GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các Học viện khu vực. Dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, đồng chí Đậu Tuấn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình đào tạo sau đại học giai đoạn 2020-2023 và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2020-2023, Học viện đã xây dựng, mở thêm 01 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và 02 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, nâng tổng số ngành đào tạo trình độ tiến sĩ lên 16 ngành và 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (có 01 ngành đào tạo trình độ cử nhân). Việc xây dựng, phát triển mã ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học được thực hiện đúng quy định.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký hằng năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện luôn chủ động tổ chức tuyển sinh theo kế hoạch. Năm 2020, Học viện đã phối hợp với một số Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thí điểm tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ một số ngành đặc thù mang bản sắc trường Đảng. Có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa Học viện với một số trường chính trị tỉnh/thành rất hiệu quả, các Tỉnh ủy/Thành ủy đánh giá cao sự phối hợp trong đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện, qua đó góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Về công tác quản lý hoạt động đào tạo đại học, sau đại học (ĐH&SĐH), Học viện đã tổ chức đào tạo các trình độ giáo dục đại học theo đúng quy định, quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của Học viện. Các quy trình quản lý đào tạo ĐH&SĐH bao gồm: thi tuyển sinh/xét tuyển đầu vào; thực hiện kế hoạch giảng dạy - học tập; thi hết học phần; bảo vệ chuyên đề; phân công hướng dẫn luận văn/luận án; tổ chức bảo vệ luận văn/luận án cơ bản được tổ chức nghiêm túc, thống nhất trong toàn hệ thống.
Công tác quản lý hoạt động đào tạo ĐH&SĐH có sự phối hợp, đồng thuận hơn giữa đơn vị quản lý đào tạo với các đơn vị giảng dạy, đơn vị chức năng và các Học viện khu vực được ủy quyền thực hiện một số khâu của hoạt động đào tạo. Cán bộ, giảng viên tham gia hoạt động đào tạo ĐH&SĐH có ý thức, trách nhiệm cao trong thực hiện kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo.… Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo được Vụ Quản lý đào tạo chủ động tổ chức thực hiện theo kế hoạch giảng dạy - học tập các khóa đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo đúng quy chế đào tạo.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện tham luận tại Hội nghị
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện tham luận tại Hội nghị
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi, tham góp của các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đại học, sau đại học tại Học viện. Các ý kiến đều khẳng định thành tựu, những kết quả đạt được trong công tác đào tạo đại học và sau đại học giai đoạn 2020-2023.
Vượt qua những thách thức, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc ban hành một số văn bản bảo đảm hành lang pháp lý phục vụ cho công tác đào tạo trong điều kiện bất thường, Học viện đã xây dựng, ban hành mới nhiều văn bản thể chế, quy chế, quy định về công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác tuyển sinh, mở ngành và xây dựng kế hoạch đào tạo được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo quy định quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện. Chương trình đào tạo được xây dựng theo đúng quy định; chất lượng, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học; công tác tổ chức, quản lý đào tạo và phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện tốt, v.v...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế bất cập hiện nay trong công tác đào tạo đại học và sau đại học như: vướng mắc trong quy định, quy chế tuyển sinh; công tác truyền thông cho đào tạo còn hạn chế; một số đơn vị chưa chủ động, thiếu sự phối hợp trong việc xây dựng các đề án liên quan đến mở ngành đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện, v.v..
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đại học và sau đại học, các ý kiến tập trung vào công tác tuyển sinh; về cơ chế, chính sách, và vấn đề phối hợp giữa các đơn vị liên quan, về công tác truyền thông và tổ chức thực hiện chương trình, v.v..
Đại biểu tham luận tại Hội nghị
Đại biểu tham luận tại Hội nghị
Nhấn mạnh đặc thù của Học viện trong công tác đào tạo, phát biểu kết luận Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định: giai đoạn 2020-2023, các hoạt động đào tạo đại học và sau đại học tại Học viện nhìn chung được thực hiện tốt; có sự đổi mới rõ nét về nội dung, phương thức, chương trình.
Trong thời gian tới, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cần sớm xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện phù hợp với thực tiễn và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục tăng cường làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy để xác định nhu cầu đào tạo tại địa phương.
Đối với công tác tuyển sinh, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, sau khi có thông báo tuyển sinh, các viện chuyên ngành cần chủ động cụ thể hóa ngành, lĩnh vực đến người học, đồng thời cần tiến hành đánh giá nhu cầu người học thường xuyên, hằng năm. Đối với công tác quản lý đào tạo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy định chung; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo; tăng cường vai trò, trách nhiệm tư vấn, thẩm định chuyên môn, học thuật của hội đồng khoa học các cấp.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý một số điểm trong công tác tổ chức bảo vệ luận văn, luận án, trao bằng tốt nghiệp đảm bảo tính trang trọng, ý nghĩa, v.v..