Sign In

Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong 50 năm qua

12:12 01/10/2024


 

Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ thuở là Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì Hoà bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng... Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa, con người trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô và đất nước.

 

Trong suốt 50 năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội của Đảng bộ thành phố, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ Thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, . chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và khẳng định một trong ba Khâu đột phá của nhiệm kỳ: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

 

Có thể thấy, trên thế giới hiếm có Thủ đô nước nào kết hợp được nhiều giá trị như Hà Nội. Trên một không gian trải rộng theo chiều Đông - Tây từ tả ngạn sông Hồng tới dãy Ba Vì với huyền tích Đức thánh Tản Viên, theo chiều Bắc - Nam từ núi Sóc với di tích Thánh Gióng bay về trời đến danh thắng chùa Hương, Hà Nội chứa đựng trong mình vô vàn cảnh đẹp thiên phú. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản- sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý. mà biết bao thế hệ đã vất vả đắp xây bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu. Để hôm nay, Hà Nội - Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồi núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới; 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 03 Di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 01 Di sản Tư liệu thế giới; 30 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 1.206 lễ hội truyền thống và 1.350 làng nghề, làng có nghề; có số lượng nghệ nhân được phong tặng nhiều nhất cả nước; đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ),..

 

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu, có tiềm lực khoa học công nghệ lớn với nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng; là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, có nhiều trung tâm nghiên cứu, có đội ngũ trí thức và nhà khoa học lớn nhất trong cả nước. Do đó, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá. Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

 

 

Giá trị, sức mạnh con người Hà Nội được minh chứng không chỉ vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, “nguồn lực quan trọng quyết định” cho sự phát triển bền vững Thủ đô trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ Thành phố đã chủ động, sáng tạo, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đều xây dựng và ban hành các Chương trình công tác lớn toàn khóa về văn hóa và xây dựng người Hà Nội như: Chương trình 05 (khóa XIII), Chương trình 08 (khóa XIV), Chương trình 04 (Khóa XV, XVI), Chương trình 06 (Khóa XVII). Thành phố đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm cho nhiệm vụ phát triển con người bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp. Kết quả đến nay cho thấy, công tác xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Trong đó, tỷ trọng các ngành văn hóa, dịch vụ tăng cao, chiếm khoảng 65% GRDP của Thành phố, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô Hà Nội.

 

Nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, được quan tâm đầu tư, tăng lên qua từng giai đoạn. Giai đoạn năm 2016-2020, Thành phố chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với các giai đoạn trước. Giai đoạn, năm 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách Thành phố; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về nâng mức đầu tư 49.200 tỷ đồng, với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (227 dự án Thành phố đầu tư, 1.083 dự án Thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025, tạo đà cho sự phát triển văn hóa và con người Hà Nội.

 

Công tác xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, chuẩn mực người Hà Nội văn minh, thanh lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp như phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Thôn (Làng) văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”… Đặc biệt, thành phố cũng sáng kiến tổ chức giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch” đã thực sự phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến xã hội; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.

 

Thành phố cũng là địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Thủ đô... Với những hướng dẫn vừa khoa học, cụ thể, vừa phù hợp với tình hình thực tế và sự vào cuộc của các các cấp các ngành từ thành phố tới cơ sở, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Một số mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng.

 

 

Song song với đó, Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn Thành phố. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… trong đó tăng cường biểu dương, nhân rộng Gia đình văn hoá tiêu biểu, gia đình sống có nền nếp; ông, bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đặc biệt, năm 2024, Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả thực tiễn trong việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

 

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm văn hóa thể thao; 97,5% thôn, làng có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

 

Bên cạnh đó, nhiều không gian văn hóa được mở rộng, các không gian sáng tạo, nghệ thuật trở thành địa điểm gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin; hình thành, kết nối ý tưởng sáng tạo của những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nổi bật: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố đi bộ Trịnh Công Sơn Các không gian văn hóa, không gian sáng tạo, nghệ thuật là điểm sáng về văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, các hoạt động hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, trải nghiệm trò chơi sáng tạo,… đã thu hút sự quan tâm, tham gia, đồng thời từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân Thủ đô, cũng như du khách trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt là giới trẻ.

 

Song song với đó, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng con người được quan tâm, triển khai đồng bộ, bài bản theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách: Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14/2013/NQ-HÐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố về “Chương trình phát triển thanh niên Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030” và  thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế".

 

 

Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển văn hóa truyền thống, con người Hà Nội và là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất của cả nước. Tính đến nay, Hà Nội có 131 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 18 “Nghệ nhân nhân dân” và 113 “Nghệ nhân ưu tú”. Thành phố luôn có những chính sách và cũng là địa phương đi đầu trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô: Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND Thành phố quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Đây là nguồn động viên vật chất, tinh thần to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân kế cận tin tưởng vào việc giữ nghề và truyền nghề, đồng thời, là động lực, góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh.

 

Cùng với dự án Luật Thủ đô sửa đổi, hai quy hoạch phát triển Thủ đô điều chỉnh, được thông qua kỳ họp thứ 7 Quốc hội vào tháng 5/2024, có thể khẳng đinh, bằng nhiều cố gắng, nỗ lực sáng tạo, sự nghiệp phát triển, xây dựng con người Thủ đô, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Các cấp uỷ, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ. Các hoạt động văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá ngày càng cao của Nhân dân. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được phát huy. Con người Hà Nội ngày càng năng động, sáng tạo, tư duy nhạy bén hơn những vẫn giữ được những phẩm chất, những giá trị cốt lõi của nền văn hóa Thăng Long ngàn năm tuổi. Khối đại đoàn kết Nhân dân được tăng cường, tạo nên sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Lĩnh vực Văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển, có nhiều tìm tòi thể nghiệm mới, sáng tạo. Sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, gia tăng đáng kể về số lượng và tiến bộ về chất lượng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong 50 năm qua, cũng đang đặt ra cho Thủ đô Hà Nội nhiều vấn đề khó khăn và thách thức như: Phát triển văn hoá, xã hội còn một số bất cập, chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp Thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao; đặc biệt trong 20 năm gần đây chưa có công trình văn hóa mới, tiêu biểu mang tính biểu tượng, đặc trưng của Thủ đô, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô. Việc xây dựng, quảng bá người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn, vẫn còn xảy ra tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, cơ quan, công sở, nơi công cộng... Việc thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sông nhân dân tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được so với tiến trình phát triển của Thủ đô. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; tốc độ đô thị hóa nhanh, di cư tự do, dịch chuyển việc làm. Đây là những áp lực cho khu vực đô thị trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội và đảm bảo quyền thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.

 

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa theo kịp với trình độ của các nước phát triển trong khu vực và thế giới; giáo dục đại trà chưa thực sự dẫn đầu cả nước. Hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có lúc, có nơi còn hạn chế. Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học còn hạn chế, gặp nhiều rào cản về thể chế. Các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt hiệu quả.

 

Từ thực tiễn đã qua, với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa giữ gìn giá trị truyền thống quý báu, vừa phát huy những giá trị mới, riêng có của Hà Nội, đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị thực tiễn trong tình hình hiện nay. Trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đang đứng trước những vận hội, thời cơ lớn, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, xu thế hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đòi hỏi mỗi công dân Thủ đô phải tự nhìn nhận bản thân mình, tự khẳng định những giá trị tốt đẹp, trường tồn, cùng những hạn chế tồn tại. Khi thấm nhuần những giá trị nền tảng, cốt lõi và tình yêu với Hà Nội, trên cơ sở đó công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước sẽ đạt được những kết quả quan trọng.

 

Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động về kinh tế và xã hội, đặc biệt là qua khói lửa chiến tranh, bên cạnh đó là mặt trái với những tác động của xu thế hội nhập, đô thị hóa và nền kinh tế thị trường, đại đa số người Hà Nội, vẫn giữ được những nét đẹp văn minh, thanh lịch. Tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Thăng Long Hà Nội vẫn là nguồn mạch, sức sống bất tận trong tâm hồn các thế hệ người Hà Nội. Vì vậy vấn đề tiếp tục phát triển, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là việc làm vô cùng quan trọng. Việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý Thủ Đô Hà Nội, phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội văn minh, thanh lịch, gắn với sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, yêu cầu phát triển bền vững đất nước là đòi hỏi rất lớn và là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, cần kiên trì thực hiện tháng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

 

Đỗ Đình Hồng

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

 

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm