Là một trong những nước có giá trị Thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Thành công này không chỉ phản ánh sự nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp mà còn có sự ghi nhận từ các tổ chức quốc tế uy tín. Để tiếp tục nâng tầm Thương hiệu quốc gia, Việt Nam cần những chiến lược đột phá, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng và giá trị cốt lõi của mình.
Việt Nam ghi dấu trên bản đồ thương hiệu toàn cầu
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): “Thương hiệu là một sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, không chỉ như nhãn hiệu, thiết kế, logo và trang phục thương mại mà còn với khái niệm, hình ảnh và danh tiếng từ sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp muốn gửi đến khách hàng”. Có thể hiểu, thương hiệu là tất cả yếu tố về hữu hình (tên, logo, hình ảnh, slogan,...) tới vô hình (giá trị cốt lõi, trải nghiệm, tầm nhìn, tư duy) mà doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng.
Tại Việt Nam, trước năm 1986, “thương hiệu” gần như là một khái niệm "chưa tồn tại" đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, “thương hiệu” vẫn chưa được quan tâm do doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, chưa có sự giao thương, xuất khẩu với các nước trên thế giới.
Từ năm 1995 đến nay, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, khái niệm “thương hiệu quốc gia” bắt đầu được trao đổi, vận dụng phổ biến ở Việt Nam, trước hết trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, sau đó từng bước mở rộng ra lĩnh vực văn hóa-du lịch, truyền thông và công nghệ.
Năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng “Chương trình thương hiệu quốc gia” theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia đến năm 2010. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”, với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/4 hằng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, số doanh nghiệp đoạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia đã liên tục tăng. Từ 30 doanh nghiệp năm 2008, năm 2024 đã tăng đến 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 có những doanh nghiệp nhiều năm liền đạt giải Thương hiệu quốc gia như: Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Tập đoàn BRG, Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty cổ phần Điện lực Gelex, Công ty TNHH may thêu giày An Phước...
Đặc biệt, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ...
Trải qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá hình ảnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… từ đó khẳng định vị thế trên đường hội nhập. Chương trình không chỉ tôn vinh những thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Theo đó, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Năm 2023, giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam được tổ chức Brand Finance (tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu) định giá ở mức 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 trong bảng xếp hạng 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2023, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Giải pháp đột phá để nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển Thương hiệu quốc gia. Đó là: một số thương hiệu chưa gắn với sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao; nhiều sản phẩm vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc không có thương hiệu riêng... Bên cạnh đó, nhận thức và đầu tư vào thương hiệu còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của thương hiệu trong cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, còn có sức ép cạnh tranh trong khu vực và quốc tế khi các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới đều chú trọng xây dựng thương hiệu.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thương hiệu quốc gia lên một tầm cao mới, cần những giải pháp mang tính đột phá, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng và sự ủng hộ từ xã hội.
Một trong những yếu tố then chốt để phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng của thương hiệu. Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), thương hiệu không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn là công cụ để doanh nghiệp định vị trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc tổ chức các chương trình truyền thông, hội thảo chuyên sâu và chiến dịch nâng cao nhận thức là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tích hợp giáo dục về thương hiệu vào các trường đại học, đặc biệt trong các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, để hình thành nền tảng kiến thức cho thế hệ trẻ, để họ có thể sẵn sàng tham gia vào quá trình phát triển Thương hiệu quốc gia trong tương lai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là trung tâm của chiến lược phát triển Thương hiệu quốc gia, do đó việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và quản trị thương hiệu là cần thiết để gia tăng sức mạnh nội tại. Ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Các doanh nghiệp cũng cần được định hướng để áp dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp xây dựng những thương hiệu mạnh, có thể cạnh tranh toàn cầu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng gia tăng, việc xây dựng thương hiệu gắn với các giá trị xanh là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nâng tầm Thương hiệu quốc gia. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Thương hiệu quốc gia cần được định hình không chỉ dựa trên chất lượng mà còn phải đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm thiểu chất thải.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa góp phần cải thiện hình ảnh Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một thương hiệu quốc gia mạnh mẽ không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn từ những giá trị mà thương hiệu đó đại diện. Để truyền tải được giá trị thương hiệu đến với người dùng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông số như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tham gia tích cực vào các hội chợ quốc tế và các chương trình xúc tiến thương mại cũng là cách để đưa sản phẩm đạt chuẩn Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, khẳng định giá trị và vị thế của thương hiệu Việt.
Liên quan đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển hệ sinh thái thương hiệu, theo ông Hoàng Minh Chiến, bảo vệ thương hiệu là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở thị trường nội địa mà còn ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là tại những quốc gia đối tác thương mại lớn. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường năng lực pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương hiệu và xây dựng hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ chặt chẽ.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam không chỉ là tài sản vô giá mà còn là biểu tượng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với những giải pháp đột phá, cùng với sự nỗ lực cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu quốc gia mạnh nhất khu vực trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế đất nước đồng thời mang lại cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội bền vững./.
Theo TTXVN