Sign In

Triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Kết quả và nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024

21:35 21/08/2023

 

Năm học 2022 - 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi về chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, cả nước vẫn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn kép do hậu quả của đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực.

 

Đối với ngành Giáo dục, năm học 2022-2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức, khi vừa phải tiếp tục khắc phục những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, đây là thời điểm thực hiện đánh giá việc triển khai chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

 

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, với phương châm phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch năm học 2022-2023 đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

1. Nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp tiểu học một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học. Công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn trong từng địa phương được thực hiện thường xuyên hơn, gắn với các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định.

 

Toàn quốc hiện có 14.668 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học[1], với 15.517 điểm trường (giảm 78 cơ sở giáo dục tiểu học, giảm 635 điểm trường so với năm học trước). Tỷ lệ bình quân 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ điểm trường/cơ sở giáo dục tiểu học là 1,07, trong đó nhiều cơ sở giáo dục tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường (tập trung chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi). Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96;tỷ lệ kiên cố hóa đạt 82%, trong đó phòng học kiên cố đạt 70%; phòng học bán kiên cố đạt 28,2%; phòng học tạm, mượn chiếm 1,8%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 1.509 phòng; về cơ bản giữ ổn định so với năm học trước. Tổng số học sinh tiểu học của toàn quốc là 9.232.716 (tăng 476.095 học sinh so với năm học trước); tổng số lớp là 287.415 (tăng 4.447 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,96 cơ bản ổn định so với năm học trước. Để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ cho cấp tiểu học. Trong tổng số 31.928 phòng học bộ môn, số phòng tin học là 11.859 phòng, đạt 75,5% số trường tiểu học có phòng học bộ môn tin học; số phòng học ngoại ngữ là 8.915 phòng, đạt 55,4% số trường tiểu học có phòng học ngoại ngữ (trung bình cả nước mới chỉ đạt 2,7 phòng/trường).

 

Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố (đạt tỷ lệ 100%) duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 30/63 tỉnh, thành phố[2] (đạt tỷ lệ 47,6%) được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 04 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước).

 

2. Mạng lưới trường cấp trung học cơ sở (THCS) năm học 2022-2023 được giữ ổn định (tăng 03 trường so với năm học trước); số trường cấp trung học phổ thông (THPT) có chiều hướng tăng (tăng 27 trường so với năm học trước[3]), tập trung ở những địa phương có sự gia tăng dân số lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư nhiều, phải xây dựng thêm trường học để đáp ứng việc gia tăng dân số nhanh và nhu cầu đi học của học sinh.

 

Hiện nay, tổng số trường cấp trung học cơ sở (THCS) là 11.356 trường (gồm 11.033 trường công lập; 323 trường tư thục). Tổng số trường cấp THPT là 2.970 trường (gồm 2.465 trường công lập; 505 trường tư thục); 170 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT; 124 trường trung học có yếu tố nước ngoài (46 trường THCS, 78 trường THPT). Mạng lưới trường chuyên THPT phân bố đều trên cả nước, với 79 trường (gồm 73 trường chuyên trực thuộc sở giáo dục và đào tạo địa phương, 06 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học). Số trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 59,47%) và số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục giữ ổn định và tăng dần. Số trường đạt chuẩn quốc gia cấp THCS đạt tỷ lệ 59,47%; số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đạt tỷ lệ khoảng 60%. Trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT đạt tỷ lệ khoảng 38,40%; số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp THPT đạt tỷ lệ khoảng trên 44%.

 

Tỷ lệ lớp/trường đối với các cấp học lần lượt là: THCS là 14,19 (tăng 0,15 so với năm học trước), THPT là 24,18 (tăng 0,43 so với năm học trước). Tỷ lệ học sinh/lớp là 37,71 đối với cấp THCS (tăng 0,42 so với năm học trước) và 40,27 đối với cấp THPT (tăng 0,37 so với năm học trước). Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp cấp THCS là 0,87; tỷ lệ kiên cố hóa đạt 93,7%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 37,53 học sinh. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp cấp THPT là 0,93; tỷ lệ kiên cố hóa đạt 96,4%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 40,35 học sinh. Cả nước có 42.799 phòng học bộ môn cấp THCS, đạt tỷ lệ 5,07 phòng/trường; 12.699 phòng học bộ môn cấp THPT, đạt tỷ lệ 6,33 phòng/trường,

 

Công tác phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 94,3%[4]. Tỷ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%. Cả nước có 11 tỉnh/thành phố (đạt tỷ lệ 17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2[5]; 07 tỉnh/thành phố (đạt tỷ lệ 11,1%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3[6].

 

Nhìn chung, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cấp tiểu học, THCS, THPT được tăng cường đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc bố trí cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học; số học sinh/lớp, diện tích phòng học so với số học sinh chưa đảm bảo theo quy định. Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chưa dành các nguồn ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.

 

Một số địa phương còn chậm triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục hoặc triển khai thực hiện mang tính “cơ học” chưa xem xét đến các yếu tố về đảm bảo chất lượng[7]. Một số địa phương còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn; tỷ lệ thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu, …

 

Mặc dù, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân của cả nước từ 79,5% trở lên (theo từng cấp học). Tuy nhiên, ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Tình trạng thiếu trường, lớp, thiếu phòng học cục bộ chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…Quy mô, chất lượng thư viện trong các trường phổ thông không đồng đều, nhiều thư viện mới chỉ là nơi lưu trữ các học liệu mà chưa có phòng đọc cho học sinh. Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, cấp THCS mới đáp ứng 54,3%; cấp THPT đáp ứng 58,9%. Môn học Tin học và Ngoại ngữ là hai môn bắt buộc theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng phòng học bộ môn Tin học, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, được trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới, tiên tiến để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

 

 

3. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông ở các lớp học, cấp học. Năm học 2022 - 2023, là năm học thứ hai giáo dục tiểu học (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3),  năm học thứ hai giáo dục trung học cơ sở (ở lớp 6, lớp 7) và năm học đầu tiên giáo dục trung học phổ thông (ở lớp 10) triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở các cấp học[8].

 

Công tác chuẩn bị được các bộ, ngành, địa phương quan tâm. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm[9]. Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 được phê duyệt để thực hiện theo đúng lộ trình. Tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10[10] và sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2 các địa phương biên soạn đang được rà soát, phê duyệt đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Nhằm điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018[11].

 

Các địa phương trong cả nước đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa đảm bảo tính khoa học, sư phạm, vừa đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vừa đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông 2006). Đồng thời, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

 

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, cấp tiểu học. Các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn[12]. Kế hoạch thực hiện môn học được xây dựng linh hoạt, phù hợp và phối hợp với các địa phương khác tổ chức dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến[13].

 

Công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trang bị thiết bị dạy học cho các phòng học Ngoại ngữ, Tin học và sửa chữa, thay thế, nâng cấp các phòng học Ngoại ngữ, Tin học đã quá xuống cấp, lạc hậu được đẩy mạnh. Nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học Tiếng Anh. Chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; biên soạn tài liệu chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt phù hợp với địa phương; cấp phát miễn phí sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và đồ dùng học tập cho học sinh học tiếng dân tộc thiểu số. Kết quả học tập của học sinh qua đánh giá và kiểm tra định kỳ cuối học kỳ được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục của học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 được đảm bảo.

 

  Ở cấp THCS, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và lớp 7; ở cấp THPT là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Nhìn chung, kết quả thực hiện chương trình đảm bảo tiến độ, bảo đảm nội dung theo quy định, tạo điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh các cấp học, lớp học. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các môn học và chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10 được các trường THPT thực hiện đúng theo quy định. Các trường THPT căn cứ vào thực tế giáo viên hiện có, phòng học của nhà trường, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm và nguyện vọng của học sinh tiến hành xây dựng kế hoạch, bố trí học sinh theo các nhóm môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn; đồng thời công khai các phương án lựa chọn, tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học và các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương.

 

  Tiếp tục triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025”, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường; đồng thời phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề tại địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động, tạo cơ sở định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

 

  Đổi mới phương pháp dạy học nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đã và đang được các cơ sở giáo dục, giáo viên tích cực triển khai, thực hiện. Các nhà trường đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch hoạt động giáo dục, kế hoạch bài giảng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thực chất, hiệu quả hơn[14]. Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực thông qua tổ chức hoạt động của học sinh; qua quá trình tổ chức giảng dạy của giáo viên, qua khai thác nội dung sách giáo khoa, sử dụng thiết bị dạy học, học liệu…để phát triển năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

  Tuy nhiên, do chưa có giáo viên nên hầu hết các cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc phân công giáo viên dạy các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương....) chưa bảo đảm theo nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn, dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng đồng thời làm tăng áp lực của giáo viên. Kế hoạch giáo dục ở một số nơi nhà trường chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, còn tình trạng giáo viên đảm nhận các môn học mới, trong khi vẫn phải đảm nhiệm môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành[15]. Thiết kế nội dung các môn học tích hợp cấp THCS chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy. Xây dựng các tổ hợp môn học cấp THPT còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh…ảnh hưởng đến chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường đối với học sinh. Việc tổ chức các hoạt động dạy học ở nhiều nơi còn hình thức, kém hiệu quả, chưa đúng bản chất tinh thần đổi mới.

 

Hệ thống quy định về thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Quy định và hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, gây khó khăn cho học sinh, giáo viên trong việc định hướng lựa chọn tổ hợp môn học ở  cấp THPT và triển khai tổ chức dạy học.

 

Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở một số cuốn sách giáo khoa[16]. Thời gian lựa chọn sách giáo khoa còn ngắn, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học). Nhiều địa phương chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách giáo khoa. Quy trình cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp. Một số đầu sách giáo khoa phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

 

  Nhiều địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng tài liệu còn hạn chế, chủ đề, bài học còn trùng lặp ở các lớp, chưa có sự tương đồng với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được tháo gỡ, khó khăn cho giáo viên và học sinh triển khai dạy và học.

 

4. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về số lượng, từng bước khắc phục những bất cập về cơ cấu. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học trước, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%). Các địa phương trong cả nước tích cực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ theo quy định chung và tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương nhằm động viên, thu hút đội ngũ yên tâm công tác.

 

Thực hiện việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019, các địa phương đã và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo lộ trình. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được các địa phương quan tâm thực hiện; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia học tập chuyên môn, nghiệp vụ và lý luân chính trị; tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ; đồng thời thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ; gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

 

Tuy nhiên, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đang là một thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục[17]. Tại nhiều địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định[18]. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới, thiếu giáo viên phổ thông công lập hiện đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (mặc dù tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm  học trước: tiểu học tăng 169 người; THCS tăng 1.207 người và THPT tăng 2.045 người); riêng giáo viên phổ thông thiếu 62.877 người; thừa cục bộ 5.091 người[19], trong khi toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc[20]). Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp THCS và THPT, nhất là đối với một số môn học mới[21].

 

Việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

 

5. Định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến hành đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, từ đó tham mưu, đề xuất với Trung ương khắc phục những bất cập, có giải pháp chỉ đạo, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo hứng khởi, khơi dậy tinh thần “hết lòng vì học sinh thân yêu”, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo không ngừng nỗ lực, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

 

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt quan trọng, phức cảm, nhạy cảm, phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện. Giáo dục bám sát tư tưởng lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên làm động lực, đổi mới tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực phẩm chất toàn diện cho học sinh. Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023 - 2024, giáo dục phổ thông cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm đồng bộ với các điều kiện đảm bảo, không đòi hỏi tuyệt đối nhưng cần tương đối để vận hành, giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ khả thi, có lộ trình bước đi phù hợp, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

 

5.1. Đối với giáo dục tiểu học thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, Chủ động, tích cực, kịp thời trong công tác tham mưu và tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đảm bảo an toàn trường học, thực hiện hiểu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

 

Thứ hai, Thực hiện hiểu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu hiện hành đối với lớp 5.

 

Thứ ba, Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học, hoạt động theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.

 

Thứ tư, Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cáo chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

 

Thứ năm, Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học, coi trọng công tác thành tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.

 

Ngoài ra, các địa phương, cơ sở giáo dục tiểu học cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên hằng năm: Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trường học; thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục; tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, qua đó, góp phần hình thành cho học sinh niềm yêu thích và thói quen học ngoại ngữ, phát triển năng lực giao tiếp cơ bản bằng ngoại ngữ từ lứa tuổi nhỏ, tạo tiền đề cho việc học ngoại ngữ ở các giai đoạn tiếp theo. Thực hiện hiệu quả tổ chức dạy học môn học Tiếng dân tộc thiểu số; thực hiện biên soạn, thẩm định, dạy học nội dung giáo dục “Địa phương em” và tổ chức dạy học giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; triển khai giáo dục STEM; nâng cao hiểu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá.

 

5.2. Giáo dục trung học thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với lớp 9 và lớp 12, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình năm học; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trung học (gồm THCS và THPT).

 

Thứ hai, Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

 

Thứ ba, Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Thứ tư, Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai ứng dụng công nghệ số trong dạy và học.

 

Thứ năm, Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên theo môn học để tổ chức dạy học các môn học trong chương trình.

 

Thứ sáu, Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

 

Ngoài ra, các địa phương, cơ sở giáo dục trung học cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên hằng năm: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng; tham gia tổ chức các kì thi, cuộc thi. Phát triển mạng lưới trường, lớp, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học (phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu); tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục; công tác thi đua, khen thưởng…phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

 

TS. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục,

Ban Tuyên giáo Trung ương

 



[1] Gồm 12.381 trường tiểu học; 2.104 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở; 183 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở-trung học phổ thông; 55 trường quốc tế; 161 trường trực thuộc sở giáo dục và đào tạo địa phương; 14.297 trường công lập, 370 trường tư thục.

[2] Gồm các tỉnh: Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hậu Giang, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang, Yên Bái, Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Nam, Bến Tre.

[3] Hà Nội: 05 trường; Hà Giang: 04; Lạng Sơn: 04: Phú Thọ: 02; Vĩnh Phúc 01; Bắc Ninh 02: Hải Phòng: 01; Thái Bình: 01; Thanh Hóa: 01; Hà Tĩnh 01: Đồng Nai 01: Bà Rịa - Vũng Tàu: 02; TP.HCM: 01; Bến Tre: 01; Đồng Tháp tăng: 01; Hậu Giang 01 trường.

[4] Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS  đạt 100% như: Thành phố Hồ Chí Minh; Tiền Giang; Thái Bình; Sơn La; Hòa Bình; Hà Nam; Đà Nẵng; Bắc Giang; Bình Dương.

[5] Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương; Hưng Yên, Yên Bái, Bến Tre, Thanh Hóa.

[6] Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình.

[7] Ví dụ: chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô trường/lớp, tỷ lệ học sinh/lớp, quy mô dân số, bán kính phục vụ của các cơ sở giáo dục.

[8] Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV…

[9] Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.

[10] Lớp 2 có 51/60 tỉnh/thành phố; lớp 3 có 22 tỉnh/thành phố; lớp 6 có 63/63 tỉnh/thành phố; lớp 7 có 20 tỉnh/thành phố; lớp 8 và lớp 9 có 11 tỉnh/thành phố; lớp 10 có 11 tỉnh/thành phố; lớp 11 có 01 tỉnh;/thành phố gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt.

[11] Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT, ngày 03/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

[12] Ví dụ: Sở GDĐT Cao Bằng đã biệt phái 38 giáo viên từ 04 thành phố và huyện khác nhau vào huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm để tổ chức dạy học cho 100% học sinh; Sở GDĐT Yên Bái đã biệt phái 24 giáo viên từ thành phố Yên Bái và các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu, Mù Căng Chải trong 01 năm để dạy học tiếng Anh cho học sinh; Sở GDĐT Cà Mau thực hiện việc luân chuyển giáo viên liên trường trong đơn vị xã và điều giáo viên từ cấp THCS xuống dạy lớp 3…

[13] Sở GDĐT Yên Bái phối hợp với Sở GDĐT Nam Định tổ chức cho nhiều trường của Yên Bái học tiếng Anh, theo đó 02 tiết sẽ do giáo viên Yên Bái dạy và 02 tiết sẽ dạy trực tuyến do giáo viên của Nam Định thực hiện; học sinh huyện Mù Căng Chải được tài trợ từ tổ chức xã hội để dạy học miễn phí tiếng Anh trực tuyến từ Hà Nội; huyện Mèo Vạc, Hà Giang kết nối với các lớp học ở Hà Nội tổ chức học tiếng Anh qua các video dạy học của Bộ GD&ĐT kết hợp với truyền hình VTV7…

[14] Ví dụ: với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp các nhà trường đã tổ chức trao đổi chuyên môn, giảng dạy thử để giáo viên cùng tham gia ý kiến, lựa chọn nội dung và phương pháp thực hiện các chủ đề dạy học, xây dựng kế hoạch bài dạy đảm bảo mục tiêu của chương trình. Chú trọng xây dựng và thực hiện các chủ đề/bài học STEM đối với một số môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

[15] Ví dụ qua báo cáo các địa phương cho thấy: ở một số thời điểm giáo viên dạy lớp 6, lớp 7 vừa phải dạy song song hai chương trình, dẫn đến vượt quá nhiều so với định mức/tuần.

[16] Sai sót ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

[17] thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, hiện nay ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học; một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế…

[18] Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ có tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,29; Đông Nam Bộ có tỷ lệ giáo viên THCS/lớp là 1,69; đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ giáo viên THPT/lớp là 1,92.

[19] Dự báo, từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học; 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý; thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.

[20] Trong năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục, trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

[21] môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tag:

File đính kèm