đạt chuẩn trong năm 2022, 2023: khu vực phía Bắc có các trường chính trị Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các trường chính trị Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; khu vực Đông Nam Bộ có Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực Tây Nam Bộ có Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang.
[2] Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương (đối tượng 4); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cấp ủy cơ sở.