Sign In

Khái quát đổi mới nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

17:06 30/05/2024

 

                      

 

Lý luận của Đảng về đường lối đổi mới được hình thành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong suốt quá trình đổi mới. Lý luận đó được hình thành trên nền tảng của tổng kết thực tiễn và đổi mới tư duy - đổi mới nhận thức về mục tiêu và con đường phát triển đất nước trải qua các chặng đường lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Xét trên bình diện khái quát cao nhất, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng được thể hiện cô đọng, mang tính nền tảng cốt lõi là ở đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta qua 40 năm Đổi mới.

 

1. Khái quát nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trước Đổi mới (trước Đại hội VI - 1986)

 

Trong thời kỳ trước Đổi mới, nằm trong bối cảnh chung của “phe” XHCN và bối cảnh quốc tế, cũng như điều kiện cụ thể của đất nước, nhận thức lý luận chung của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH về cơ bản giống như của các nước XHCN khác; những mục tiêu xây dựng CNXH, phương thức và “con đường” xây dựng CNXH trở thành những nguyên tắc chung cho tất cả phe XHCN, “dường như” không có gì phải bàn, chỉ có khác nhau ở các bước đi cụ thể trong mỗi nước. Chủ nghĩa xã hội được nhận thức là xã hội không còn chế độ bóc lột người (xóa bỏ giai cấp bóc lột); trên nền tảng thiết lập chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể chiếm tỷ trọng tuyệt đối gắn với hai thành phần kinh tế chủ đạo là quốc doanh và tập thể; với cơ chế vận hành là kế hoạch hóa tập trung hành chính bao cấp (kỳ thị và đối lập với sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường - coi đó là đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản).

 

Đảng ta, mặc dù đã có lúc nhấn mạnh: Đặc điểm to nhất của nước ta là đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, nửa phong kiến…; nhưng vẫn xác định: “cách mạng nước ta có thể bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa (theo những quan điểm, mục tiêu, giải pháp chung của phe xã hội chủ nghĩa xã hội khi đó). Điều này không chỉ được “áp dụng” để xây dựng CNXH ở miền Bắc trước năm 1975, mà còn được “áp dụng” để đưa cả nước tiến lên CNXH sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975).Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) đã quyết định đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đề ra đường lối cách mạng toàn diện cho thời kỳ lịch sử này, xác định “trong vòng ba, bốn kế hoạch 5 năm là hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

 

Nhưng bắt đầu từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, phe XHCN rơi vào suy thoái, khủng hoảng, rồi đi đến đổ vỡ năm 1991 (Liên Xô và các nước Đông Âu), các nước XHCN còn lại đứng trước thách thức to lớn phải đổi mới, cải cách, mà trước hết là đổi mới nhận thức về mô hình, mục tiêu và “con đường phát triển”. Ở Việt Nam, cùng với những tác động to lớn của bối cảnh quốc tế khi đó, còn phải chịu tác động nghiêm trọng của các cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài nhiều năm, đất nước bị tàn phá, lại bị bao vây cấm vận hàng chục năm. Nhưng về mặt chủ quan, nhìn tổng thể, nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những khuyết điểm và hạn chế nghiêm trọng trên nhiều mặt, nhất là về đường lối, chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý kinh tế. Bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật khách quan, quan liêu, không phù hợp với thực tiễn đất nước…; như trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ “trong mười năm qua, đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước từ năm 1979; và cũng là những nguyên nhân khách quan, chủ quan đưa đến đường lối Đổi mới toàn diện đất nước của Đảng năm 1986.

 

Tính bức thiết và tầm quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước, được nêu khái quát ở Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội VI của Đảng với khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết”. Đồng thời, Đại hội VI của Đảng xác định khâu đột phá đầu tiên là “phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, để “đẩy mạnh đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế”.

 

2. Bước chuyển (đổi mới) căn bản nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

 

2.1.Đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội

 

Với phương pháp luận rất cách mạng và biện chứng “phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng (1986), đã đưa đến những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Dù vẫn nhất quán với nhận thức về mục tiêu bao trùm: “Chủ nghĩa xã hội là sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bất công, tạo dựng một xã hội thật sự dân chủ, tự do vì hạnh phúc của nhân dân, của con người”, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”; “nhân dân được tự do, ấm no, sung sướng, hạnh phúc, có nhà ở, được học hành, ốm đau được chữa bệnh, già yếu được chăm sóc” (Hồ Chí Minh); nhưng nhận thức về những nội dung cơ bản và phương thức thực hiện đã có đổi mới mang tính bản chất, được thể hiện ở những “bước chuyển” rất quan trọng, có thể khái quát như sau:

  1. -Về thể chế chính trị: chuyển từ thể chế chuyên chính vô sản sang thể chế dân chủ pháp quyền;
  2. -Về hệ thống chính trị: chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản (với chức năng trọng yếu là thực hiện chuyên chính của gia cấp vô sản) sang hệ thống chính trị với chức năng trọng yếu là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa;
  3. - Về sự lãnh đạo của Đảng: chuyển từ Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản, sang Đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị của hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội;
  4. - Về Nhà nước: chuyển từ xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, sang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;
  5. - Về thể chế kinh tế : chuyển từ thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu hành chính bao cấp, phi thị trường (không dung hợp với kinh tế thị trường, cơ chế thị trường), sang phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; coi đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
  6. - Về thể chế xã hội: chuyển từ chủ nghĩa tập thể - làm chủ tập thể, sang đề cao quyền con người, quyền công dân, quyền tự do dân chủ, gắn liền với phát huy đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, sức mạnh cộng đồng.
  7. - Về quan hệ quốc tế: chuyển từ cách tiếp cận “hai phe - 4 mâu thuẫn”, đối đầu về tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao (trước đây, khi còn phe chủ nghĩa xã hội và phe tư chủ nghĩa), sang “gắn” với dòng chảy phát triển chung của nhân loại, hội nhập quốc tế, “sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, cùng hợp tác - đấu tranh xây dựng các giá trị tốt đẹp chung của nhân loại, thực hiện phương châm “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng được thể hiện khái quát nhất trong Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh 2011 của Đảng. Trong đó, nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa, với tính cách là mục tiêu phát triển của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đảng ta nêu khái quát trong Cương lĩnh 1991, đó là một xã hội:

  1. - Do nhân dân lao động làm chủ.
  2. - Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
  3. - Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  4. - Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
  5. - Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
  6. - Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Sau đó, qua 10 năm Đổi mới, từ nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn, năm 2011 Đảng ta đã sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991 (gọi tắt là Cương lĩnh 2011), trong đó nêu rõ hơn, nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đó là một xã hội:

  1. - Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
  2. - Do nhân dân làm chủ;
  3. - Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;
  4. - Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
  5. - Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;
  6. - Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển;
  7. - Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo;
  8. - Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Những nội dung mới trong nhận thức về “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng” được nêu trong Cương lĩnh 2011, so với Cương lĩnh 1991 là:

 

- Bổ sung và đưa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” lên đầu tiên, vừa thể hiện mục tiêu bao trùm, cao nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời những mục tiêu đó cũng chứa đựng những giá trị phát triển chung của nhân loại.

 

- Việc khẳng định “Do nhân dân làm chủ” (không nêu nhân dân lao động làm chủ như trong Cương lĩnh 1991), thể hiện rõ hơn tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân dân, về “Dân là chủ và Dân làm chủ” quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

- Việc xác định xây dựng “một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, mà không đề cập xây dựng ngay “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (như trong Cương lĩnh 1991), là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn trong cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

- Bổ sung nội dung “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, thể hiện vai trò quan trọng trung tâm của việc xây dựng nhà nước pháp quyền và vai trò lãnh đạo chính trị tiên phong của Đảng đối với nhà nước và xã hội trong quá trình phát triển theo định hướng XHCN.

 

Cương lĩnh 2011 của Đảng cũng đã xác định mục tiêu “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; điều này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021): Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

Tám nội dung lớn nêu trong Cương lĩnh 2011 của Đảng thể hiện nhận thức khái quát về “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng” vẫn được giữ nguyên cho đến nay (mặc dù một số nội dung cụ thể được bố sung, làm rõ hơn trong Văn kiện các Đại hội XII, XIII và các Nghị quyết của Trung ương).

 

2.2. Đổi mới nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

 

Cùng với đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội, nhận thức về “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” cũng được đổi mới. Nhận thức về “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội được hàm ý là nhận thức về phương thức và bước đi thực hiện quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mặc dù nhận thức chung phải được nhất quán là: “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh), rằng, do đó "chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần", "tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều", rằng “phải qua các bước trung gian, quá độ”. Tuy nhiên, trong thực tiễn trước đổi mới, nhận thức về phương thức và bước đi thực hiện quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta lại thiên về nhận thức và thực hiện quá trình “quá độ trực tiếp”, “thuần khiết”; có nghĩa là đi vào xây dựng các giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa thuần khiết, theo chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, không qua các bước trung gian, quá độ. Trong quá trình đổi mới, Đảng đã từng bước đổi mới nhận thức về “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau:

 

(i) - Nhận thức ngày càng rõ hơn những vấn đề cơ bản của thời kỳ quá độ lâu dài lên chủ nghĩa xã hội; rằng không thể trực tiếp xây dựng ngay các giá trị thuần khiết xã hội chủ nghĩa (trên cơ sở của chính nó, như Mác đã nói). Do đó, việc xác định đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với nước ta, vì điều đó phù hợp với bản chất và quá trình phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (để không rơi vào duy ý chí, giáo điều).

 

(ii) - Chuyển từ xây dựng chế độ sở hữu “thuần khiết” XHCN (gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể), sang chế độ đa sở hữu.

 

(iii) - Chuyển từ xây dựng nền kinh tế XHCN với hai lực lượng chủ đạo là quốc doanh và tập thể, sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đa thành phần (với vai trò ngày càng tăng của lực lượng kinh tế tư nhân).

 

(iv) - Chuyển từ chế độ phân phối chủ yếu theo lao động (trong hệ thống quốc doanh và tập thể), sang chế độ phân phối đa dạng (phân phối theo lao động, phân phối theo nguồn vốn đầu tư và kết quả sản xuất kinh doanh, theo hệ thống an sinh xã hội - phúc lợi xã hội…).

 

(v) - Nhận thức rõ hơn yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới, nhất là với các nước phát triển; rằng Việt Nam có thể và cần thiết phải tiếp thu sáng tạo những giá trị phát triển của nhân loại, nhất là của những nước tiên tiến, về phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, về xã hội hóa nền sản xuất, về phát triển khoa học - công nghệ, về phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển con người, về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội…

 

(vi) - Nhận thức rõ hơn về xây dựng thể chế phát triển đất nước tổng hợp, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái và hội nhập quốc tế, để đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững (Văn kiện Đại hội XIII).

 

(vi) - Xác định việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” đóng vai trò nòng cốt trong phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó Đảng thực hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, Nhà nước pháp quyền thực hiện vai trò quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, còn Nhân dân (tất cả các chủ thể trong xã hội) thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể trong tất cả các lĩnh vực.

 

Đồng thời, Cương lĩnh 2011 đã nhấn mạnh đây “là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”; “Để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải cải biến căn bản tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển, chiến thắng những lực lượng cản trở việc thực hiện mục tiêu đó, trước hết là các thế lực thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

 

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước, trên cơ sở bổ sung, phát triển và khái quát cao hơn 7 phương hướng cơ bản nêu trong Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 nêu rõ cần quán triệt và thực hiện tốt 8 phương hướng cơ bản phát triển đất nước sau đây:

 

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

 

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

 

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

 

Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

 

Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.

 

Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Từ Cương lĩnh 2011, Đảng đã nêu trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản về xây dựng và bảo vệ đất nước phát triển theo định hướng XHCN, cần phải chú trọng giải quyết các mối quan hệ lớn. Trong Cương lĩnh 2011 của Đảng nêu 8 mối quan hệ lớn; đến Đại hội XII, XIII của Đảng đã bổ sung và phát triển thành 10 mối quan hệ lớn, đó là :

 

i). - Giữa ổn định, đổi mới và phát triển;

ii) - Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;

iii) -  Giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa;

iv) - Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;

v) -  Giữa nhà nước, thị trường và xã hội;

vi) - Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;

vii) -  Giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

viii) - Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế;

ix) - Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; 

x) -  Giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

 

Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”.

 

Từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã từng bước làm rõ hơn nội hàm cụ thể của 8 nội dung nhận thức về “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng”, nội hàm của 8 phương hướng và nội hàm của 10 mối quan hệ lớn cần phải chú trọng giải quyết trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Trong quá trình Đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của phát triển bền vững đất nước - coi đây là một giá trị cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng. Sự phát triển bền vững được nhận thức là sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái. Sự phát triển bền vững luôn luôn được xem xét trong quan hệ biện chứng giữa “Đổi mới - ổn định - phát triển”; trong mối quan hệ này, “đổi mới” được xác định là động lực, là phương thức, “ổn định” được xác định là điều kiện, còn “phát triển” là mục tiêu; phải lấy mục tiêu phát triển làm cơ sở để định hướng tiếp tục đổi mới và ổn định. Phát triển bền vững đòi hỏi phải giải quyết đúng mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển trong mỗi giai đoạn. Cương lĩnh 2011 Đảng xác định giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới - ổn đinh - phát triển là một nội dung quan trọng trong suốt thời kỳ quá độ. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến xây dựng và thực hiện thể chế phát triển đất nước.

 

Khi bước vào công cuộc đổi mới (1986), Đảng ta chưa đưa ra khái niệm “thể chế phát triển”; nhưng, Đảng đã xác định phải đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị; kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị và thực hiện các chính sách xã hội; đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp. Do điều kiện lịch sử và trình độ phát triển cụ thể, trong từng giai đoạn cho đến trước Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước mới chính thức xác định và tập trung cao về xây dựng và hoàn thiện “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Từ tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới và phát triển đất nước, gắn với nghiên cứu lý luận, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ tư nhấn mạnh phải “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội…, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế…”; phải đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển, đưa công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ lên một tầm cao mới, phát triển nhanh và bền vững, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Và Đại hội XIII chính thức xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...”.

 

Đột phá về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển đất nước đồng bộ theo chiều sâu trên nền tảng của khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có tầm quan trọng trực tiếp tạo nên động lực đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững. Đây là sự thể hiện cô đọng yêu cầu việc thực hiện mối quan hệ giữa đổi mới - ổn đinh - phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, thể chế phát triển nhanh - bền vững là một tổng thể hữu cơ các thể chế phát triển thành phần, gồm: thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội, thể chế môi trường sinh thái, trong đó, thể chế chính trị giữ vai trò quyết định về định hướng phát triển của tất cả các thể chế thành phần. Việc xây dựng các thể thể phát triển thành phần trong tổng thể đồng bộ, hữu cơ với nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

 

Theo đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng[1], hiện nay chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới với những nội dung lớn sau: “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững với các khâu đột phá là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Về xã hội, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho nhân dân”; “quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.

 

Đồng thời, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”; “Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Trong thế giới toàn cầu hoá như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.

 

Việc từng bước đổi mới căn bản nhận thức về chủ nghĩa xã hội (thể hiện ở các đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng), xác định phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với đổi mới nhận thức về phương thức và bước đi trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; được thể hiện ở yêu cầu thực hiện đồng bộ 8 phương hướng cơ bản phát triển đất nước và giải quyết các mối quan hệ lớn (10 mối quan hệ), xây dựng đồng bộ thể chế phát triển nhanh -  bền vững đất nước, thể hiện khái quát - tổng quát quá trình phát triển các nội dung cơ bản đường lối đổi mới của Đảng.

 

3. Những vấn đề đặt ra về nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

 

Trên bình diện khái quát nhất, nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từng bước được đổi mới, bổ sung và làm sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần được làm rõ hơn cả về cơ sở lý luận và thực tiễn, đó là:

 

i) - Mục tiêu bao trùm về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có thể nói đây là mục tiêu lý tưởng vừa mang tính nhân loại vừa mang giá trị dân tộc trong cả thời kỳ quá độ lên CNXH của nước ta. Nhưng, trong mỗi chặng đường của thời kỳ quá độ, các nội dung của mục tiêu tổng quát đó cần phải được cụ thể hoá trên tất cả các phương diện, lĩnh vực cho phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước. Vì, như Văn kiện của Đại hội XI đã nêu rõ việc thực hiện các mục tiêu này là “một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển”; để tránh rơi vào chủ quan, giáo điều, duy ý chí.

 

ii) - Sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phải đặt trong (gắn với) dòng chảy phát triển của nhân loại; nhưng không phải là “thụ động” xuôi theo dòng chảy đó, mà phải chủ động kiến tạo và phát triển các giá trị đặc trưng của Việt Nam để hội nhập có hiệu quả cao trong dòng chảy đó; thực hiện có hiệu quả phương châm “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”, “nội lực quyết định, ngoại lực quan trọng”.

 

Hội nhập quốc tế hiện nay thực chất là hội nhập về các giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người, an ninh, môi trường sinh thái (giữa giá trị của từng quốc gia - dân tộc và giá trị chung của nhân loại); đây là cuộc hợp tác và đấu tranh trên toàn cầu, để một mặt tôn trọng và bảo vệ các giá trị và lợi ích chính đáng của từng nước, đồng thời cùng xây dựng, phát triển và bảo vệ các giá trị tốt đẹp chung của nhân loại. Vì vậy, cần làm rõ hơn mối quan hệ về phát triển theo định hướng XHCN của Việt Nam với hội nhập với những giá trị chung của nhân loại.

 

iii) - Cần tiếp tục luận giải rõ hơn cơ sở lý luận - thực tiễn về “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước với trình độ phát triển còn thấp, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (một sáng tạo lý luận - thực tiễn quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam); cần làm rõ hơn cơ sở lý luận - thực tiễn của những giá trị, hình thức, các bước “trung gian, quá độ” trong quá trình phát triển, làm cơ sở cho xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển phù hợp trong tất cả các lĩnh vực.

 

iv) - Cần làm rõ hơn tính đồng bộ về trình độ, bản chất và tính chất phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa giữa kiến trúc thượng tầng với phát triển cơ sở hạ tầng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trong đó làm rõ tính phù hợp, đồng bộ biện chứng, giữa xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” với phát triển “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

 

v) - Đẩy mạnh nghiên cứu luận chứng cơ sở lý luận - thực tiễn, “Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển”, “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, 2021). Điều này được đặt ra từ yêu cầu phát triển “rút ngắn”, “nhanh - bền vững” đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi rất cao vai trò chủ quan lãnh đạo chính trị tiền phong - sáng tạo của Đảng, vai trò quản lý - quản trị kiến tạo phát triển của Nhà nước pháp quyền, vai trò làm chủ năng động - sáng tạo của tất cả các chủ thể trong xã hội. Xây dựng đồng bộ, phù hợp thể chế phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., sẽ tạo được động lực tổng hợp mới cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

 

vi) - Cần tiếp tục luận giải rõ hơn cơ sở lý luận - thực tiễn về luận điểm “kiên định con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo lôgích khách quan thì cách tiếp cận “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội phải gắn bó biện chứng với cách tiếp cận mục tiêu phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (được xác định một cách khách quan); “con đường” đi tới các mục tiêu đó cũng phải mang tính khách quan, không thể được xác định một cách duy ý chí. Khi nói về một “con đường” (theo nghĩa đen) thì nó chỉ có khi đã được khai phá - hình thành bởi những người đi trước, để lại cho những người đi sau tiếp bước (và phát triển). Còn theo nghĩa bóng của “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội, thì về lý thuyết có thể cho là đã có những nét phác thảo sơ bộ về “con đường” đó, nhưng về mặt hiện thực thì cho đến nay chưa có con đường đó, chưa có nước nào đã qua con đường đó. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang là một trong số ít nước đi tiên phong khai phá “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ phát triển còn thấp. Vì chưa có tiền lệ và con đường chưa hình thành rõ, nên những người đi tiên phong (dù có kim chỉ nam là lý luận) vẫn phải “mò mẫm”, khảo sát, thử nghiệm từ thực tế, có thể chệch hướng, có thể sai lầm, có thể vấp phải những trở ngại lớn, thậm chí có thất bại, đổ vỡ, phải tìm lối khác để tiếp tục đi lên. Nhân loại có chung một định hướng mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng con đường đi lên của các nước chắc chắn không phải là độc đạo, duy nhất; mỗi nước sẽ tìm kiếm con đường cụ thể và mô hình cụ thể phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của mình.

 

Từ những điều phân tích trên, có thể thấy rằng việc sử dụng cụm từ “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” cần phải rất tỉnh táo, tránh rơi vào giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Cần nhận thức rõ đây không phải là kiên định “con đường” theo lý thuyết giáo điều áp đặt, mà là kiên định định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới những mục tiêu và giá trị phát triển tốt đẹp. Song theo định hướng đó, đòi hỏi một sự nghiên cứu sáng tạo rất công phu, rất sâu cả về lý luận và thực tiễn về các mô hình và giải pháp phát triển; mỗi bước phát triển là một bước đúc kết về lý luận và điều chỉnh thực tiễn. Gắn với những mục tiêu trung gian, quá độ, cũng phải là mô hình, giải pháp trung gian, quá độ. Đó cũng là thể hiện trên thực tế bản chất khoa học - cách mạng - sáng tạo của phép biện chứng duy vật lịch sử cần phải được vận dụng đúng đắn trong quá trình phát triển theo định hướng XHCN. Việc Đại hội XIII của Đảng xác định: Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển”, “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường”, cho thấy nhận thức lý luận - thực tiễn của Đảng về công cuộc đổi mới, lãnh đạo phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã có bước phát triển rất quan trọng; đồng thời cần phải tiếp tục bổ sung, phát triển sáng tạo trong giai đoạn mới.

 

PGS.TS Trần Quốc Toản

Chuyên gia cao cấp

 

 

 

 



           [1]Nguyễn Phú Trọng : Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lến chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; NXB CTQGST, Hà Nội - 2022 (Bài viết nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021)

Tag:

File đính kèm