Đồng chí Lê Đức Thọ từng nói: không có chiến thắng B-52 của các đồng chí trên bầu trời Hà Nội, thì không có thắng lợi ở Hội nghị Paris. Còn trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương” có lời đánh giá nổi tiếng của Giáo sư Neil Seehan: “Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Những lời nhận định đó là dành cho chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong trận chiến lịch sử trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972. Trong 12 ngày đêm, 34 "pháo đài bay" B-52, niềm tự hào “bất khả chiến bại” của một cường quốc quân sự thế giới, đã gục ngã trước sức mạnh ý chí và trí tuệ của quân và dân Việt Nam.
Cuộc “đọ sức” cuối cùng
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, hòng thực hiện dã tâm đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”, uy hiếp, khuất phục ý chí của nhân dân ta; đồng thời dùng sức mạnh quân sự để leo thang tấn công miền Bắc, áp đặt thế mạnh lên Hội nghị Paris.
Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh “Linebacker II” (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II). Cuộc tập kích kéo dài từ ngày 18 đến 29/12/1972, với lực lượng lớn nhất mà Mỹ từng huy động kể từ sau Chiến tranh thế giới II: 193/tổng số 400 chiếc máy bay chiến lược B-52 hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Trong 12 ngày đêm điên cuồng đánh phá, đế quốc Mỹ đã trút xuống miền Bắc hơn 100 nghìn tấn bom đạn (riêng Hà Nội là hơn 10 nghìn tấn) với sức công phá bằng hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Bất chấp tuyên bố không tấn công các mục tiêu dân sự, Nixon đã ra lệnh cho B-52 rải thảm phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông tại Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 m, gần 2.000 ngôi nhà, công trình bị phá sập, giết chết 283 sinh mạng, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và trẻ em, khiến gần 200 trẻ bỗng chốc mồ côi. Máy bay B-52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương... làm hơn 1.000 người thương vong.
Lịch sử dân tộc cho thấy, quân và dân Việt Nam luôn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trước nhiều kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, nhưng chưa có kẻ thù nào mà binh lực, phương tiện, khí tài chiến tranh lại vượt trội và hơn hẳn gấp nhiều lần như ở trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này. Nhưng không như những gì kẻ thù ảo tưởng, rằng miền Bắc sẽ sớm bị khuất phục, với niềm tin chiến thắng, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác đã nhanh chóng sắp xếp, trở thành những "chiến trường" đặc biệt. Nhân dân thích ứng với cuộc sống vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hệ thống còi báo động, loa phát thanh, kẻng báo động, trạm quan sát máy bay địch được lập ở khắp nơi, trở thành tai mắt “từ sớm, từ xa” cho các lực lượng sẵn sàng ứng phó.
Đặc biệt, bằng tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bộ đội ra đa đã “vạch nhiễu tìm thù”; bộ đội phòng không-không quân hóa thành “Rồng lửa”, “Én bạc”, sẵn sàng xuất kích đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng… đã đáp trả địch những đòn đích đáng ngay từ những trận đầu. Và trong 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111), bắt sống 44 giặc lái, bắn chìm và bắn hỏng 9 tàu chiến. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 máy bay B-52 và 2 máy bay F111).
Những tổn thất nghiêm trọng vượt xa dự đoán trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc đã buộc nhà cầm quyền Mỹ phải xuống thang, ngừng ném bom ở Bắc vĩ tuyến 20, đề nghị Việt Nam trở lại bàn đàm phán Paris, chuẩn bị ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chiến thắng của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam
Ngày 30/12/1972 các báo đăng toàn văn thông cáo Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có câu: "Không có sức mạnh tàn bạo nào có thể khuất phục nổi dân tộc Việt Nam anh hùng". Trước đó, cụm từ đầy ý nghĩa "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và "Hà Nội, lương tri và phẩm giá con người" lần đầu tiên được đăng trên Báo Nhân dân đã ngay lập tức được các hãng thông tấn, báo chí phương Tây và Mỹ sử dụng, để ca ngợi chiến thắng vĩ đại của Việt Nam.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đóng vai trò quyết định trực tiếp, buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Mỹ rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi “tâm lý sợ hãi” về cái gọi là “sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ”. Lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), Việt Nam can trường tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn, chống lại một cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại trên thế giới.
Có thể nói, điều quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chính là đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân và nghệ thuật quân sự sáng tạo của Đảng và Quân đội ta. Ðể làm nên chiến công lẫy lừng này, lực lượng phòng không ba thứ quân đã vận dụng sáng tạo, kết hợp linh hoạt các biện pháp tác chiến để chống địch trinh sát, chế áp điện tử và giữ bí mật, giành chủ động, bất ngờ tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quân và dân Thủ đô thường xuyên làm tốt ngụy trang giữ bí mật sở chỉ huy các cấp, trận địa phòng không, sân bay vòng ngoài. Riêng tên lửa phòng không ban ngày tập trung ngụy trang giữ bí mật để đánh ban đêm. Các sân bay vòng ngoài mặc dù bị địch đánh phá nhưng ta đã kịp thời khắc phục, ngụy trang khéo léo, bí mật cơ động máy bay từ nơi cất giấu đến sân bay, bảo đảm cho không quân ta xuất kích, tạo yếu tố bất ngờ đánh B-52 của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch, lực lượng tên lửa phòng không đã thực hiện nghi binh rất độc đáo, hiệu quả, bằng cách “phóng tên lửa giả”, buộc địch phải cơ động phá vỡ đội hình chiến đấu, giảm hiệu quả của nhiễu, ta xác định được chính xác B-52 thật để đánh địch, nâng cao hiệu quả chiến đấu. Có thể thấy, nghệ thuật nghi binh, lừa địch của quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát triển đến đỉnh cao.
Bên cạnh đó, các lực lượng đã kết hợp chặt chẽ các biện pháp chiến thuật và kỹ thuật để hạn chế hiệu quả tác chiến điện tử, vũ khí công nghệ cao của địch. Bộ đội tên lửa, ra đa phát huy tối đa khả năng chiến đấu, vận dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, thao tác chiến đấu để phát hiện máy bay B-52 từ xa, cải tiến quy trình thông báo tọa độ mục tiêu, bảo đảm kịp thời chính xác cho các lực lượng đánh địch. Trong từng trận đánh, lực lượng phòng không ba thứ quân đã hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện các trận đánh tập trung, liên tục trên đường bay, kết hợp linh hoạt đánh địch từ nhiều hướng cả khi bay vào và bay ra, sử dụng linh hoạt các phương pháp đánh đón, đánh đuổi, đánh từ bên sườn để đối phó với nhiễu của địch, nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch.
Chiến thắng cuộc tập kích đường không chiến lược, với gần 50% lực lượng không quân chiến lược của toàn nước Mỹ và toàn bộ máy bay chiến thuật của không quân, hải quân Mỹ ở Ðông Nam Á, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không của quân đội ta, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng và kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam - một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại./.
Thu Hạnh TTXVN (tổng hợp)