Qua hành trình về với địa chỉ đỏ: Nhà tù Hỏa Lò và Di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội: Hoàng thành Thăng Long, đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các đơn vị chức năng được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, những câu chuyện lịch sử hào hùng của ngàn năm văn hiến qua các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh với tấm gương của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những câu chuyện, những bài học lịch sử của các thế hệ cha anh đi trước là những tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các đơn vị chức năng nói riêng, thế hệ trẻ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung tiếp tục nguyện học tập và cống hiến hết mình vì một khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dạy, để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước.
* Nhà tù Hỏa Lò: “Trường học yêu nước và cách mạng”
Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) ở địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội; do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp đặt vào vị trí quan trọng nhất trong mưu đồ trấn áp những người đối kháng chế độ thuộc địa. Vì vậy, chúng đã cho xây dựng nhà tù này với quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương. Bao quanh nhà tù là một bức tường xây kiên cố bằng đá cao 4m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai và chăng dây điện áp cao thế để ngăn cản tù nhân vượt ngục. Dưới chân tường phía trong là một vỉa hè rộng 3m dùng cho lính gác đi tuần tra xung quanh khu vực trại giam. Bốn góc có bốn tháp canh, có khả năng quan sát toàn bộ phía trong đường tuần tra và xung quanh phía ngoài nhà tù.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các đơn vị chức năng dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò xây dựng chưa hoàn thiện, nhưng từ năm 1899 đã phải đưa vào sử dụng ngay vì việc thực dân Pháp bắt hàng loạt người đấu tranh chống lại chúng. Những năm sau đó, nhà tù thường xuyên được cải tạo, sửa chữa, tăng thêm diện tích các phòng giam, tăng cường bố phòng, chống vượt ngục, nhất là khu xà lim cho “Bọc tôn hai lần các cửa, thay khoá bằng các xà bảo hiểm”. Thiết kế ban đầu, thực dân Pháp định nhốt 450 tù nhân, nhưng trên thực tế đã giam đến 2.000 người. Thậm chí trong kháng chiến, họ giành 1/4 nhà tù làm Trại tù binh số 1.
Nhà tù Hỏa Lò là nơi thực dân Pháp đã từng giam cầm hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam ở khắp các tỉnh thuộc xứ Bắc kỳ và nhượng địa Đà Nẵng. Ngoài ra, ở đây còn giam cả tù thường phạm và tù ngoại kiều. Với tính chất là nhà giam, nhà pháp lý, nhà trừng giới, nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp trang bị hết sức tối tân với các công cụ dùng cho các hình phạt nặng nề và hiểm độc nhất với tù nhân, đặc biệt các tù nhân là những chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Tại đây, nhà cầm quyền thực dân cho áp dụng một chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, đánh đập dã man, nhiều nhà cách mạng đã phải hy sinh, nhưng ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước không hề khuất phục. Họ đã biến nhà tù thành trường học, nơi giác ngộ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.
Đoàn viên, thanh niên nghe thuyết minh những câu chuyện liên quan đến chiếc máy chém được trưng bày trong nhà tù Hỏa Lò
Từ sau ngày hoà bình lập lại (10/10/1954), nhà tù được đổi tên là “Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội” và giao cho Ủy ban Quân quản Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố. Trong những năm 1964 đến năm 1973, nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ những phi công Mỹ. Năm 1993, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, Nhà nước Việt Nam quyết định: một phần của nhà tù Hỏa Lò được sử dụng để xây dựng “Tháp trung tâm” dùng làm khách sạn, văn phòng cho thuê; một phần tiếp giáp đường phố Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành Khu Lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò. Tại khu di tích này có đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, mô hình tái tạo hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, chiếc máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để hành quyết các chiến sĩ yêu nước, cách mạng và hệ thống trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý.
Nhà tù Hỏa Lò vừa là minh chứng về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, vừa là bản án tố cáo chế độ nhà tù man rợ của chế độ thực dân Pháp trong thời kỳ đô hộ ở Việt Nam.
Hoàng Thành Thăng Long: Di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1300 năm với những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long – Hà Nội và của dân tộc Việt Nam, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các đơn vị chức năng tại Hoàng thành Thăng Long
Khu di sản bao gồm Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long đã tạo thành một quần thể thống nhất, là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Toàn bộ khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành-nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của kinh đô Thăng Long. Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng những di tích và dấu tích còn nằm sâu trong lòng đất vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Những giá trị đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nổi bật toàn cầu. Bởi nơi đây đã diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hoá của phương Đông và thế giới; là trung tâm chính trị, văn hoá, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài từ đầu thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, đồng thời liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng, các giá trị biểu đạt văn hoá, nghệ thuật của quá trình hình thành, phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ.
Hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn, phong phú các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là di sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và trở thành tài sản chung của nhân loại. Chính vì vậy, ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới.
Đặc biệt, trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long có Di tích lịch sử – cách mạng Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trường Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 9 năm 1968. Nhà D67 là một thành tố cơ bản của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong di tích Nhà D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Cùng với nhà D67 là Hầm D67 (hầm Quân ủy Trung ương) cũng được xây dựng năm 1967. Hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Hầm có ba tầng cầu thang lên xuống. Cầu thang phía nam thông với Nhà con rồng, hai cầu thang phía Bắc thông với nhà D67. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi cần thiết và là phần quan trọng trong kết cấu nhà D67.
Nhà D67 là một công trình kiến trúc quân sự giản dị nhưng giá trị sử dụng rất cao. Trong 7 năm, ngôi nhà bảo đảm an toàn cho Bộ Thống soái tối cao làm việc, hoạch định chủ trương, chỉ đạo tôt chức thực hiện thắng lợi giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà D67 một trong các di tích văn hóa quân sự quý giá thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỉ 20.