Sign In

Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới (phần 2)

01:57 09/02/2024

 

 

II.Những kết quả chủ yếu

 

Có thể nêu khái quát các kết quả chủ yếu về phát triển TC KTTT ĐHXHCN ở nước ta như sau:

 

1. Nhận thức về nền kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: về mặt tổng thể, đã có những bước tiến quan trọng. Điều này được thể hiện rõ qua nhận thức, quan điểm của Đảng nêu trong Văn kiện các Đại hội của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 1986 đến nay; được thể hiện ở nhận thức, tư duy của hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, ở tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh và trong toàn xã hội.

 

2. Khung khổ pháp luật về KTTT, TC KTTT được xây dựng và hoàn thiện ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu vận động của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống pháp luật gồm Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, đạo luật quy định  những vấn đề cơ bản của thể chế kinh tế thị trường, gồm chế độ sở hữu, quyền tài sản, gia nhập thị trường và các loại hình tổ chức kinh doanh, hợp đồng, giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp thương mại, hoạt động kinh doanh và cạnh tranh thị trường và rút khỏi thị trường; quản lý nhà nước… tạo thành khung pháp lý khá đầy đủ trên các lĩnh vực để quản lý và vận hành nền kinh tế[1].

 

3. Thể chế về chế độ sở hữu liên tục phát triển và ngày càng phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Nền kinh tế dựa trên nền tảng của chế độ đa sở hữu; các hình thức sở hữu phong phú, đa dạng đã hình thành, phát triển. Pháp luật về tài sản, quyền sở hữu tài sản đã quy định khá đầy đủ các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu. Tư nhân có quyền sở hữu không hạn chế đối với tài sản nói chung và tư liệu sản xuất nói riêng. Tài sản thuộc sở hữu tư nhân không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Pháp luật khuyến khích phát triển sở hữu hỗn hợp, đẩy mạnh hợp tác công - tư.

 

4. Các chủ thể sản xuất kinh doanh, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp đang ngày càng phát triển đa dạng. Số lượng doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) liên tục tăng, bình quân giai đoạn 2016-2017 cả nước có 532.738 doanh nghiệp, tăng 41% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.  Hiện nay có hơn 700 nghìn doanh nghiệp (cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI) và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có đăng ký đang hoạt động. Kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển tích cực hơn. Hiện nay có khoảng 33% số HTX hoạt động có hiệu quả (tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản). Theo báo cáo sơ kết thực hiện Luật HTX năm 2012, tính đến tháng 6 năm 2019 cả nước có có 21 liên hiệp HTX và 14.501 HTX và hàng nghìn tổ HTX nông lâm ngư nghiệp. Hàng triệu hộ nông dân có bước phát triển quan trọng về năng lực sản xuất kinh doanh.

 

Đã xác định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò của các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế. Thể chế kinh tế mới đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ luật pháp, được tự do sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, tự chịu trách nhiệm trước luật pháp, với người tiêu dùng và xã hội. Quyền tự do kinh doanh và an toàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh ngày càng được bảo đảm; chỉ số tự do kinh tế ngày càng được cải thiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp đã được cải cách, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Người dân và doanh nghiệp về cơ bản đã được quyền kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm; danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thu hẹp dần. Hàng ngàn rào cản, điều kiện kinh doanh không phù hợp đã được bãi bỏ. Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt 55 điểm, gần gấp hai lần năm 1997 với 35 điểm.  

5. Năng lực cạnh tranh (NLCT) của nền kinh tế có những chuyển biến tích cực. Hiến pháp 2013 và các luật (Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư năm 2014, Luật đất đai 2013, Luật đấu thầu 2013, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, Luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền…), và các cơ chế, chính sách mà Chính phủ ban hành đã tạo cơ sở để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT của nền kinh tế và NLCT quốc gia. Cơ chế hình thành giá cả cơ bản đã theo quy luật thị trường; kiểm soát độc quyền ngày càng được quan tâm. Cạnh tranh thị trường gia tăng nhờ đẩy mạnh tự do hóa, tháo bỏ rào cản gia nhập thị trường và rào cản đối với quyền tự do kinh doanh. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh. Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc và 3,5 điểm, đứng vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng năm 2019[2].

 

6. Trình độ phát triển của thị trường của Việt Nam đang dần được nâng lên.  Các thị trường phát triển đa dạng hơn, nhất là thị trường hàng hóa và dịch vụ liên tục mở rộng về quy mô và hoàn thiện; sự liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Khung khổ pháp lý về tự do giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp thương mại, dân sự đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Chỉ số thuận lợi kinh doanh được cải thiện: năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 70 trên 190 nước về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Đây là một bước tiến quan trọng của Việt Nam về môi trường kinh doanh.

 

7. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu đã có những bước tiến tích cực. Nhìn tổng thể, tốc độ và quy mô tăng trưởng kinh tế của nước ta thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và quốc tế. GDP bình quân cả giai đoạn 2011 - 2019 đạt 6,2%/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới (2,95%) và của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (4,39%)[3]; năm 2022 đạt 8,02%.

 

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu. Xét từ góc độ đầu vào: tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), giảm dần sự phụ thuộc vào tăng vốn và lao động. So với giai đoạn trước (2001-2010), đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 26,4% (đóng góp của vốn là 54,20%; của lao động là 19,4%); thì sang giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đã tăng lên, đạt 30,2 % (đóng góp của vốn là 54,3%; của lao động là 15,5%); trong 3 năm 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 38,4%, năm 2022 đạt khoảng 45%. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6.42 năm 2016, xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018. Năng suất lao động tăng lên: Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 3,45%/năm; sang giai đoạn 2011-2015 tăng lên 4,35%/năm và giai đoạn 2016-2019 là 5,8%/năm,vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%)[4]. Do tốc độ tăng của Việt Nam tăng lên, nên khoảng cách chênh lệch về năng suất lao động  giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực đã dần được thu hẹp[5].

 

8. Đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ đã chủ động và linh hoạt hơn, có sự phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá. Mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực: Thâm hụt ngân sách giảm cả về quy mô và tỷ trọng. Trong nhiệm kỳ đầu của thời kỳ chiến lược, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao (tăng từ 4,05% GDP lên 6,61% năm 2013 và từ đó giảm xuống còn 5,52% năm 2016); từ 2016 đến nay giảm dần và duy trì ổn định ở mức khoảng 3,5% GDP; góp phần quan trọng vào khôi phục và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô (trừ năm 2020 do có sự tác động của đại dịch Covid - 19). Chính sách tài khóa nói chung và điều hành ngân sách nhà nước nói riêng được điều hành minh bạch và rõ ràng hơn. Cán cân thương mại được cải thiện; dự trữ ngoại hối tăng lên; mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nội địa. Bảo đảm các mục tiêu về bội chi và nợ công[6].

 

9. Năng lực quản lý kinh tế của Nhà nước được nâng cao hơn, đang chuyển dần từ nhà nước sở hữu và kiểm soát sang nhà nước kiến tạo, điều tiết và phục vụ; hiệu lực quản lý nhà nước được cải thiện. Nhà nước đã chuyển từ cơ chế trực tiếp can thiệp, kiểm tra, kiểm soát thị trường sang cơ chế gián tiếp, tạo lập môi trường tự do, bình đẳng, thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường; tập trung hơn vào bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với nguyên tắc thị trường, các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; giảm thiểu sự can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính đã được nỗ lực triển khai và đạt kết quả tích cực. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước từng bước được tăng cường. Bộ máy chính quyền các cấp đã từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập.

 

III. Những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển nhanh - bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, việc xây dựng và hoàn thiện TC KTTT ĐHXHCN đang đứng trước những vấn đề lớn sau:

 

1. Về mặt nhận thức: Cần tiếp tục nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy đề nhận thức đầy đủ hơn, phù hợp hơn về KTTT, KTTT ĐHXHCN và về TC KTTT ĐHXHCN. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập”, được thể hiện trên một số mặt sau: i) - Nhận thức chưa đầy đủ về nội hàm của tính định hướng XHCN của nền KTTT ĐHXHCN, nhất là sự phù hợp giữa các quy luật của kinh tế thị trường với bảo đảm định hướng XHCN trong từng giai đoạn, về hệ tiêu chí nền KTTT ĐHXHCN; ii) - Chưa có sự thống nhất nhận thức cao về mô hình, cấu trúc TC KTTT  ĐHXHCN; về nội hàm của khái niệm “quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp”, “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”; iii) - Nhận thức về chế độ đa sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân…) gắn với các thành phần kinh tế còn những nội dung chưa đủ rõ, còn nhiều vấn đề chưa thật phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập[7], chưa phân biệt rõ ràng các khái niệm “chế độ sở hữu” và “hình thức sở hữu”; về vai trò và định hướng phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế; iv) - Về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, của kinh tế tập thể, của kinh tế tư nhân, của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, với tư cách là các thành tố hợp thành hữu cơ trong TC KTTT ĐHXHCN; về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), coi kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế[8]; về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ...).

Trong xây dựng nền KTTT và TC KTTT ĐHXHCN rất cần phải khắc phục các “ngộ nhận” về KTTT và về “tính định hướng XHCN”, như:

 

(1). Coi KTTT gắn liền với bản chất của CNTB, và do đó những khuyết tật, yếu kém, bất cập, khủng hoảng chu kỳ, những tệ nạn…nảy sinh trong kinh tế thị trường quy gắn liền với bản chất của CNTB. Coi KTTT về cơ bản và lâu dài không dung hợp với CNXH, việc vận dụng KTTT chỉ là sách lược “thích ứng” trong một giai đoạn nào đó ở các nước phát triển theo định hướng XHCN.

 

(2). Coi KTTT chỉ đơn giản là hệ thống kinh tế về những hoạt động sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hóa, dịch vụ; mà không thấy rõ đó còn là hệ thống các giá trị văn hóa, tinh thần và đạo đức phát triển, là hệ thống sáng tạo đổi mới liên tục, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, tạo ra của cải xã hội ngày càng tăng, mang lại sự thịnh vượng xã hội. Là hệ thống pháp luật về tất cả các lĩnh vực liên quan chứa đựng trong lòng nó những nhân tố tiến bộ về quyền bình đẳng, khuyến khích sự sáng tạo - đổi mới và những quá trình thử sai - đào thải được gọi là “phá hủy sáng tạo” (Mác gọi là phủ định biện chứng) để thúc đẩy phát triển. Đó còn là nền văn hóa KTTT tôn vinh những người dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, tôn vinh những nhà khoa học dấn thân có những sáng kiến và sáng tạo mang đầy tính văn hóa, phục vụ cho sự phát triển của xã hội, vì con người.

 

(3). Coi KTTT, cơ chế thị trường chỉ mang bản chất “lạnh tanh tiền bạc”, là vô đạo đức không quan tâm tới luân thường đạo lý (chỉ nghĩ và hành động vì lợi ích, lợi nhuận, bất chấp những giá trị tốt đẹp về con người, về văn hóa và xã hội. KTTT khuyến khích thói tham lam và ích kỷ…)[9]. Không thấy rõ văn hóa và đạo đức KTTT lành mạnh không chấp nhận nguyên tắc cướp bóc và chiếm đoạt phi pháp, tức là những biện pháp mà những kẻ giầu có hoặc dùng quyền lực chính trị để tước đoạt (chiếm đoạt) của người khác; không phân biệt KTTT hoạt động trên cơ sở chế độ pháp quyền, tự do và bình đẳng sản xuất kinh doanh theo pháp luật, và KTTT “ô dù” (gắn với CNTB thân hữu, bị biến dạng bởi những kẻ đầu tư bất chính và những kẻ cầm quyền tha hóa vì những lợi ích trái pháp luật và đạo đức).

 

(4). Cho rằng KTTT, cơ chế thị trường tạo ra nhiều bất bình đẳng hơn là trong thể chế kinh tế phi thị trường (bao cấp). Thị trường không có khả năng cung ứng hiệu quả được hàng hóa công cộng (tập thể), không thể đáp ứng tốt được một số nhu cầu cơ bản của con người, như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục…; chỉ có Nhà nước với cơ chế bao cấp mới thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thị trường chỉ có lợi cho người giàu, làm cho chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng tăng lên.

 

(5). Quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường (phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tư nhân hóa và thiết lập quan hệ thị trường) ở các nước hậu XHCN (cũ) tất yếu song hành với nạn tham nhũng, nghĩa là thị trường là tham nhũng.

 

(6). Coi KTTT, cơ chế hị trường là vạn năng, có thể giải quyết được mọi vấn đề; chỉ cần hoàn thiện khung pháp lý về thể chế kinh tế thị trường, xây dựng đồng bộ các loại thị trường là có được một nền KTTT hiện đại. Không thấy được nền kinh tế thị trường ở một nước cụ thể là thể hiện trình độ phát triển của nước đó trong một giai đoạn cụ thể; thể chế kinh tế thị trường phải được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và xã hội hóa nền sản xuất xã hội trong mỗi giai đoạn cụ thể, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

(7). Xem xét vai trò của Thị trường và vai trò của Nhà nước theo nguyên tắc “bập bênh”, nghĩa là bên này tăng lên thì bên kia giảm xuống và ngược lại. Không xem xét kỹ vai trò của Nhà nước và vai trò của Thị trường theo nguyên tắc kết hợp mặt mạnh của Nhà nước và mặt mạnh của thị trường, hạn chế “thất bại” của Nhà nước và “thất bại” của Thị trường trong những điều kiện và trình độ phát triển cụ thể nói chung và đối với từng lĩnh vực nói riêng.

 

(8). Coi tính định hướng XHCN chỉ (hay chủ yếu) nằm ở chính sách xã hội và chính sách phân phối, vì vậy đối với quá trình sản xuất kinh doanh Nhà nước cần giảm tối đa sự can thiệp, để cơ chế thị trường tự do điều tiết; Nhà nước chỉ cần (hay chủ yếu) tập trung vào hoàn thiện các chính sách xã hội và chính sách phân phối. Chưa thấy rõ rằng tính định hướng XHCN phải được thực hiện thông qua đồng bộ ở khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển, thể chế phát triển ở tất cả các lĩnh vực, đảm bảo cho mọi chủ thể trong xã hội, nhất là các chủ thể hoạt động sản xuất kinh doanh ở mọi thành phần kinh tế, hoạt động năng động, sáng tạo, hiệu quả, góp phần xứng đáng vào thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Việc xây dựng và hoàn thiện TC KTTT ĐHXHCN trong giai đoạn mới đòi hỏi phải có sự đột phá về nhận thức - tư duy lý luận, khắc phục những “ngộ nhận” nêu trên, gắn liền với thể chế hóa thành nền tảng pháp lý và tổ chức thực hiện trong thực tiễn, để tạo động lực phát triển nhanh - bền vững đất nước.

 

2. Xây dựng đồng bộ cấu trúc của TC KTTT ĐHXHCN: Trên cơ sở nhận thức đầy đủ hơn về bản chất, đặc trưng của KTTT, KTTT ĐHXHCN, để xây dựng cấu trúc TC KTTT ĐHXHCN đồng bộ giữa ba thành tố “người chơi” - “luật chơi” - “sân chơi” của cả nền kinh tế, và phù hợp trong mỗi lĩnh vực kinh tế (các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…). Trong đó, đặc biệt quan trọng là phải chế định rõ, phù hợp vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích, trách nhiệm giải trình của từng chủ thể; nhất là vai trò của Nhà nước và các chủ thể sản xuất kinh doanh trong từng lĩnh vực.

 

Trong TC KTTT ĐHXHCN cần phải chế định phù hợp mối quan hệ “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”, gắn với đặc điểm, tính chất, trình độ phát triển trong mỗi giai đoạn phát triển, phù hợp với từng lĩnh vực, theo nguyên tắc “Nhà nước mạnh - Thị trường hiệu quả - Xã hội (các chủ thể kinh tế và người dân) năng động, sáng tạo”; nhằm tạo sự cộng hưởng phát huy những mặt mạnh của Nhà nước, thị trường và xã hội; đồng thời hạn chế, khắc phục những bất cập, “thất bại” của cả Nhà nước, thị trường và xã hội, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhà nước mạnh không phải là Nhà nước “to” về bộ máy, đông về đội ngũ công chức; mà phải là một Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển - quản trị phát triển, mạnh về định hướng chiến lược phát triển, mạnh về quả lý vĩ mô, mạnh về xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển, mạnh về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức; mạnh về năng lực quản lý - quản trị phát triển, mạnh về năng lực phản ứng chính sách trước những biến đổi của môi trường phát triển… 

 

Trên cơ sở thống nhất nhận thức, xác định rõ hơn các đặc trưng và tiêu chí của nền KTTT ĐHXHCN, phù hợp với các nguyên tắc chung của nền kinh tế thị trường hiện đại, đồng thời chứa đựng những giá trị đặc trưng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng TC KTTT ĐHXHCN theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam và hội nhập quốc tế trong mỗi bước phát triển.

 

Hoàn thiện đồng bộ thể chế quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tất các các loại tài nguyên của đất nước (khoáng sản, nước, đất đai, rừng…). Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế đa sở hữu, nhất là thể chế sở hữu đất đai (chế định rõ quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản được luật pháp bảo hộ); hoàn thiện thể chế quản lý tài sản công trong hệ thống chính trị; chế định đúng, công khai, minh bạch quyền, quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của từng chủ thể, nhất là Nhà nước với vai trò vừa là đại diện chủ sở hữu toàn dân, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước, lại là một chủ thể sử dụng; chế định rõ, đầy đủ các chế tài để buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đúng, bảo vệ quyền tài sản, quyền sản xuất kinh doanh và lợi ích chính đáng của các chủ thể, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sử dụng kém hiệu quả, để thúc đẩy phát triển nền KTTT ĐHXHCN lành mạnh, hiệu quả.

 

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống phát luật, cơ chế, chính sách; khắc phục những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn trong thể chế phát triển kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện và thủ tục sản xuất kinh doanh, gắn với đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

 

3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực các chủ thể sản xuất kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực.

 

Đây là vấn đề rất quan trọng; vì trong quá trình đổi mới, nhất là trong 10 năm qua, các thành phần kinh tế, các chủ thể sản xuất kinh doanh đã có sự phát triển đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhìn nhận tổng quát, cấu trúc các thành phần và các chủ thể kinh tế còn những mặt bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; các thành phần kinh tế và các loại chủ thể kinh tế chưa phát huy thật sự hiệu quả cao vai trò khách quan của mình trong kinh tế thị trường (khu vực doanh nghiệp tư nhân còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP, doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được thật tốt vai trò điều tiết của mình…); sự liên kết giữa các thành phần kinh tế (nhất là giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước) còn hạn chế, hiệu quả không cao.

 

Cho đến nay số lượng doanh nghiệp đang hoạt động bình quân cả nước mới có 8,3 doanh nghiệp trên 1.000 dân[10] (thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực), với tổng số khoảng trên 700 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; trong đó lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,1%. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng - 31,6%, lĩnh vực nông nghiệp - 6,3%. Việc số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chiếm gần 70% không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đã chuyển mạnh lên nền kinh tế dịch vụ trình độ cao; mà cho thấy đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, không đầu tư cho phát triển sản xuất dài hạn - trụ cột chủ yếu để phát triển bền vững của nền kinh tế. Hơn nữa, trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, số doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ có số lượng lớn nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 63% và 31%). Trong tổng số doanh nghiệp toàn quốc, số đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 68,7%; trong đó: số doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 42,7%; số doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn - 7,5%; số doanh nghiệp kinh doanh lỗ - 49,7%.

 

Nhìn tổng thể, lực lượng doanh nghiệp trong nước chưa mạnh, tiềm lực mọi mặt (quy mô, vốn, công nghệ, nhân lực, trình độ quản lý, năng lực hội nhập quốc tế…) còn nhiều hạn chế; hơn nữa chỉ có khoảng 2000 trên hơn 700.000 doanh nghiệp của cả nước - tức khoảng hơn 0,2% tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có  khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia[11]; điều này ảnh hưởng đáng kể đến việc đảm bảo và nâng cao năng lực độc lập - tự chủ của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài về vốn, công nghệ, thị trường; do đó tiềm ẩn rủi ro vì chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, chính trị bên ngoài.

Đội ngũ hơn 8 triệu hộ kinh tế cá thể phi nông nghiệp và khoàng 10 triệu hộ nông dân về cơ bản là sản xuất nhỏ, manh mún, tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực sản xuất kinh doanh hiện đại, năng lực tiếp cận thị trường còn rất nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, đỏi hỏi phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách (vốn, đất đai, thuế…) để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các chủ thể kinh tế cả về số lượng, chất lượng và trình độ.

 

4. Hoàn thiện thể chế về thu hút và phát triển doanh nghiệp FDI trong giai đoạn mới

 

Khu vực doanh nghiệp FDI có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam; tuy nhiên, đang cho thấy nền kinh tế nước ta phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu khai thác lao động chi phí thấp và các ưu đãi thuế, đất đai; nhiều dự án FDI hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu; chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa phát triển năng lực sản xuất trong nước; trong khi ta chưa tận dụng được nhiều và có hiệu quả về chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo nhân lực từ các doanh nghiệp FDI; các mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn thấp.

 

Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của nước ta, trong đó phần lớn là sản phẩm chế biến chế tạo (kể cả công nghệ cao). Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chủ yếu chiếm lĩnh ở các phân khúc gia công, lắp ráp, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp. Độ mở của nền kinh tế rất lớn, lên tới 200% GDP (đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 toàn cầu), vì vậy nền kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài[12].

 

Vì vậy, cần phải điều chỉnh định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách, mục tiêu và tiêu chí thu hút FDI, đón nhận quá trình chuyển dịch các chuỗi cung ứng trong giai đoạn mới, phù hợp và hiệu quả trong từng lĩnh vực, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và hiệu quả tổng hợp đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước; liên kết có hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, cầu; giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp với trình độ công nghệ thấp và trung bình. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng chuyển giá, "lỗ giả lãi thật". Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy kết nối có hiệu quả các doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp FDI trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, cung ứng đầu vào và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

 

5. Hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đảm bảo phát triển nhanh - bền vững

 

Đây là một trọng tâm của đổi mới TC KTTT ĐHXHCN trong giai đoạn mới. Cần phải xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao, thúc đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo. Hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư (nhất là hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, sử dụng tài sản công). Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, như một bộ phận hợp thành hữu cơ của thể chế phát triển theo chiều sâu của đất nước.

 

Xây dựng và thực thi có hiệu quả thể chế mang tính vượt trội - hội nhập quốc tế để kịp thời đón nhận và phát triển các phương thức, mô hình, hình thức kinh tế, sản xuất kinh doanh mới (đang hình thành và phát triển rất nhanh như nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng Blockchain...), sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng; thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực nền tảng, chủ lực, mũi nhọn, và vào các lĩnh vực của đời sống xã hội (để không rơi vào tình trạng mãi chạy theo sau công nghệ, bị công nghệ hiện đại loại ra khỏi sân chơi). Gắn hữu cơ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; coi bảo vệ môi trường là một giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp và hiệu quả trong từng lĩnh vực; đồng thời gắn liền với đó là nghiên cứu xây dựng và đổi mới hệ thống quan hệ sản xuất (bao gồm quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý, quan hệ phân phối…) phù hợp, hiệu quả, thích ứng với yêu cầu của bước phát triển cao hơn và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể, theo hướng có sự chia sẻ về trách nhiệm, quyền lợi, rủi ro... để tạo lập các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững.

 

Trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi TC KTTT ĐHXHCN cần phải gắn kết hữu cơ, hiệu quả giữa các chính sách phát triển kinh tế với các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong tất cả các lĩnh vực và cấp độ theo quan điểm xây dựng và thực thi thể chế phát triển tổng hợp, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

 

6. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế dân tộc mạnh trên cơ sở phát huy có hiệu quả cao vai trò khách quan, ưu thế, sức mạnh và hiệu quả của tất cả các khu vực, chủ thể và lực lượng kinh tế; tăng nhanh quy mô và nội lực của nền kinh tế quốc gia.

 

Đây là một nhiệm vụ trong yếu trong việc xây dựng và hoàn thiện TC KTTT ĐHXHCN trong giai đoạn mới. Cần phải đề cao, coi trọng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân. Hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân cả về quy mô và chất lượng, phát triển theo chiều sâu, trở thành một động lực trọng yếu phát triển nền kinh tế đất nước; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đủ sức tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu và hoàn thiện thể chế quản lý - quản trị doanh nghiệp nhà nước, theo hướng xác định rõ vai trò, chức năng, mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước trong từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn; trên cơ sở đó xác định rõ mục tiêu, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh cổ phấn hóa, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng loại doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trong đó lực lượng kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng để nhà nước thực hiện tốt vai trò định hướng điều tiết của mình. Hoàn thiện thể chế để kết nối các khu vực kinh tế, các chủ thể kinh tế trở thành một thực thể hữu cơ, gắn kết với nhau, thúc đẩy phát triển mạnh nội lực nền kinh tế dân tộc, trong đó coi trọng phát triển hợp tác - đối tác công tư nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao tính độc lập - tự chủ của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào đầu tư FDI và thị trường nước ngoài.

 

Hoàn thiện thể chế để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc (trong đó có thế hệ khởi nghiệp sáng tạo) biết gắn sự phát triển và lợi ích của mình với sự phát triển và lợi ích của dân tộc, là lực lượng chủ lực góp phần quan trọng vào hội nhập và "định vị" nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.

 

7. Hoàn thiện thể chế hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nền kinh tế dân tộc

 

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế theo những quy tắc và chuẩn mực cao, đáp ứng các yêu cầu của các FTA thế hệ mới, nhằm thúc đẩy phát triển và phát huy tối đa nội lực, tận dụng các cơ hội và kết hợp có hiệu quả với các xu thế phát triển của thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu; thích ứng có hiệu quả cao với hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra; bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm hành hóa của đất nước; phòng chống có hiệu quả gian lận thương mại, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế. Đồng thời xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ nền kinh tế dân tộc trong quá trình hội nhập. Nâng cao năng lực dự báo và năng lực phản ứng chính sách trước những tác động của biến đổi thế giới và khu vực, nhất là tác động của các cuộc chiến tranh “nóng”, chiến tranh - cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu đối, với sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới, trên cơ sở đó có những kịch bản hội nhập và ứng phó hiệu quả.

 

Xây dựng và hoàn thiện mô hình và thể chế phát triển thích ứng có hiệu quả với trạng thái biến động đột biến, khó lường trên thế giới hiện nay. Để phát triển bền vững, Việt Nam phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa các thị trường quốc tế, không để phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác; đẩy mạnh phát triển tiềm lực kinh tế dân tộc, nhất là lực lượng doanh nghiệp Việt, tham gia nhiều hơn và có hiệu quả vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa (không thể để kéo dài tình trạng sự phát triển nền kinh tế của đất nước phụ thuộc quá lớn cả đầu vào, đầu ra vào thị trường bên ngoài), coi đây là một nền tảng - động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

(hết)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                    Chuyên gia cao cấp 

 



 [1] Chỉ tính riêng từ khi ban hành Nghị quyết 21 về xây dựng thể chế kinh tế thị trường (Hội nghị Trung ương 6 khoá X) đến năm 2017, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 191 bộ luật, luật, pháp lệnh; trong đó, có khoảng 120 (chiếm hơn 60%) bộ luật, luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020...,tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

[2] World Economic Forum, 2019, Global Competitiveness Report 2019: How to end a lost decade of productivity growth, WEF, Geneva Switzerland

[3] Hội đồng Lý luận Trung ương: Niên giám khoa học, Tập 2, Những vấn đề kinh tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2019, tr. 136.

 [4] Tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore 1,5%/năm; Malaysia 1,9%/năm; Thái Lan 2,5%/năm; Indonesia 3,5%/năm; Philippines 2,8%/năm.

 [5] Cụ thể, năm 2000, NSLĐ của Việt Nam kém của Singapore 20,5 lần, nhưng đến năm 2010 giảm xuống còn 15,7 lần và năm 2016 là 12,1 lần; các con số tương ứng với Malaysia là 8,1 lần, 6,6 lần và 5,7 lần; với Thái Lan là 3,4 lần, 2,9 lần và 2,7 lần.

[6] Bội chi ngân sách giai đoạn 2016- 2020 khoảng 3,6 – 3,7% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 – 2015 (5,4% GDP). Từ năm 2017, tỷ lệ nợ công bắt đầu giảm, đến hết 2019 còn khoảng 54,7% GDP; nợ chính phủ khoảng 48,5% GDP và nợ nức ngoài của quốc gia khoảng 45,8% GDP, nằm trong gới hạn cho phép. Tỷ lệ nợ công dự kiến năm 2020 còn khoảng 52% GDP.

[7] Chế độ sở hữu ở nước ta hiện nay còn những vấn đề chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn phát triển của nền KTTT. Ở nước ta, có ba chế độ sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trong khi đó về lý luận, cũng như về thực tiễn KTTT thế giới chỉ có hai chế độ sở hữu là công hữu và tư hữu, tồn tại với nhiều hình thức khác nhau.

[8] Chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới là thành phần kinh tế. (Tọa đàm về thành phần kinh tế tại Hà Nội, ngày 10-6-2020)

[9] Về điều này, Engels cho rằng, tình hình ông mô tả trong cuốn “Tình trạng giai cấp công nhân Anh” xuất bản năm 1845, trên rất nhiều mặt đã trở thành quá khứ. Chủ nghĩa tư bản đã đẻ ra một số “tinh thần mới”, tại đây, “đạo đức thương mại” phát triển tới một mức nhất định, giai cấp tư sản áp dụng một loạt “biện pháp cải lương”. Ông nói: “Một trong các quy luật kinh tế chính trị học hiện đại … là: sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì nó càng không thể áp dụng những thủ đoạn lừa bịp dối trá nhỏ nhen mang đặc trưng của giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản…. Các thủ đoạn xảo trá đó đã không còn thích hợp trên thị trường lớn nữa, ở đây thời gian là tiền bạc, ở đây đạo đức thương mại tất nhiên đã phát triển đến một trình độ nhất định”.

[10] Tổng cục Thống kê, Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021, 2020.

[11] An Nhiên: Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước chuyển mình tích cực; Bộ Công thương, thứ 2, 09/05/2022.

Tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của DN Việt Nam thuộc điện tử 5-10%; da giày 30%; dệt may 30%; cho công nghệ cao đạt khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác khoảng 15-20%...; Ngành chế tạo ô tô đạt khoảng 5-20%, tuy nhiên, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít: Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150; giá trị sản xuất của công nghiệ hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.

[12] Năm 2022 kinh ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ; nhưng trong đó doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 42 tỷ USD, còn doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 30,7 tỷ USD (các năm trước đều có thực trạng như vậy).

 

Tag:

File đính kèm