Ngày 25/10 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức Hội thảo khoa học: “Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số - Từ tầm nhìn đến thực tiễn”.
|
|
GS.TS .Nguyễn Xuân Thắng cùng đại biểu, các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm |
Tham dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Trưởng khoa (Giám đốc điều hành) Trường Kinh doanh EMLV và Giám đốc Phát triển quốc tế, De Vinci Higher Education, Pháp, Chủ tịch AVSE toàn cầu.
Hội thảo quốc tế hướng tới các mục tiêu: Tạo ra một diễn đàn để thu hút, quy tụ các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước, trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, AVSE toàn cầu, triển khai nghiên cứu và chia sẻ tri thức về: lý luận, cơ sở học thuật và thực tiễn về đổi mới sáng tạo: vai trò, động lực, các thuận lợi và khó khăn trong đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số; xây dựng một số khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực công; tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; huy động vai trò của các tổ chức ngoài nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách tạo động lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số nhằm phát triển bền vững; phát triển hệ thống thông tin tham khảo nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo, quản lý các cấp; phát triển năng lực nghiên cứu, quản trị dự án nghiên cứu, giảng dạy cho đội ngũ cho cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công nói riêng, hướng tới đạt chuẩn quốc tế về nghiên cứu và đào tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà hạt nhân là quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới mà chúng ta đang sống theo cách chưa từng có tiền lệ.
|
|
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo |
Công nghệ số đang làm thay đổi cách chúng ta tương tác, sinh hoạt, lao động và sản xuất, kinh doanh với mức độ vượt xa khỏi hình dung của ngay cả những người đã góp phần phát minh ra nó. Sự bùng nổ của các ngành kinh tế số, các hình thức kinh tế chia sẻ, kinh tế không tiếp xúc, số hoá ngành dịch vụ…, đang tác động sâu sắc đến việc làm, thu nhập, kỹ năng và tạo ra diện mạo mới cho sự phân bổ không gian phát triển, nguồn lực và cách thức quản trị đời sống xã hội. Chuyển đổi số cũng góp phần mang đến một xã hội dân chủ và bình đẳng hơn; giúp đẩy nhanh xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và nền hành chính công hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đề cập tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh chuyển đổi số.
"Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nhờ đó, trong những năm qua đã mang lại kết quả nổi bật. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tương đối cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 6%). Tuy đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 mới ở mức khiêm tốn vào khoảng 45,7%, nhưng Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất trong các nước thành viên Tổ chức Năng suất Châu Á. Kết quả năm 2023 vừa được công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo tập trung đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học về đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam; thảo luận, kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ khoa học và công nghệ; để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
|
|
Các nhà khoa học tham luận tại Hội thảo |
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã được nghe các bài phát biểu, tham luận và ý kiến cùa các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý trong và ngoài nước về những nội dung: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số; nhận diện nhu cầu về phát triển lý luận, các lý thuyết luận giải và khái quát thực tiễn về đổi mới sáng tạo; năng lực dự báo và các giải pháp chính sách đột phá để duy trì động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số; về tính nhất quán và năng động trong tổ chức thực tiễn cho phù hợp với hiện trạng và tiềm năng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; năng lực hợp tác giữa các tổ chức trong nước và quốc tế; các cơ quan nghiên cứu lý luận với các cơ quan lãnh đạo, điều hành thực tiễn và doanh nghiệp.
Chính sách, pháp luật hiện hành về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số; quản lý khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, chuyển đổi số, như sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023); bổ sung các quy phạm phạm luật thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp; đề xuất phát triển bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; đánh giá quá trình và kết quả thực thi chính sách, pháp luật; …
Các đại biểu đề xuất hệ thống các giải pháp để phát huy vai trò động lực của đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Những giải pháp tập trung vào những vấn đề có tính chiến lược, hoạch định chính sách; thay đổi nhận thức, phát triển mô hình thực tiễn; phát huy vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với tư cách là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng về khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo cho đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp trong và ngoài hệ thống chính trị - trong thúc đẩy đổi mới tư duy và phản ứng chính sách về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn quốc tế như Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE toàn cầu); các hình thức phối hợp học thuật.../.