Sign In

Đoàn cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị quốc tế Minsk lần thứ hai về an ninh Á – Âu

14:21 11/11/2024
Hội nghị quốc tế lần thứ hai về an ninh Á - Âu được tổ chức tại thành phố Minsk - Thủ đô Cộng hòa Belarus từ ngày 31-10 đến ngày 01-11-2024. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Belarus từ năm 2023.

    Tham gia Hội nghị năm nay có khoảng 600 đại biểu là các chính khách, các chuyên gia nghiên cứu đến từ 45 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đến từ Việt Nam, có Đoàn cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do PGS,TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn; cán bộ Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao của Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Belarus tham dự Hội nghị.

    Ngoài phiên toàn thể sáng ngày 31-10-2024 với chủ đề: Sự thay đổi mô hình của trật tự thế giới: từ đơn trung tâm sang đa cực, Hội nghị quốc tế Minsk lần thứ hai về an ninh Á - Âu còn diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên sâu về các chủ đề khác nhau: Sự liên quan lâu dài của “an ninh cứng”: các yếu tố quân sự mới, xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh ở Âu - Á (phiên thứ nhất); An ninh kinh tế trong thế giới hiện đại(phiên thứ hai); Hiến chương Á - Âu về Đa dạng và Đa cực trong thế kỷ XXI (phiên thứ ba).z6020872296427_2406896fb729e39394ecaf889d0999d3.jpg&w=1200&mode=noneĐại biểu dự phiên toàn thể

    z6020872300953_6e69647c43ce4ab8577dbecf653e6600.jpg&w=1200&mode=none

    Đoàn cán bộ Học viện tham dự Hội nghị

    Trong phiên toàn thể sáng 31-10-2024, Hội nghị được nghe bài phát biểu quan trọng của Tổng thống nước chủ nhà Alexander Lukashenko; cùng với đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại quốc tế Hungary, Phó Thủ tướng Cộng hòa Serbia, Bộ trưởng Bộ văn phòng Chính phủ Liên bang Myanmar, đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Người nước ngoài của Cộng hòa Ả Rập Syria, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổng Thư ký Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Thứ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính trị và quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Iran…

    z6020872310368_2f27d6d167f66132060a559573923666.jpg&w=1200&mode=none

    Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu tại phiên toàn thể

    Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thông tin nhiều về cuộc khủng hoảng của mô hình an ninh hiện tại. Ông cho rằng, cần chấm dứt việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời tạo ra một cơ chế bảo đảm pháp lý quốc tế hiệu quả để chống lại các biện pháp trừng phạt như vậy.

    Nhà lãnh đạo Belarus đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng một cơ chế pháp lý mới, để kiểm soát và bảo đảm minh bạch trong việc sử dụng các công nghệ mới có thể đe dọa nhân loại mà không cần đến vũ khí hạt nhân như trí tuệ nhân tạo, laser, siêu âm, hệ thống lượng tử, điện từ và các hệ thống khác.

    Cùng với việc hoan nghênh sáng kiến của Belarus, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga S.V. Lavrov khẳng định: Việc hình thành trật tự thế giới đa cực đã trở thành xu hướng lớn trong nhiều năm qua… Xu hướng này góp phần dân chủ hóa quan hệ quốc tế, trong đó không có quyền bá chủ của bất kỳ ai và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc phải được tôn trọng một cách đầy đủ. Nguyên tắc cơ bản của Hiến chương là sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Đây chính là cơ sở pháp lý của chủ nghĩa đa cực.

    z6020872315179_77bcfd0731ab89f2e3e25fd84bbfae68.jpg&w=1200&mode=none

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga S.V. Lavrov phát biểu tại Hội nghị

    Ông S.V. Lavrov cho rằng, trong khi thảo luận về cấu trúc an ninh Á - Âu cần phải tính đến thực tế địa chính trị và pháp lý quốc tế mới, để đưa ra các ý tưởng không dựa trên sự thống trị của kẻ mạnh mà dựa trên sự bình đẳng và cân bằng công bằng về lợi ích. Hơn nữa, ngoài những nỗ lực song phương nhằm tăng cường an ninh, một vai trò đặc biệt trong không gian Á - Âu được đóng góp bởi các hiệp hội đa phương như SCO, ASEAN, CSTO, CIS, CICA.

    Những tuyên bố tương tự như những gì mà ông Lukashenko và ông Lavrov nói cũng được đưa ra trong bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hungary và Syria, cũng như đại diện của các quốc gia và tổ chức khác. 

    z6020872319713_e556e172933f82b73026191c8624bfc2.jpg&w=1200&mode=none

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Hungary, Peter Szijjártó phát biểu tại Hội nghị

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Hungary, Peter Szijjártó, cho rằng, việc thiếu đối thoại ở EU đã dẫn đến thực tế là không gian này trở nên kém an toàn và cạnh tranh hơn nhiều. Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không quay trở lại nguyên tắc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau thì châu Âu sẽ trở thành một nơi nguy hiểm hơn và sẽ mất đi tiềm năng tăng trưởng trong tương lai”; “Nếu không hợp tác Á - Âu, chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều”.

    Bassam Sabbagh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Syria nói đến sự cần thiết phải tạo ra các cấu trúc “dựa trên sự tương tác và đoàn kết tập thể để có thể vượt qua những thách thức của thế giới ngày nay”, bao gồm cả việc chống lại các nỗ lực nhằm gây bất ổn tình hình và can thiệp vào công việc nội bộ. Đồng thời, ông nhấn mạnh: Á - Âu không chỉ là thuật ngữ địa lý, chính trị mà còn là không gian có thể phát triển hệ thống trật tự thế giới mới.

    z6020872330585_d659d627962db7f987a0738595a03890.jpg&w=1200&mode=none

    Các chuyên gia tham gia thảo luận chuyên sâu tại Phiên thứ hai

    Đoàn cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội nghị. Tại phiên thảo luận chuyên sâu thứ hai với chủ đề: An ninh kinh tế trong thế giới hiện đại, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện đã có bài phát biểu, trao đổi về nội dung: Di cư quốc tế - tác động tới an ninh kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

    Trong phát biểu của mình, từ việc lý giải khái niệm, nguyên nhân, lịch sử di cư quốc tế, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm nêu những tác động tích cực và tiêu cực của di cư quốc tế tới an ninh kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, tác động tích cực, di cư quốc tế hợp pháp có thể được nhìn nhận như một cách thức dịch chuyển lao động giữa các quốc gia, qua đó góp phần phân công lao động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động cho sản xuất, phát triển kinh tế không chỉ cho quốc gia nhập cư mà trên cả bình diện quốc tế.

    z6020872337631_1b1b90cbecec3e15ee0b2c0c66f47945.jpg&w=1200&mode=none

    PGS,TS Hoàng Phúc Lâm tham gia thảo luận chuyên sâu ở Phiên thứ hai

    Tuy nhiên, di cư quốc tế, nhất là di cư bất hợp pháp có tác động tiêu cực đối với an ninh kinh tế, đó là có thể tạo nên bất ổn xã hội và thiệt hại kinh tế (đắm tàu, xuồng… hoặc mắc kẹt dài ngày trong tình trạng tồi tệ ở các khu vực biên giới); gây chia rẽ và xung đột trong từng quốc gia và giữa các quốc gia, nhất là về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo…; gây nên tình trạng bất bình đẳng xã hội và rất khó phát triển bền vững…

    PGS,TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh, di cư quốc tế là vấn đề toàn cầu, vì vậy để giải quyết vấn đề này phải có sự phối hợp mang tính toàn cầu, dựa trên những nguyên tắc và luật lệ chung (Liên hợp quốc) và phải phù hợp với bối cảnh hiện nay. Hội nghị đối thoại Á -Âu hiện nay là một Diễn đàn hữu hiệu về giải pháp cho việc giải quyết vấn đề này.

    Tổng kết Hội nghị quốc tế Minsk lần thứ hai về an ninh Á - Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maxim Ryzhenkov khẳng định: hầu hết quan điểm của các đại biểu đến Thủ đô Belarus lần này đều cho rằng, diễn đàn đối thoại là giải pháp rất quan trọng góp phần để thế giới sẽ trở nên an toàn và bình yên hơn.

    Đồng thời, ông nói: Chúng ta có thể hy vọng rằng tất cả những lời đã nói trong diễn đàn Minsk sẽ được phương Tây lắng nghe và cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng thế giới đơn cực đang trở thành quá khứ, có nghĩa là đã đến lúc họ phải thay đổi quan điểm của mình, vì nếu không thì mọi thứ có thể kết thúc trong một thảm họa toàn cầu.    

     

     

    Đoàn Công tác

    Tag:

    File đính kèm