Sign In

Định hướng hoàn thiện và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 [1]

01:58 06/02/2024


Đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền dân chủ của công dân sẽ không ngừng được được mở rộng trong tất cả lĩnh vực hoạt động của xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các thiết chế chính trị, trong đó trước hết là nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, đảng cầm quyền. Do đó, việc hoàn thiện, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng phải được triển khai đồng bộ trên tất cả các thành tố đó. Từ nhận thức về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như vậy và thực tiễn xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, cho thấy, để hoàn thiện, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, cần bảo đảm các định hướng sau:

 

1. Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội

 

Đây là định hướng bao trùm trong hoàn thiện, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để dân chủ xã hội chủ nghĩa trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thực sự dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình và đặc biệt phải tiếp tục tạo lập môi trường và điều kiện để Nhân dân thực sự làm chủ trên thực tế. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm vận hành thông suốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đảng và Nhà nước phải làm tốt việc ban hành đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân thật sự là chủ và được làm chủ.

 

Trong mọi hoạt động, Đảng và Nhà nước phải luôn coi trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN; quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần phải đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước phải thực sự tạo điều kiện và môi trường để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật cởi mở, thân thiện, dễ dàng trong việc thực hiện các quyền dân chủ cơ bản của công dân; thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước.

 

Phải thật sự tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Chú trọng thực hiện dân chủ cả trực tiếp và đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền phải thực hiện đúng chế độ tiếp xúc, tiếp dân, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, thực chất, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

 

2.Tăng cường xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quá

 

Nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cần thiết kế tổ chức bộ mày và cơ chế hoạt động của Nhà nước bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thực hiện đúng nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

 

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

 

Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

 

Bộ máy phải được tổ chức gọn nhẹ, rõ về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận, dễ đối thoại, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được tài năng, trí tuệ, sáng tạo của người dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính quyền, lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Mở rộng đối thoại giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, tăng cường trách nhiệm giải trình và lắng nghe nhân dân. Tăng cường dân chủ ở cơ sở, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc của Nhà nước một cách thiết thực, phù hợp. Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính.

 

3. Tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn để bảo đảm quyền dân chủ trong lĩnh vực kinh tế. .

 

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với những thuộc tính cơ bản, là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Sự phù hợp và hỗ trợ nhau giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được quy định từ chính bản chất và mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đều vì nhân dân, do nhân dân. Thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không chỉ bảo đảm các quyền kinh tế, dân sự của con người mà còn tạo ra những điều kiện và khả năng to lớn cho xây dựng, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần tạo ra nhiều điều kiện để các tầng lớp nhân dân vươn lên làm chủ trong đời sống kinh tế; phát huy các nguồn lực và khả năng sáng tạo theo nguyên tắc “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Nhà nước cần làm tốt việc khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững các ngành nghề kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các tổ chức dân cư, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và của nhân dân tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát thực hiện luật pháp và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật bảo đảm cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển thuận lợi; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đi đôi với phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; hình thành một số tập đoàn kinh tế, các tổng công ty đa sở hữu, áp dụng mô hình quản trị hiện đại, có năng lực cạnh tranh quốc tế; đổi mới cơ bản mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; phát triển đồng bộ, đa dạng theo định hướng thống nhất các loại thị trường cơ bản trong cả nước, từng bước liên thông với thị trường khu vực và thế giới; giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và nhân dân trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội.

 

 Về định hướng xã hội và phân phối, cần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển: tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thể chế phân phối bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động, doanh nghiệp và bảo đảm lợi ích quốc gia. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.

Về định hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực quản lý: Cần coi trọng phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

 

Cần phát huy vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong việc đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội nâng cao nhận thức, thực hiện mạnh mẽ, thực chất chức năng giám sát và phản biện xã hội, coi đó là phương tiện của những tổ chức đại diện Nhân dân kiểm soát trước và sau đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng và Nhà nước thực sự coi đó là phương thức khắc phục những khiếm khuyết trong hoạt động của hệ thống chính trị nhất nguyên, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc mở rộng dân chủ, đi đôi với giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để Nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần thực hiện tốt việc vừa vận động, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên của mình thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vừa tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân. Cần chú trọng động viên đội ngũ nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Tập hợp kịp thời các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên, của cử tri để phản ánh cho Đảng, Nhà nước xem xét lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Tham gia việc phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài, thật sự xứng đáng làm đại biểu nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường chức năng giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong tình hình hiện nay cần tăng cường giám sát việc lãnh đạo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với chính quyền các cấp.

 

5. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh mẽ, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội, ngăn chặn hiệu quả sự lạm quyền, quan liêu, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.

 

Quyền lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực nhà nước được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Lạm dụng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực là xâm phạm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, do đó, để hoàn thiện, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay và cho lâu dài theo tầm nhìn đến năm 2045 phải đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh mẽ, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội, ngăn chặn hiệu quả sự lạm quyền, quan liêu, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.

 

Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và giữa các tổ chức của hệ thống chính trị. Phải hoàn thiện hơn các quy định về quyền giám sát của nhân dân, cơ chế pháp lý bảo đảm cho nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thể chế hóa vai trò của Nhân dân kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần quán triệt, nhận thức sâu sắc đầy đủ vai trò của việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tất yếu khách quan, không cản trở, kìm hãm sự phát triển của con người; mà còn góp phần nâng cao sức mạnh của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người cống hiến tài năng, trí tuệ cho nhiệm vụ cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cụ thể hóa vào mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hoàn thiện và thực thi nghiêm túc cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

 

Đối với kiểm soát quyền lực nhà nước, phải làm cho bộ máy nhà nước vừa có khả năng kiểm soát được xã hội, vừa buộc Nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một tổng thể bao gồm: cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài do các chủ thể không phải là Nhà nước thực hiện; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong do các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau; và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do Hiến pháp và luật quy định.

 

Cần bảo đảm tính độc lập, có đủ thực quyền của hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm soát quyền lực trong nội bộ hệ thống hành pháp. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.

 

Đối với kiểm soát quyền lực trong Đảng, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực của Đảng. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

 

5. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo hướng mở rộng dân chủ

 

Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền, đủ sức lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là vấn đề nguyên tắc, quyết định đến bản chất, phương thức, tổ chức hoạt động và hiệu quả của nền dân chủ XHCN ở nước ta.

 

Cần làm tốt xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, hoàn thiện đường lối đổi để thúc đẩy phát triển đất nước, hoàn thiện nền dân chủ XHCNN, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

 

Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, xứng đáng với vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân.

 

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với Nhà nước theo hướng mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước.

 

Đẩy mạnh thực hành dân chủ trong Đảng. Mọi hoạt động đều phải tuân thủ Điều lệ Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực thi và dân chủ phải được mở rộng. Thực hành dân chủ trong Đảng rộng rãi là cơ sở để mở rộng dân chủ trong xã hội. 

 

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp.

 

Cần đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, mị dân. Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. 

PGS,TS Nguyễn Văn Giang

Hội đồng lý luận trung ương



[1] Sản phẩm của Đề tài KX.04.04/21-25

Tag:

File đính kèm