Sign In

Văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm đổi mới, phát triển cùng đất nước (Phần 2)

16:56 17/10/2024

 

3. Những vấn đề đặt ra nhằm thúc đẩy văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển bền vững

 

Thực trạng của văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1975 đến nay đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận-phê bình và quảng bá. Sự chuyển giao thời khắc giữa thời chiến và thời bình, giữa nền kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, và hiện tại đang đi vào nền công nghiệp 4.0 cho thấy là giai đoạn có những chuyển giao lịch sử quan trọng và thường dẫn tới sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao thời đại. Văn học, nghệ thuật cũng không là ngoại lệ. Điểm lùi thời gian càng ngày càng cho chúng ta thấy rõ những chuyển đổi lịch sử quan trọng của văn học, nghệ thuật dân tộc đã và đang diễn ra từ thời điểm quan trọng này. Để có thể thúc đẩy đời sống văn học phát triển mạnh mẽ hơn, có nhiều thành tựu nghệ thuật hơn, chúng tôi xin nêu ra một vài vấn đề được đặt ra từ văn học trong vài thập niên qua:

 

3.1. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ của bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là những cơ quan, những người trực tiếp quản lý, điều hành công tác văn hóa, văn nghệ. Nếu khâu này yếu kém sẽ kéo theo sự yếu kém của cả hệ thống văn hóa, văn nghệ.

 

3.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, coi trọng đội ngũ tinh hoa, chuyên nghiệp, chuyên sâu, từ đó nâng cao chất lượng các sáng tác văn học, nghệ thuật hướng đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống, đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo tự do sáng tạo, dân chủ, nhân văn, yêu nước. Các cơ quan làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ cần khích lệ, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động bổ ích, các giải thưởng, tiến hành việc tổng kết, đánh giá một cách công bằng… để tạo đà và kịp thời khuyến khích các sáng tác có chất lượng nghệ thuật.

 

3.3. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, viết lý luận, phê bình trẻ; bồi dưỡng, đào tạo, mở các lớp nâng cao kỹ năng cho người viết, nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật, thi pháp và kịp thời đầu tư cho những sáng tác có chất lượng. Tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người theo đuổi nghề văn, nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức nghệ sỹ của họ.

3.4. Tạo điều kiện cho những người nghệ sỹ bắt kịp nhịp sống và hơi thở thời đại, hòa đồng cùng xu thế hội nhập trên tinh thần nhăn văn và vì lợi ích dân tộc. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể hiện, dám đột phá; uốn nắn các xu hướng đi ngược lại sáng tạo nghệ thuật đích thực. Tạo điều kiện cơ sở vật chất và tinh thần để các nhà văn, nghệ sỹ có điều kiện hội nhập văn học, nghệ thuật khu vực và thế giới. Tổ chức việc dịch thuật và giới thiệu một cách có tổ chức các tác phẩm tiêu biểu của văn học, nghệ thuật  đương đại ra thế giới và của thế giới đến với công chúng Việt Nam. Cho xuất bản các báo, tạp chí bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và văn học, nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam.

 

3.5. Làm cho văn học trở thành một trong những phương tiện để đoàn kết và hòa hợp dân tộc, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xoa dịu và xóa dần nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt đất nước; cảnh báo những tác động mặt trái cơ chế thị trường vào trong  văn học, nghệ thuật. Hàn gắn những chia cắt, cố kết lòng người, đem lại cảm thông, sẻ chia và hiểu biết đầy đủ hơn cho các thế hệ nhà văn mới, trong đó có các nhà văn hải ngoại có mong muốn được hòa nhập vào dòng chảy văn hóa, văn học trong nước.  Văn học luôn luôn đồng hành cùng văn hóa, chính trị và kinh tế, cần trở thành nhân tố quan trọng trong giao lưu và hội nhập văn hóa trong khu vực và thế giới, cần trở thành một thành tố văn hóa quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển.

 

3.6. Quan tâm hơn nữa đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên các mặt: quan điểm, tầm nhìn, tư duy; xây dựng và củng cố đội ngũ, nhất là đội ngũ trẻ, giàu nhiệt huyết, bản lĩnh, trách nhiệm. Tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan văn nghệ chủ lực; kịp thời định hướng sáng tác, định hướng dư luận, giáo dục thẩm mỹ, làm “bà đỡ” mát tay cho các tác phẩm tốt, đấu tranh kiên quyết với quan điểm, khuynh hướng sai trái, cực đoan.

 

Coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với quan điểm, thông tin, luận điệu sai trái, thù địch trong văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản. Sử dụng tốt hơn các phương tiện, loại hình công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật.

(Hết)

 

PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ[1]


[1] Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

 

-----------------

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên, 2016). Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, 2 tập, NXB. Khoa học xã hội.

2.La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (Đồng chủ biên, 2015). Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, NXB, Đại học Quốc gia.

3.Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2015): Lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

4.Hoàng Thị Huế (2018). Ba chiều cạnh của phê bình, NXB. Hội Nhà văn.

5.Tôn Thảo Miên (2016). Văn học Việt Nam: dấu ấn - giao lưu - tác động, NXB. Văn học.

6. Huỳnh Như Phương (2019). Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn, NXB Hội Nhà văn.

7..Lý Hoài Thu (2018). Những sinh thể văn chương Việt, NXB Văn học.

8. Lê Thị Hoài Phương (2023). Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam thời kỳ đổi mới: Chính sách và thực tiễn

9. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trungh ương (2023) Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trang và Định hướng phát triển”.

 

Tag:

File đính kèm