Chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo là hình thức được hội viên CCB lựa chọn để phát triển kinh tế.
Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, có trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ tại các xã, thị trấn trong huyện. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2011, huyện Lâm Bình có 917,55km2 diện tích tự nhiên, địa hình huyện bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao mà chủ yếu là núi đá vôi và khe sâu; độ che phủ rừng chiếm trên 75%. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của huyện phù hợp với chăn nuôi đại gia súc và có các loại cây trồng như chè, lạc, lúa, ngô, khoai, sắn...; một số cây lâm nghiệp như quế, keo, bạch đàn và một số loại nông sản phụ khác. Ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, huyện Lâm Bình còn có điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lòng hồ...
Giai đoạn 2021-2025, huyện Lâm Bình đặt ra nhiều mục tiêu làm động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là cơ sở để Hội CCB tỉnh xác định trách nhiệm tham gia phát triển KTXH của địa phương.
Được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về chủ trương phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong huyện, Hội CCB huyện Lâm Bình luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả khá tốt, đã xóa cơ bản hộ nghèo và nhà ở tạm bợ. Hiện nay, toàn huyện có trên 1.270 hội viên CCB, tham gia sinh hoạt ở 8 cơ sở Hội với 70 chi hội. Triển khai phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội CCB huyện Lâm Bình thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời khảo sát, nắm chắc tình hình đời sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp; phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Ngoài ra, các cấp Hội vận động, khuyến khích CCB đứng ra thành lập các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xây dựng trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ. Để tạo nguồn vốn, Hội nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ hàng nghìn hộ hội viên vay vốn; vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình cho biết: Bên cạnh các nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hành CSXH huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động công tác huy động tiết kiệm từ tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để tham gia thực hiện.
Trên cơ sở nội dung ủy thác, Hội CCB xã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương phổ biến kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hội viên nghèo; hướng dẫn và giám sát bình xét công khai các hộ thuộc đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” của Hội CCB huyện Lâm Bình đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hội CCB huyện ngày càng khẳng định vai trò là tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt trên trận tuyến mới. Tiếp nối và phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; dù ở thời kỳ nào, các CCB luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, tiếp tục góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoàng Thanh