Sign In

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay

21:35 09/04/2023

 

Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có mối quan hệ biện chứng, tác động trực tiếp đến sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. Do đó, mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định là một trong mười mối quan hệ lớn cần tập trung giải quyết trong phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này đã được từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam qua hơn 36 năm đổi mới.

 

1.  Sự phát triển nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất

 

Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, mỗi thời đại khác nhau gắn liền với mỗi phương thức sản xuất nhất định. Trong mỗi phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối, có sự tác động trở lại với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều này đã từng được C.Mác chỉ rõ như sau: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có… trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[1]. Như vậy, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là cội nguồn và động lực của mọi sự vận động, phát triển của lịch sử loài người.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Đảng ta luôn chú trọng đến việc giải quyết mối quan hệ này. Tuy nhiên, nhận thức về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất  với xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất không phải ngay lúc đầu đã được xác định một cách đúng đắn, đầy đủ mà có cả quá trình bổ sung, hoàn thiện qua từng thời kỳ.

 

Trước đổi mới (1986), Đảng ta có nhận thức và vận dụng chưa đúng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Sau khi miền Bắc được giải phóng đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã nhấn mạnh vai trò mở đường của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tập trung vào hoàn thiện quan hệ sản xuất trong khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp. Đại hội III (1960) chủ trương “phải lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm, mở đường cho sức sản xuất phát triển”[2].

 

Sau năm 1975, cả nước thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta chủ trương tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Cũng như ở miền Bắc trước đây, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam vẫn chủ yếu tập trung vào vấn đề sở hữu. Điều này đã gây ra sự mất cân đối trong việc giải quyết các mặt của quan hệ sản xuất. Việc nhận thức và vận dụng không đúng quy luật này đã làm cho kinh tế - xã hội khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

 

Đứng trước tình hình đó, Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện như một tất yếu khách quan, một đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đặt ra. Với tinh thần: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và hành động theo quy luật khách quan, Đảng ta chỉ rõ: “Trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta chưa thực sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất”[3]. Trên cơ sở đó, từ Đại hội VI, Đảng ta đã có những nhận thức mới về việc vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.

 

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã nêu rõ đặc trưng về kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: Có một nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Đến Đại hội IX, Đảng ta chỉ rõ hơn nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và xây dựng quan hệ sản xuất trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối và nêu rõ hơn tiêu chuẩn để đánh giá sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất: “Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả căn bản xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân”[4]. Đến Đại hội X, cũng về đặc trưng kinh tế, Đảng ta chỉ rõ: “Có một nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”[5]. Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khi Đảng ta chỉ rõ đặc trưng về kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”[6]. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, điểm mới của Cương lĩnh năm 2011 là ngoài việc xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, Đảng ta đã bổ sung cụm từ tiến bộ vào trước thành tiến bộ phù hợp như một thành tố mang tính chỉnh thể về tính chất của quan hệ sản xuất. Điều này vẫn tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XII, XIII. Cùng với đó, mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất trở thành một trong mười mối quan hệ lớn cần tập trung giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

 

Sự tiến bộ của quan hệ sản xuất được thể hiện ở mục đích của nền sản xuất xã hội. Mục đích đó là vì con người, vì những người lao động - chủ thể của quá trình sản xuất xã hội, chứ không phải vì một hay một nhóm cá nhân nào đó. Điều này đã được Tổng Bí thư chỉ rõ như sau: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội canh tranh để chiếm đoạt lợi riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”[7].

 

Có thể nói, sự tiến bộ của quan hệ sản xuất sẽ góp phần thể hiện rõ nét hơn tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang hướng tới. Thực tế đã cho thấy quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện tại về cơ bản là phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản - bằng chứng của nó là sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản trong thế giới đương đại nhưng chủ nghĩa tư bản vì đề cao, tuyệt đối hóa lợi nhuận mà đi ngược lại với sự tiến bộ của nhân loại. Điều đó đã từng được C.Mác chỉ rõ trong tác phẩm Tư bản như sau: “Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”[8]. Để minh chứng cho điều này, C.Mác đã dẫn lại tờ Quarterly Rewiewer như sau: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50 phần trăm thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ. Nếu sự ồn ào và cãi cọ đem lại lợi nhuận thì tư bản khuyến khích cả hai. Chứng cứ là; buôn lậu và buôn nô lệ”[9].

 

Có thể nhận thấy, việc nhận thức mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Đảng ta thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, bám sát hơn những yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

 

 

2. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong thời kỳ đổi mới

 

Nhìn tổng thể hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng, phát triển. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng đinh: “việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”[10]. Những thành tựu to lớn đó không phải tự nhiên mà có và cũng không phải dễ dàng có được. Đó chính là kết quả của quá trình nhận thức về tính tất yếu của đổi mới, trong đó có những nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất gắn với xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong suốt quá trình đổi mới vừa qua.

 

Thực tiễn giải quyết mối quan hệ đó được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, đó là việc xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và chủ động hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[11].

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta có nhiều biện pháp, cách thức để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo nền tảng vật chất cho xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất mới. Đó là tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá dịch vụ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp thu những thành tựu về khoa học - công nghệ hiện đại; xây dựng, hoàn thiện luật pháp và chính sách kinh tế để kiến tạo sự phát triển bền vững; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài, nhất là trong bộ máy quản lý, quản trị nhà nước; đổi mới thể chế nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và chính sách; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội…

 

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước  đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để hoàn thiện các mặt của quan hệ sản xuất mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa về sở hữu, tổ chức - quản lý và phân phối, tiêu biểu như Luật Đất đai (năm 2013). Luật đã quy định rõ về sở hữu và đại diện chủ sở hữu, phân định quyền của chủ sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế; xác định vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua định hướng, điều tiết, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược, chính sách, chương trình phát triển và các lực lượng vật chất. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn, trí tuệ và các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương, như ASEAN, APEC, ASEM, WTO..., thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA...), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại, đầu tư….

 

Tuy nhiên, thời gian qua bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, xuất hiện những mâu thuẫn mới. Biểu hiện của nó là sự không phù hợp mới giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, làm cản trở đáng kể sự phát triển kinh tế của đất nước: “Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập”[12].

 

Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp đã tác động tới chất lượng của quan hệ sản xuất. Hiện nay vẫn còn xu hướng nặng về thay đổi quan hệ sở hữu hơn là cải tiến, đổi mới quan hệ quản lý và quan hệ phân phối sản phẩm. Cần phải thấy rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên chưa có lực lượng sản xuất hiện đại theo đúng nghĩa để có thể làm cơ sở cho quan hệ sản xuất mới. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong Hiến pháp năm 2013 đều xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay kinh tế nhà nước chưa thực sự giữ vai trò chủ đạo vì nhìn chung năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, chưa thực sự trở thành “đầu tàu” để dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế; thậm chí không ít doanh nghiệp nhà nước rơi vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm thất thoát tài sản lớn của nhà nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Hơn nữa, doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm gần 70% vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% vốn ODA,... nhưng khu vực này chỉ đóng góp 26% - 28% tăng trưởng GDP. Khu vực kinh tế tập thể còn nhỏ bé, nhiều hợp tác xã tồn tại mang tính hình thức, chỉ làm khâu dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản xuất, trình độ khoa học - công nghệ thấp, trình độ quản lý yếu kém khiến nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.

 

Khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động song khoảng 90% doanh nghiệp tư nhân ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều bất lợi về cạnh tranh, nguồn vốn và thường bị phân biệt đối xử trong thực thi cơ chế, chính sách.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu hút nguồn lao động. Tuy nhiên, khu vực này đang tồn tại những bất cập lớn như đầu tư vào các lĩnh vực có công nghệ cao, công nghệ nguồn còn ít, phần lớn còn là công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu, gia công, lắp ráp, ít đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có lợi nhuận kém hấp dẫn. Các doanh nghiệp FDI khai thác nguồn tài nguyên, thị trường, nhân lực rẻ tại Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu lợi nhuận của họ, thậm chí có cả hiện tượng “chuyển giá”, hạch toán lỗ... nhằm trốn thuế, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (về công ty mẹ) đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều công ty.

Những hạn chế, yếu kém trên đây của các thành phần kinh tế đã phản ảnh những bất cập trong thực tiễn xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay. Điều đó đòi hỏi cần phải có những định hướng cụ thể trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ này cho phù hợp hơn nữa với những yêu cầu, đỏi hỏi mới của thực tiễn đất nước cũng như những thay đổi nhanh chóng của thế giới.

 

 

3. Bối cảnh mới và một số định hướng trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất ở Việt Nam giai đoạn hiện nay

 

Trong những năm qua, thế giới đã và đang trải qua những biến động rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác phát triển đang đứng trước nhiều trở ngại như cạnh tranh nước lớn, chiến tranh cục bộ (nổi lên là cuộc xung đột tại Nga - Ukraine kéo dài suốt một năm qua) đã làm gia tăng nhiều rủi ro đối với môi trường chính trị, kinh tế thế giới. Mặc dù đại dịch covid-19 đã được kiểm soát về cơ bản nhưng hậu quả của nó vẫn còn nặng nề với nhiều nền kinh tế, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam cần khá nhiều thời gian để phục hồi. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa tạo ra thời cơ song cũng đồng thời gây nên sức ép lớn về trình độ nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ đối với Việt Nam, về quản trị phát triển, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

 

Ở trong nước, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đã tạo thêm thế và lực, vị thế và uy tín cho Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trước mắt (năm 2025) cũng như trung hạn (năm 2030), dài hạn (năm 2045), Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không ngừng hoàn thiện cả về lý luận về đường lối đổi mới cũng như thực tiễn triển khai toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Một trong những vấn đề cần tiếp tục được chú trọng là tập trung giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và  xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

 

Trong bối cảnh đó, việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần lưu ý một số vấn đề sau sau:

 

Một là, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất ở nước ta trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Cần đẩy mạnh các chương trình tổng kết thực tiễn trên quy mô lớn để cung cấp chất liệu bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận về mối quan hệ này cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng lý luận lạc hậu, bị thực tiễn vượt quá xa nên không thể phát huy được vai trò dẫn dắt, chỉ đạo hoạt động thực tiễn.

 

Hai là, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về sở hữu, tổ chức, quản lý và phân phối và các khu vực kinh tế, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, chưa rõ, ý kiến còn khác nhau, nhằm phát triển lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại như vấn đề chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu ở nước ta; vấn đề vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; vấn đề sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; vai trò kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; vai trò động lực phát triển của kinh tế tư nhân ở nước ta; vai trò kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; vấn đề kinh tế hỗn hợp, kinh tế cổ phần và các mối quan hệ kinh tế giữa các thành phần kinh tế của nền kinh tế nước ta trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Sự bổ sung, hoàn thiện này là rất cần thiết, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đúng như Đảng ta từng nhấn mạnh mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là một trong những mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới. Do đó, “cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”[13]

 

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy và quan điểm phát triển hài hòa cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất trong chỉnh thể phát triển kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội. Đẩy mạnh cải cách toàn diện thể chế nhằm huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện cơ chế thị trường và giải quyết hài hòa quan hệ giữa Nhà nước và thị trường và xã hội trong phân phối các tư liệu sản xuất, trong phát triển nguồn nhân lực, nguồn vốn, khoa học - công nghệ để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; bảo đảm bình đẳng thực sự giữa các khu vực kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa các tổ chức trong cung ứng các dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ…) và phúc lợi xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

 

Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo động lực phát triển; từng bước hoàn thiện chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; gắn kết chặt chẽ 3 trụ cột phát triển bền vững: kinh tế - xã hội - môi trường; khơi dậy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có một nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”[14]. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cạnh tranh giữa các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa và các nhân tố xã hội chủ nghĩa, nhất là trong quan hệ sản xuất ngày càng phức tạp và quyết liệt hơn trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển, toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Do đó, việc không ngừng hoàn thiện, phát triển lý luận về đường lối đổi mới nói chung và lý luận về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là một đỏi hỏi khách quan, có tính cấp thiết do thực tiễn đặt ra. Đó chính là cơ sở để chúng ta tiếp tục hoàn thiện quá trình giải quyết mối quan hệ này trong thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong những năm tiếp theo.

 

GS,TS Lê Văn Lợi

Phó GĐ Học viện CTQG Hồ Chí Minh



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. tr. 15

[2] Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ III, Nxb Sự thật, H.1960; tr.2.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ VI, NxbST,H.1987; tr.23.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ IX, NxbCtQG-ST,H.2001; tr.86-87.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 68.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70

[7] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28

[8] C.Mác và Ph. Ăngghen, Sđd, Hà Nội. 1993, t. 23, tr.872

[9] C.Mác và Ph. Ăngghen, Sđd, Hà Nội. 1993, t. 23, tr.1056.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.129

[12] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.34-35

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.39

[14] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.24

Tag:

File đính kèm